Vẻ đẹp của một vật thể càng trở nên có chiều sâu một khi ta biết được câu chuyện đằng sau nó. Một món đồ trải qua hàng trăm, hàng ngàn giờ chế tạo mang trong mình giá trị của những kỹ nghệ được hun đúc, tôn vinh qua thời gian, mà gói ghém trong đó là các tầng lớp tinh hoa về di sản, văn hoá và cá tính độc nhất.
THỜI GIAN LÀ ĐÔI BÀN TAY NHÀO NẶN
Một nghệ nhân chân chính là người biết tận dụng những quyền năng của thời gian để nhào nặn nên một vật phẩm giá trị. Với họ, thời gian chính là dòng nước nhẫn nại, uyển chuyển giúp mài dũa, tinh lọc và hé lộ ra viên ngọc quý bên trong ý tưởng từ khi nó chỉ mới ra một viên đá thô sơ. Giá trị được bồi đắp qua bàn tay chăm chút của thời gian: đó chính là hàng trăm ngàn giờ hoàn thiện kỹ thuật xử lý đến mức tinh vi nhất, là những ngày tháng ấp ủ ý tưởng, tìm hiểu và xử lý nguyên vật liệu phù hợp, là những giờ phút tâm huyết của người nghệ nhân, của hàng trăm năm tri thức truyền thụ, kế tục qua nhiều thế hệ còn sống mãi đến tận ngày hôm nay.
Những biến đổi về môi trường, xã hội và gần đây nhất là dịch bệnh toàn cầu đã góp phần thay đổi thị hiếu và thước đo giá trị nội thất trong mắt khách hàng. Khi sự sống được đặt trên lằn ranh mong manh, chúng ta chợt nhận ra mình tiêu tốn quá nhiều thời gian quý giá để chấp nhận những thứ tạm bợ và hời hợt trong khi mục đích tiên quyết đáng ra là phục vụ tiện nghi đời sống. Nội thất từng là những món đồ đồng hành cùng con người qua năm tháng, cùng họ xây dựng và bồi đắp trải nghiệm cho một cuộc đời. Đó là chiếc bàn nơi cả nhà quây quần trong bữa tối, là chiếc ghế cha ngồi đọc báo mỗi sáng, hay tủ bếp chất đầy những món ngon của mẹ. Chúng là một phần của gia đình, của nơi chốn đi về và là một định nghĩa sâu sắc về đời sống tinh thần – những thứ làm nên phần “người” trong mỗi chúng ta. Khi được đặt ra câu hỏi lớn về thời gian, ta nhận ra rằng đã đến lúc cần trả lại cho nội thất khoảng giá trị xứng đáng, cả trong cách hình thành cho đến vòng đời tồn tại của chúng.
Ở nền văn hóa châu Âu, đồ thủ công được vinh danh như một hình thức nghệ thuật tinh xảo bởi nó đòi hỏi kỹ năng, tâm huyết cũng như trí tuệ. Mỗi món đồ mang linh hồn của người làm ra chúng và là một sự đầu tư nghiêm túc về thời gian. Kỹ thuật làm nghề được truyền dạy từ đời này sang đời khác để vẻ ngoài và chất lượng được duy trì một cách nhất quán dù trải qua sự biến thiên, thử thách của thời gian. Người nghệ nhân được công nhận bởi sự tận tâm tuyệt đối với nghề, họ sở hữu “nhất nghệ tinh” và có thể tạo ra những tuyệt tác vượt trên kỳ vọng của công năng, được ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp và khả năng lay động cảm xúc. Mỗi món nội thất, đồ trang trí thủ công đều là độc nhất bởi những chi tiết nhỏ bé gói trọn trong mình tính nguyên bản của vật liệu và cả người nghệ nhân, nơi mỗi khiếm khuyết đều trở thành một nét chấm phá hoàn hảo cho nét đẹp tự nhiên.
Sản xuất thủ công luôn là một quá trình kỹ lưỡng đòi hỏi nhiều thời gian, do đó yêu cầu người thợ phải luôn giữ được niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Ví dụ như kỹ thuật sơn mài Urushi của Nhật Bản với độ phủ của 20-50 lớp sơn nhưng chỉ dày khoảng 0,15 cm, thuộc loại siêu mỏng và cần đến gần một năm trời để hoàn thiện. Người nghệ nhân sẽ phủ lớp đầu tiên bằng cọ để đảm bảo bề mặt láng mịn của thủy tinh, những lớp sau sẽ được tuần tự thêm vào khi nước đầu tiên đã hoàn toàn khô ráo. Mỗi ngày họ chỉ có thể phủ được một lớp sơn. Khi hoàn thiện phủ màu, miếng thuỷ tinh sẽ được cắt và chạm khắc bằng dụng cụ mang tên Choukokuto, chà láng bằng giấy nhám và đánh bóng bằng dầu hoa trà để đạt được vẻ sáng bóng, mịn màng tuyệt vời.
Chaumet – hãng trang sức siêu sang chia sẻ rằng nghệ nhân của họ thường mất từ 1.000 đến 2.000 giờ đồng hồ để chế tác ra một chiếc vòng cổ hay vương miện. Thời gian thuộc vào độ tinh xảo của thiết kế và yêu cầu xử lý đặc biệt dành cho những viên đá quý trên đó. Người nghệ nhân phải mất đến xấp xỉ 10 năm để học hỏi và để có thể đảm đương nhiệm vụ thiết kế, chế tác cầu kỳ với kỹ thuật được duy trì trong suốt 2 thế kỷ qua. Một vài kỹ thuật đặc trưng như tạo khuôn, gắn đá và đánh bóng bắt buộc phải thực hiện bằng tay để đạt được mức độ hoàn hảo chuẩn mực. Chính vì thế, việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp luôn là câu chuyện gây đau đầu cho những nhà sản xuất thủ công uy tín bởi mấy ai có đủ nhẫn nại để cống hiến cả đời minh cho một công việc “nhất nghệ tinh”.
Nhiều năm thực hành và hoàn thiện tay nghề mang đến cho người nghệ nhân sự tự tin, trách nhiệm cũng như cảm giác nhạy bén khi lựa chọn nguyên vật liệu. Niềm tự hào và đam mê sẽ thúc đẩy chất lượng, bởi lương tâm nghề nghiệp không cho phép chấp nhận sự hời hợt xoàng xĩnh. Khi đó chính mỗi người nghệ nhân là nhà phê bình khắt khe nhất, họ liên tục học hỏi, cải thiện trình độ đến khi không còn ai có thể chê trách. Để có thể tạo ra những chiếc ghế biểu tượng, Hans J. Wegner đã trải qua quá trình rèn luyện bản năng nghề dưới tư cách một thợ mộc chân chính. Từ nền tảng kỹ thuật vững chắc, Wegner mài dũa độ nhạy cảm vật liệu của mình. Ông đã khám phá ra những tiềm năng tạo hình vô cùng sáng tạo của gỗ. Với cách thể hiện tinh tế, những thiết kế của Wegner khéo léo tôn vinh bản chất nhu và cương của gỗ. Hans J. Wegner chính là người góp phần tạo ra cuộc cách mạng nội thất ở Đan Mạch. Bằng những thiết kế theo hướng hữu cơ tinh tế cùng cách thể hiện tối giản như ghế CH24, Hans J. Wegner đã góp phần khiến Đan Mạch trở thành điểm sáng trên bản đồ thiết kế nội thất. Sau hơn 50 năm ra đời, chiếc ghế Wishbone CH24 chưa một ngày ngừng sản xuất, công đoạn quấn dây thừng đặc trưng vẫn được hãng duy trì thực hiện thủ công để đảm bảo chính xác vẻ đẹp và độ vững bền nguyên mẫu. Ghế Windsor cổ điển, biểu tượng của nội thất Anh Quốc chỉ có thể được làm từ gỗ cây tần bì, cây du hay thông đỏ bởi độ mềm dẻo đặc trưng. Tính đến hiện tại chỉ còn vài người thợ đủ chuyên môn để sản xuất chiếc ghế này theo kỹ thuật cổ điển. Ghế Windsor có phần lưng và tay dựa uốn lượn mềm mại với kết cấu được ví von như một cây cầu treo, nơi mỗi cấu thành tự gia cố cho nhau.
