Cách kết hợp màu sắc và kết cấu bề mặt trong thiết kế nội thất

Màu sắc ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận không gian. Chúng có thể kích thích tâm trạng của chúng ta, làm cho môi trường trở nên yên tĩnh hơn hoặc sôi nổi hơn, đồng thời thay đổi nhận thức của chúng ta về không gian mà không làm xê dịch một li nào trên tường.

Ứng biến với màu sắc không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi chúng ta muốn những căn phòng cá tính hơn hoặc trông “thân thiện” với mạng xã hội hơn, việc làm quen, sáng tạo với các sắc thái và kết cấu khác nhau là điều cần thiết. Hiểu được vòng tròn màu sắc và làm việc với các ví dụ trực quan là một số bước cơ bản để thử nghiệm kết hợp màu sắc, kết cấu và kiểu dáng. Ở đây, ELLE Decoration đã tập hợp một số mẹo có thể dùng làm hướng dẫn khi quyết định bảng màu cho dự án sắp tới của bạn.

Màu sắc và kết cấu bề mặt trong thiết kế nội thất 1

Ảnh: do mal o menos

Màu sắc và kết cấu bề mặt trong thiết kế nội thất 2

Ảnh: Suryan // Dang

Màu sắc tương phản

Để tạo sự tương phản trong không gian, bạn nên kết hợp các màu đối lập trong vòng tròn màu sắc. Chúng có thể được bố trí trên các bề mặt của không gian (tường, sàn và trần), cũng như trên đồ nội thất và đồ trang trí hiện có.

Màu sắc và kết cấu bề mặt trong thiết kế nội thất 4

Ảnh: João Sarturi

Màu sắc tương đồng

Nếu ý tưởng của bạn là tạo ra những không gian hài hòa hơn, các màu liền kề trong vòng tròn màu có thể thể hiện các biến thể của tông màu và cường độ khiến căn phòng trở nên sinh động hơn thông qua các sắc thái tương tự nhau.

Màu sắc và kết cấu bề mặt trong thiết kế nội thất 3

Ảnh: André Klotz

Đơn sắc

Các sắc thái khác nhau của cùng một màu có thể tạo ra một bố cục tinh tế và thanh lịch. Để tránh sự đơn điệu hay trống rỗng, bạn có thể thêm các kết cấu và vật liệu đa dạng trong cách tiếp cận tối giản hơn này.

Không gian Văn hóa Nghệ thuật OHL

Ảnh: Ricardo Oliveira Alves

Kết cấu tương phản

Các loại vật liệu như gạch, gỗ, kim loại, thủy tinh hoặc vải mềm với các lớp khác nhau có thể tạo thêm chiều sâu và tăng sự thú vị về mặt thị giác cho không gian. Đối với cách này, điều quan trọng là phải cân bằng kết cấu thô và mịn để có được kết quả hài hòa hơn.

Phong cách hỗn hợp

Các phong cách khác nhau của đồ nội thất và đồ trang trí có thể tạo ra một thẩm mỹ độc đáo và mang đậm tính cá nhân. Quan trọng nhất là tìm ra các yếu tố cho phép tất cả các đối tượng và môi trường có thể “đối thoại” cùng nhau, ví dụ như dựa trên hình dạng hoặc màu sắc tương đồng.

Quán cà phê Zerno

Ảnh: Alexandra Ovsees

Tỷ lệ cân bằng màu sắc

Trong mọi tình huống, chúng ta cần có ý niệm về tỷ lệ các yếu tố trong bố cục, tránh thừa hoặc thiếu hài hòa, trừ khi có chủ đích tạo yếu tố bất ngờ gây chú ý. Bạn có thể áp dụng các chiến lược khác nhau để duy trì tỷ lệ, chẳng hạn như tính đối xứng hoặc quy tắc một phần ba để tạo ra sự cân bằng về mặt hình ảnh.

Màu sắc và kết cấu bề mặt trong thiết kế nội thất 6

Ảnh: Reutov Dmitry, Gerner Ekaterina

Ít hơn là nhiều hơn

Trong thời trang, Coco Chanel từng nói: “Trước khi ra khỏi nhà, bạn nên bỏ bớt một phụ kiện”. Tùy thuộc vào môi trường, câu nói đó cũng có thể áp dụng cho kiến ​​trúc. Loại bỏ các yếu tố không cần thiết hoặc thừa thãi có thể là chìa khóa để đơn giản hóa bố cục giữa các màu.

Alba House

Ảnh: DEL RIO BANI

Thực hiện: My Lương | Theo: ArchDaily


Xem thêm

Chọn đồ nội thất cho phòng ngủ nên tránh màu gì?

Sơn lên giấy dán tường: Tại sao không?

Sức mạnh của màu sắc trong tạo dựng công trình