Ẩn giữa khu rừng già Chocó – nơi nổi tiếng với hệ động thực quý hiếm và đặc hữu, nhà gỗ Irori vốn được dùng cho mục đích làm nhà kho và là nơi tổ chức các cuộc đá gà bí mật. Bởi lý do xây dựng có phần nhạy cảm, các kiến trúc sư đến từ Baquio Arquitectura đã lựa chọn khái niệm “Irori” trong kiến trúc Nhật Bản làm kim chỉ nam cho định hướng thiết kế.
Căn nhà gỗ ẩn mình bên dưới các tán cây rừng.
Nhằm tránh các loài côn trùng và lưỡng cư lẫn bò sát trong môi trường tự nhiên, ngôi nhà được thiết kế có sàn cao hơn so với mặt đất.
“Irori” là khái niệm bắt nguồn từ kiến trúc truyền thống Nhật Bản, là một lò sưởi âm sàn đốt bằng than củi. Được sử dụng để sưởi và nấu ăn, về cơ bản “Irori” là một hố vuông lót đá, thường được lắp thêm với một chiếc móc – gọi là Jizaikagi, dùng để nâng hạ ấm đun hoặc nồi. Trong lịch sử, nó đóng vai trò chính của hệ thống làm ấm và thắp sáng trong gia đình, nơi các thành viên quây quần. Từ ý nghĩa gắn kết cộng đồng, văn phòng kiến trúc mong muốn thực tế hóa văn hóa ấy thành một yếu tố giúp liên kết, giao tiếp và tương tác.
Khu vực lò sưởi “Irori” – trái tim của căn nhà.
Phần lớn các vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, mang lại trải nghiệm gần gũi và thô mộc nhất cho người sử dụng.
Quy tắc trò chơi thiết kế trong căn nhà này xoay quanh khái niệm lấy lò sưởi làm trung tâm. Để khai thác ý tưởng này, kiến trúc sư đã phân chia ngôi nhà thành ba vùng không gian ứng với sự kích thích của mỗi giác quan khác nhau – khứu giác, thính giác và thị giác, cùng với đó là sự chơi đùa với các yếu tố kiến trúc nhằm tạo nên hiệu ứng rõ – mờ.
Ảnh: Punto Dos Studio
Khứu giác là giác quan được đánh thức đầu tiên khi tiến vào căn nhà với mùi hương từ gỗ thoang thoảng và cây lá. Ở không gian kế tiếp, khi cảnh vật mờ dần sau lớp cửa sổ giấy, điều duy nhất có thể cảm nhận là tiếng sột soạt của những chiếc nệm êm ái, tiếng lá cây xào xạc bên ngoài và thanh âm chim hót líu lo. Vùng không gian cuối kết thúc cuộc hành trình với hai ô cửa sổ hình tròn mở rộng ra toàn cảnh thung lũng Choc, mang lại trải nghiệm ngoạn mục về mặt thị giác cho người sử dụng.
Nội thất chủ yếu từ gỗ đã mang lại sự ấm áp và thân thuộc cho toàn bộ không gian căn nhà.
Ảnh: Punto Dos Studio
Cách bố trí đối xứng của hai ô cửa sổ tròn tạo hiệu ứng rộng mở cho căn nhà về hai phía, đồng thời cung cấp một tầm nhìn toàn vẹn về hướng thung lũng Mindo.
Ngoài ra, bao bọc xung quanh nhà gỗ là một hồ nước nhỏ, gắn kết mối quan hệ mật thiết của công trình với những cơn mưa và môi trường xung quanh. Để tăng trải nghiệm sử dụng với nước, Baquio Arquitectura đã bố trí một bồn tắm ngoài trời nằm cạnh khối nhà chính. Không những tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên nhờ sử dụng vật liệu vỏ tre làm bồn tắm, thiết kế này còn cho phép người dùng một trải nghiệm ngâm mình độc đáo.
Mối liên kết với thiên nhiên và căn nhà còn được thể hiện qua yếu tố nước và các bề mặt phản chiếu.
Khu vực bồn tắm ngoài trời.
Thực hiện: Vân Thảo | Theo: Archdaily | Ảnh: Punto Dos Studio
Xem thêm: