Thưởng thức vẻ đẹp mùa hoa là truyền thống của người Nhật, tương truyền hình thành từ thời kỳ Bình An (794 – 1185) dưới quyền cai trị của Thiên hoàng Saga. Thú vui thưởng ngoạn những mùa hoa mang “thương hiệu Nhật Bản” có hoa anh đào (Sakura), mùa lá đỏ (Momiji), rồi hoa bỉ ngạn (Higanbana), tử đằng (Fuji), hoa cúc (Kiku), hoa sen (Hasu), hoa cát cánh (Kikyo)… Mỗi loài hoa là một câu chuyện về mùa, về địa điểm, về cách thức hấp dẫn lữ khách. Xin chọn ra ba ví dụ tiêu biểu cho thấy người Nhật thật tài tình khi tận dụng những chi tiết tưởng chừng chỉ là yếu điểm, nhưng biến thành lợi điểm và tạo nên sự khác biệt.
Câu chuyện đầu tiên, xảy ra ở vùng Bắc Hải Đạo (Hokkaido). Ở thị trấn Takinoue, với hơn 2.500 nhân khẩu, vào thập niên 1950, một người bản địa là Kataoka Heiji trong chuyến thăm viếng ngôi đền cổ đã phát hiện loài hoa dại có tên Chi Anh (Shibazakura) mọc hoang dã, cánh hoa mong manh, hồng thắm, rất đẹp mắt nên đã đem về trồng ở sườn đồi ngay thị trấn. Sau đó, ông tiếp tục vận động người dân, hễ thấy hoa Chi Anh bất kỳ đâu trong vùng, đều mang về trồng tập trung ở khu vực sau này gọi là công viên Takinoue. Qua thời gian, thảm hoa lan rộng, với diện tích lên đến hơn 10 hecta. Mỗi mùa hoa nở (tháng 5 – tháng 6), cả mặt đất biến thành tấm thảm hồng kỳ ngoạn, là tự hào của người dân trong vùng và cả Nhật Bản.
Cũng ở vùng Hokkaido, Kami Yubetsu là nơi có cánh đồng hoa Tulip lớn thứ 2 tại Nhật sau Toyama. Từ một vùng đất hoang vu, những nông dân nảy sinh ý tưởng trồng hoa Tulip. Ban đầu chỉ có 22 giống nhập từ Hà Lan, qua hàng năm lai tạo, nhân rộng, đến nay đã có hơn 220 giống hoa khác nhau với trung bình mỗi mùa hơn 1,5 triệu bông hoa nở trên diện tích 12,5 hecta.
Một ví dụ về sự “tập hợp” khác theo kiểu Nhật Bản là khu vườn hoa mơ Kairakuen ở tỉnh Ibaraki với đầy đủ các giống hoa mơ của toàn nước Nhật. Hằng năm, bắt đầu từ tháng 01 từng loại hoa mơ cứ tiếp nối nhau nở rộ, đầu tiên là những giống hoa Rekkobai, Yaetoji, Yaekanko, rồi đến Tsukigage, qua Shirokaga, Konanshomu… cho đến tháng 4 mới hết mùa. Phổ biến nhất ở vườn mơ Kairakuen là giống hoa Shirokaga, chiếm khoảng gần 500 cây, phần đa còn lại là những giống hoa mơ được nghệ nhân làm vườn lai ghép từ ba dòng Tojibai, Yaekanko và Shirokaga để thành những gốc hoa mơ chủng mới, thậm chí chưa có tên.
ĐỨNG Ở KAIRAKUEN, TÔI TIẾC NHỮNG CÀNH ĐÀO CỔ THỤ VIỆT CHẶT TỪ RỪNG VỀ PHỐ. GIÁ NHƯ CÓ MỘT TẬP HỢP, QUY HOẠCH HỢP LÝ, MONG LẮM CÓ ĐƯỢC KHU VƯỜN NHƯ “GIAI LẠC VIÊN”.
Đến Kairakuen, bạn không chỉ được ngắm cả rừng mơ khoe sắc mùa hoa nở. Không gian này cũng là nơi diễn ra nghi lễ trà đạo truyền thống Nhật Bản như từ ngày vị lãnh chúa Tokugawa Nariaki (1800 – 1860) hình thành nên khu vườn, để thưởng trà và ngắm hoa ở tòa kiến trúc có tên gọi Kobuntei. Một chi tiết thú vị trong chuyến thăm vườn mơ Kairakuen, vị trà sư khi biết khách đến từ Việt Nam, đã trịnh trọng lấy ra bát gốm cổ men tam thái hơn 500 năm tuổi, sản xuất từ thời Lê Sơ (1428 – 1527) tại lò gốm Chu Đậu, Hải Dương ngày nay, được xuất dương sang Nhật và được các trà sư truyền đời ở Konbutei trân quý như báu vật, chỉ dùng trong những dịp trọng đại. Nâng chén trà gốm cổ Việt Nam, ngắm hoa mơ nơi đất Nhật, nhấp từng ngụm trà để thấy rõ ở đó sự trân trọng, nâng niu những giá trị về văn hóa, tinh thần, từ vẻ đẹp đậm tính kết nối nơi khu vườn mơ.
Câu chuyện tập hợp những loài hoa về địa điểm nhất định, hẳn gợi về những tích truyện quen trong văn hóa Á Đông, có thể thấy qua hình ảnh những bông hoa, là “tích tiểu thành đại”, là “câu chuyện bó đũa”… với hiệu quả đáng ngưỡng mộ và là bài học có thể áp dụng vào điều kiện thực tế các nước, trong đó có Việt Nam.
THƯỞNG HOA LÀ HOẠT ĐỘNG GẮN KẾT, GẦN GŨI THIÊN NHIÊN, ĐƯỢC NÂNG THÀNH LỄ HỘI MÀ NGƯỜI NHẬT VÀ LỮ KHÁCH THẬP PHƯƠNG ĐỀU MONG ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM.
Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.
Xem thêm: