Kiệt tác trú ngụ

Là nơi trú ngụ của nhiều kiệt tác nghệ thuật vô giá trên thế giới – những bảo tàng do ED tuyển chọn dưới đây chính là gợi ý một chuyến khám phá rất xứng đáng khi chúng ta bắt đầu có thể du hành. Trong những tuần phong tỏa ở khắp châu Âu, rất nhiều bảo tàng đã cung cấp miễn phí tour tham quan qua mạng dành cho những ai yêu cái đẹp, trân trọng giá trị của nghệ thuật tạo hình.

Bảo tàng MoCA Shanghai

Thượng Hải

Trung Quốc đang là khu vực chứng kiến nhiều biến chuyển đột phá, là mảnh đất màu mỡ cho những thiết kế thể nghiệm. MoCA Shanghai (Museum of Contemporary Art Shanghai) thành lập vào năm 2005, được cải tạo từ công viên People’s Park Greenhouse với tổng diện tích 1.800 mét vuông do Atelier Liu Yuyang Architects thực hiện. Bản thiết kế MoCA Shanghai không đưa ra tuyên ngôn mới mà tập trung khai thác khái niệm về tính đối ngẫu, khả năng tương tác giữa các không gian. Phần mặt tiền của công trình được thay mới bởi một loạt tấm kính hình học ghép nối bằng khung thép không gỉ. Hai khu vực triển lãm chính liên thông nhau bằng đoạn dốc cong quét qua các hệ cột bê tông cốt thép, đoạn đường này có chiều dài tối đa nhưng chỉ sử dụng vật liệu tối thiểu. Đây cũng là lối giao thông chính diễn ra sự tiếp nối của mọi hoạt động bên trong. Ý niệm trung gian của MoCA Shanghai còn nằm ở vị trí giữa cảnh quan và đô thị. Từ trong bảo tàng lại có thể nhìn về cảnh quan và đô thị, người xem như ngưng đọng khi được thả vào điểm tiếp nối của hai bối cảnh.

Bảo tàng tập trung quảng bá hình ảnh nghệ thuật đương đại Trung Quốc cũng như quốc tế bằng nhiều triển lãm quy mô. Đây còn là nơi thúc đẩy các xu hướng trong nghệ thuật đương đại, hỗ trợ nhóm nghệ sĩ mới và tạo không gian gặp gỡ cho cộng đồng.

Ảnh: Jeremy San.

Ảnh: Jeremy San.

Ảnh: Jeremy San.


The National Art Center

Tokyo

The National Art Center hoạt động chính thức vào năm 2007 tại Tokyo, công trình trước đây từng là cơ sở nghiên cứu của Đại học Tokyo. Đây là một trong những không gian triển lãm lớn nhất Nhật Bản. Dự án do KTS Kisho Kurokawa thiết kế với bức tường kính uốn lượn giúp chặn tia cực tím, lấy sáng, đồng thời tạo ra biến tấu trường nhìn thú vị. Bức tường phản chiếu lại khung cảnh thiên nhiên nhờ hình dáng lượn sóng, biến khối kiến trúc thành mặt gương khổng lồ, đồng nhất cùng cảnh quan. Đằng sau mặt tiền là những trụ bê tông lớn hình phễu, như thể bước qua lớp kính trong như màn nước là đặt chân đến chiều không gian mới. Mặt bằng phân bổ công trình được chia thành nhiều không gian nhỏ, tách biệt bởi các hệ vách ngăn. Vách ngăn này tuy nặng đến 2,5 tấn nhưng có thể di chuyển dễ dàng chỉ với hai người nhờ ray trượt.

The National Art Center là một “bảo tàng trống” khi không sở hữu bất kỳ mẫu vật trưng bày nào. Trung tâm chỉ tổ chức các sự kiện có thời hạn, nhờ đó mà hệ thống vách ngăn ray trượt phát huy tối đa tính chất linh động.


Bảo tàng Tehran MoCA

Tehran

Tehran MoCA (Tehran Museum of Contemporary Art) là một trong những bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn nhất Iran. Bảo tàng được thành lập bởi hoàng hậu Farah Pahlavi vào năm 1977. Công trình được thiết kế bởi KTS Kamran Diba người Iran. Ông đã sử dụng nguồn cảm hứng từ kiến trúc Ba Tư làm định hướng thiết kế. Kiến trúc công trình là tổ hợp của nhiều khối nhà hình hộp có phần mái vát cong. Mặt tiền của từng khối nhà được xoay theo nhiều hướng để luân phiên lấy sáng bên trong. Tehran MoCA được giới chuyên môn ví như một Solomon R. Guggenheim dưới lòng đất vì lối kiến trúc đương đại và hầu hết mọi khu vực đều nằm bên dưới mặt đất với những lối đi xoắn ốc. Mỗi khu vực trưng bày lại liên thông và khớp nối lẫn nhau nhờ khoảng sân rộng bao quanh. Chính vì sự phức tạp trong cách bố trí mặt bằng và lựa chọn đưa không gian xuống lòng đất mà giải pháp kiến trúc xoay chiều lấy sáng lại càng trở nên giá trị bội phần.

Khoảng sân trống phía trên được quy hoạch đối xứng trục chéo theo nhiều bậc cao độ dùng làm nơi tương tác cộng đồng và tổ chức những buổi triển lãm ngoài trời. Tehran MoCA sở hữu BST hơn 3.000 tác phẩm niên đại từ thế kỷ XIX đến XX của nhiều tên tuổi lớn như Max Ernst, Alberto Giacometti, René Magritte hay Henry Moore. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động triển lãm dành cho các nghệ sĩ địa phương.

Ảnh: Jontynz.

Ảnh: Gray Studio.

Ảnh: Gray Studio.


Bảo tàng Solomon R. Guggenheim

New York

Bảo tàng Solomon R. Guggenheim (The Guggenheim) tọa lạc tại Manhattan, New York được thành lập năm 1939 với tên gọi Museum of Non-Objective Painting. Bảo tàng chính thức đổi tên như hiện nay vào năm 1952 theo nhà sáng lập sau khi ông qua đời. Tuy thành lập từ sớm nhưng mãi đến năm 1959, công trình kiến trúc hiện tại mới được xây dựng dựa trên bản thiết kế của KTS Frank Lloyd Wright. The Guggenheim là công trình mang tính bước ngoặt của kiến trúc thế kỷ XX, khối nhà hình phễu đặt trên các mặt phẳng hình học tạo nên những đường uốn, dốc độc đáo. Không gian bên trong bày biện xuôi theo hình xoắn ốc của khối phễu, lấy tâm khối làm trọng điểm, kiến tạo giếng trời lấy sáng. Từng không gian đơn lẻ liên thông với nhau trong tổng thể gắn kết chặt chẽ. Sự phối hợp giữa kiến trúc – nội thất biến The Guggenheim thành bảo tàng có hình thức trưng bày khác lạ.

Trong suốt 80 năm thu thập và lưu giữ, khởi đầu từ BST tư nhân của nhà sáng lập cho đến nhiều tác phẩm lớn thuộc trường phái Ấn tượng, Hậu ấn tượng và phong cách hiện đại Pháp của những tên tuổi lớn trong nghệ thuật đến nay đều thuộc quyền sở hữu của bảo tàng.

bảo tàng 11

Ảnh: David M. Heald.

bảo tàng 10

Ảnh: Battery Journal.


The Centre Pompidou

Paris

bảo tàng 9

bảo tàng 8

Giữa Paris – thủ phủ của những công trình kiến trúc, bảo tàng nghệ thuật cổ điển, The Centre Pompidou lại mang một dấu ấn đương đại rõ nét. Trung tâm nghệ thuật chính thức mở cửa rộng rãi vào năm 1977 với sự quan tâm sát sao của tổng thống đương nhiệm Georges Pompidou. Để tìm ra người thiết kế cho dự án, vị tổng thống đã tổ chức cuộc thi tuyển nhưng bản phác thảo được lựa chọn cuối cùng lại đến từ bộ đôi KTS không mấy tên tuổi lúc bấy giờ: Renzo Piano và Richard Rogers. Hệ thống hoa văn, khung giàn mang tính minh họa chủ nghĩa kiến tạo là những thiết kế chưa từng xuất hiện trong thế giới kiến trúc trước đây. Bản thiết kế công trình phơi bày toàn bộ cấu trúc hạ tầng, bao phủ mặt tiền bằng khung xương kết cấu, hệ thống cơ khí. Bộ đôi KTS đã phơi bày hệ thang cuốn hình ống ra phía trước, cắt chéo lớp mặt tiền bọc ngoài. Đây là yếu tố chuyển động duy nhất trong thiết kế, cho phép người dùng tiếp cận hầu hết các tầng không gian. The Centre Pompidou là điểm nhấn tương phản mạnh mẽ trong bối cảnh Paris đương thời, đưa Renzo Piano và Richard Roger trở thành tên tuổi lớn trên bản đồ kiến trúc.

The Centre Pompidou sở hữu 59.000 tác phẩm của hơn 5.000 nghệ sĩ. Trung tâm còn là nơi phô diễn sáng tạo của nghệ sĩ đương đại, điển hình như tác phẩm điêu khắc Horizontal của Alexander Calder, một chiếc điện thoại cao 7,6 mét đặt trước trung tâm The Centre Pompidou năm 2012.

bảo tàng 7

bảo tàng 6

bảo tàng 5


Bảo tàng Nacional del Prado

Madrid

bảo tàng 4

Bức tượng danh họa Diego Velázquez phía trước lối vào Nacional del Prado. Tác phẩm hội họa Las Meninas của ông lưu giữ tại đây được xem là tác phẩm giá trị nhất của bảo tàng.

bảo tàng 1

Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Tây Ban Nha, Nacional del Prado được thiết kế bởi KTS Juan de Villanueva năm 1785 theo lệnh vua Charles III. Vì đặc thù của bối cảnh khai sinh mà bảo tàng sở hữu lối kiến trúc cổ điển mang đậm tinh thần Hoàng gia Tây Ban Nha, đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thẩm mỹ. Prado là một trong những trung tâm trưng bày nghệ thuật danh tiếng nhất thế giới. BST của bảo tàng có niên đại từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XX bao gồm 8.200 bức họa, 7.600 tranh vẽ, 4.800 bản in và 1.000 tác phẩm điêu khắc cùng nhiều tài liệu lịch sử, nghệ thuật khác. Ngoài ra bảo tàng còn chia sẻ khoảng 3.100 hiện vật của mình cho nhiều bảo tàng và tổ chức khác nhau lưu giữ tạm thời. Tròn 200 năm kể từ khi thành lập, bảo tàng đã tổ chức lễ kỷ niệm vào năm 2019, đồng thời đưa ra những hướng đi mới trong tương lai. Điển hình là việc hoàn thiện khu học xá Prado và bổ sung khối nhà cuối cùng trong khuôn viên.

bảo tàng 3

Ảnh: Bmiaa.

bảo tàng 2

Ảnh: Gessato.

Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Saint Hotel – Hang động trắng của Santorini

Le Cloître Hotel – Gam màu táo bạo điểm tô di sản