Dự án nhà ở của Flack Studio nằm dọc bờ biển Tamarama, lặng lẽ ẩn mình nương theo tiếng sóng ở ngoại ô phía Đông Sydney. David Flack, người sáng lập studio cho biết: “Công trình sẽ không mang tông beige nhợt nhạt thường thấy ở những ngôi nhà ven biển”. Tầm nhìn có phần mạo hiểm của NTK cho ngôi nhà ven biển đã được thể hiện rõ ràng ngay từ lần tiếp cận thiết kế đầu tiên thông qua kết cấu, nghệ thuật, cảm quan tổng thể và các vật liệu như thạch cao Venetian, gỗ nguyên khối, sàn Palladiano.
Dựa trên các thành phần thiết kế đa dạng ấy, tính tương tác là từ khóa tiên quyết dẫn dắt toàn bộ dự án, kết nối mọi mảnh ghép rời rác. Trọng tâm thiết kế của ngôi nhà nhấn mạnh vào hình khối và chất liệu, biến công trình trở thành một bữa tiệc cộng hưởng giữa cá tính mạnh mẽ vả cảm giác vững chãi. “Chúng tôi lấy cảm hứng từ chính quê hương của gia chủ – New York, đó là nơi có nhịp sống hối hả, sôi nổi không ngừng nghỉ” – NTK cho biết.
Sự lựa chọn vật liệu chu đáo cho phép NTK phát triển mỗi không gian theo các hướng đi riêng biệt. Công trình sử dụng tính đối lập như một thủ pháp thiết kế xuyên suốt: nguồn sáng ấm áp từ bờ biển Australia, nhịp sống dồn dập của New York và sự xa hoa trong từng lớp chất liệu vượt thời gian đến từ Italy. Mọi không gian trong công trình đều có góc nhìn ngoạn mục hướng ra biển. Cá tính táo bạo của chủ nhân ngôi nhà được thể hiện qua các vật dụng nội thất và tác phẩm nghệ thuật. Văn phòng thiết kế đã kết hợp 34 tác phẩm trong xuyên suốt ngôi nhà, phần nhiều trong số đó thậm chí được đặt sáng tác riêng cho công trình.
Các vật dụng nội thất đáng chú ý có thể kể đến chiếc bàn cà phê bằng đồng và mã não của Sanné Mestrom với tạo hình dựa trên các bộ phận của cơ thể người, đèn neon của Rod McLeish mang đậm tính điêu khắc hay bức tranh khổng lồ của Dale Frank tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho một không gian chính trong nhà. Giải pháp đặt để lớp lang của các vật dụng nội thất xen kẽ giữa tác phẩm nghệ thuật chính là mấu chốt để dung hòa rất nhiều những yếu tố khác nhau cùng xuất hiện trong một không gian.
Ảnh: Anson Smart
NTK cho rằng việc có nhiều điểm nhấn thiết kế được tìm thấy xuyên suốt là yếu tố khiến anh vô cùng tâm đắc – đó chính xác là điều khiến ngôi nhà trở nên độc đáo: “Lớp lót mỏng màu đỏ tươi được dệt vào lan can cầu thang gỗ, đồ mộc phòng khách hay trần nhà. Sự chú tâm đến từng chi tiết còn được thể hiện ở phòng vệ sinh với những thớ gỗ walnut bao quanh bồn rửa bằng đá cẩm thạch Opus”. Tuy nhiên, với tất những trang hoàng lộng lẫy ấy, từng nhu cầu công năng của chủ nhân ngôi nhà vẫn được chú tâm đáp ứng. Dẫn lời NTK về những khó khăn mà họ cũng như gia chủ đã cùng vượt qua: “Chủ nhân của ngôi nhà mắc chứng suy giảm thị lực màu sắc Achromatopsia, khiến khả năng nhận biết màu sắc bị hạn chế, ngoại trừ màu xanh lam và xanh lục. Vì vậy thay vì chọn những màu trầm thường thấy, chúng tôi đã cùng với khách hàng sử dụng bộ màu có phần rực rỡ hơn cho nội thất”. Ngoài ra, việc lựa chọn cẩn thận các tác phẩm nghệ thuật có màu xanh làm và xanh lá cây cũng đảm bảo chủ nhà hoàn toàn có thể tận hưởng không gian của chính mình không gặp quá nhiều khó khăn.
Thực hiện: Đức Nguyên | Theo: Yellowtrace | Ảnh: Anson Smart | Styling: Joseph Gardner.
Xem thêm:
Căn hộ New York: Những thể nghiệm cá nhân
Căn hộ Paris: Boho hiện đại và thanh lịch
Dinh thự Đông Ngạc: Truyền thống Việt qua con mắt của kiến trúc sư Ý