Đây là chiếc ghế duy nhất được dựng theo cấu trúc này. Phần lưng và tay dựa được uốn bằng hơi nước đòi hỏi sự tỉ mỉ trong khâu lắp ráp để đạt độ ăn khớp tuyệt đối. Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm làm nghề chỉ có người thợ làm Windsor chân chính mới lựa được miếng gỗ phù hợp cho chiếc ghế không tồn tại góc cạnh này, gỗ phải bền bỉ để tạo sự an toàn thoải mái tối đa, đồng thời mềm dẻo để có thể tạo hình.
SAU HƠN 50 NĂM RA ĐỜI, CHIẾC GHẾ WISHBONE CH24 CHƯA MỘT NGÀY NGỪNG SẢN XUẤT, CÔNG ĐOẠN QUẤN DÂY THỪNG ĐẶC TRƯNG VẪN ĐƯỢC HÃNG DUY TRÌ THỰC HIỆN THỦ CÔNG ĐỂ ĐẢM BẢO CHÍNH XÁC VẺ ĐẸP VÀ ĐỘ VỮNG BỀN NGUYÊN MẪU.
Có những làng nghề điêu khắc ở Ý yêu cầu người tập sự học nghề, rèn luyện nhiều năm trời trước khi được công nhận chính thức là người làm nghề. Loại da thuộc thượng hạng ở vùng Bắc nước Ý chỉ được làm mềm, thuộc và nhuộm từ loại nước tinh khiết từ băng tan trên dãy Alps đem lại cho chúng sự mềm mại và độ bền đáng nể, thêm vào đó là nước màu mịn màng không nơi nào sánh được. Những chiếc đồng hồ cơ không tự nhiên mà được định giá cao hơn rất nhiều so với đồng hồ điện tử. Bởi chúng đại diện cho sự tích luỹ của hơn 600 năm chuyên môn, tinh chế và thạo nghề; đồng hồ cơ chính là ví dụ hoàn hảo của cơ khí chính xác. Hàng trăm cấu kiện nhỏ xíu được lắp ráp bằng tay, mang độ tỉ mỉ tinh xảo tuyệt đối, mỗi chiếc đồng hồ cơ cần đến sự chăm sóc đều đặn như việc lên dây cót hay vệ sinh chuyên nghiệp. Khi khách hàng chi tiền cho những món đồ thủ công, họ đang thể hiện sự trân trọng với rất nhiều giờ lao động tâm huyết. Sở hữu món đồ đó là sự vinh danh cho những khám phá tri thức hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi vẫn được duy trì một cách đẹp đẽ đến tận ngày hôm nay. Đó chính là giá trị thời gian được kết tinh trong mỗi sản phẩm thủ công truyền thống.
THỜI GIAN LÀ NGỌN LỬA THỬ THÁCH
Nội thất thủ công mang mác “made in Italy” luôn đi kèm với lời cam kết về chất lượng và độ bền bỉ vượt thời gian. Người Ý sở hữu kỹ thuật làm mộc và thuộc da độc đáo, họ có thể làm ra những chiếc ghế da mềm mịn như bơ nhưng có thể tồn tại hàng thập kỷ. Những chiếc đèn chùm pha lê danh giá của Cộng hòa Czech cũng đã thả mình duyên dáng ở các cung điện châu Âu hàng trăm năm qua. Những ngôi đền thuần gỗ được xây ghép bởi các Shokunin – những nghệ nhân mộc, vẫn tồn tại sau nhiều biến chuyển của thời gian. Sự tâm huyết và thôi thúc đạt đến ngưỡng hoàn hảo đã giúp những người nghệ nhân đúc kết được những bí quyết quý báu giúp sản phẩm của mình đứng vững trước dòng xoáy xói mòn của thời gian. Nếu đồ sản xuất hàng loạt có vòng đời ngắn ngủi chỉ gói gọn trong 2-3 năm thì nội thất thủ công chất lượng có thể sống cùng chúng ta đến tận thế hệ con, cháu. Niềm kiêu hãnh trong vòng đời đó có được chính nhờ sự chỉn chu của nghệ nhân trong khâu tìm hiểu, lựa chọn nguyên vật liệu tốt nhất, kỹ thuật hoàn thiện nhất và sự nhạy cảm thông thái của đôi bàn tay để điểm tô nét đẹp tinh tế mong manh mà không máy móc nào đáp ứng được.
NIỀM KIÊU HÃNH TRONG VÒNG ĐỜI ĐÓ CÓ ĐƯỢC NHỜ SỰ CHỈN CHU CỦA NGHỆ NHÂN TRONG KHÂU TÌM HIỂU, LỰA CHỌN NGUYÊN VẬT LIỆU TỐT NHẤT, KỸ THUẬT HOÀN THIỆN NHẤT VÀ SỰ NHẠY CẢM THÔNG THÁI CỦA ĐÔI BÀN TAY ĐỂ ĐIỂM TÔ NÉT ĐẸP TINH TẾ MONG MANH MÀ KHÔNG MÁY MÓC NÀO ĐÁP ỨNG ĐƯỢC.
Tuy nhiên, trước sự sức ép cạnh tranh to lớn của nội thất sản xuất hàng loạt và sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng, nội thất thủ công phải đối mặt với những thử thách mới. Đầu tiên, công việc thực tập kéo dài nhiều năm trời khiến các xưởng sản xuất truyền thống gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người tiếp nối di sản, cho dù đó là doanh nghiệp gia đình cha truyền con nối. Những người trẻ hiện nay đa phần thiếu đi sự kiên nhẫn để học hỏi những kỹ thuật truyền thống trong khi những công việc thời thượng khác có thể mang đến nguồn thu nhập cùng môi trường làm việc hấp dẫn hơn. Một số kỹ thuật đã vĩnh viễn thất truyền vì không tìm được người kế thừa, do đó trọng trách bảo tồn di sản được các quốc gia quan tâm hơn bao giờ hết. Thứ hai, các mẫu mã liên tục thay đổi thực sự đặt việc sản xuất cao cấp truyền thống vào thế giằng co, hoặc chấp nhận thay đổi hoặc biến mất mãi mãi. Các hãng nội thất lớn như Giorgetti, Cassina, Carl Hansen & Son, Poltrona Frau ngoài việc duy trì những mẫu kinh điển cũng liên tục bắt tay hợp tác với các NTK đương đại để tạo luồng sinh khí tươi mới cho thương hiệu. Những xưởng chuyên biệt trước kia chỉ thực hiện mẫu cổ điển nay cũng dần hợp tác với các tài năng thiết kế mới hoặc các thương hiệu quốc tế để phổ biến tên tuổi, đa dạng sản phẩm giúp thế giới biết đến công việc chế tác đặc sắc của họ. Ở các quốc gia như Ý, Anh, Pháp… các trường dạy nghề truyền thống được mở ra nhằm khuyến khích lớp trẻ tiếp nối duy trì nguồn di sản. Những nhà sản xuất cũng dần trở nên cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ về bí quyết nghề để đào tạo được lớp nghệ nhân mới, tiếp tục ươm trồng nguồn tri thức quý báu.
Trước đây, ta thường xem sự hữu hạn thời gian là vô hình, khiến tự cho phép mình làm việc, tiêu dùng, tận hưởng hết mức có thể, tranh thủ mọi lúc. Thì giờ đây sự kéo dài trong những chuỗi ngày chờ đợi thấp thỏm khiến chúng ta muốn quay về với những giá trị sâu sắc hơn. Sống chính là liên tục kết nối với con người, nơi chốn và đồ vật yêu thích, và nội thất trở thành một loại mỏ neo cảm xúc nơi nhà không chỉ che chở cho thân thể mà còn bảo bọc nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Mỗi ngôi nhà nên tự kể nên một câu chuyện kể thú vị nguyên bản và xuất phát từ chính trải nghiệm cá nhân của gia chủ. Một không gian đủ đầy trong hình thức và bản chất sẽ tiếp thêm động lực cho cuộc sống “giàu có” của chúng ta. Khi đứng trước hai lựa chọn “đủ” và “nhiều” liệu bạn sẽ chọn giá trị nào cho mình?
Bài: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu.
Xem thêm:
Puffy Lounge Chair – Chubby và khung thép
Cửa hàng cafe Zolaism – Giữa tự nhiên gai góc và kết cấu mực thước