Workshop thứ tư của dự án EVSDA khám phá các vật liệu đột phá

Workshop ‘Tái hình dung vật liệu cho thiết kế’ diễn ra vào chiều thứ Sáu 14.03.2025 tại Tách Spaces, Hà Nội, là một phần trong chuỗi hoạt động trước thềm ra mắt chính thức giải thưởng Thiết kế bền vững EU – Việt Nam (EVSDA) do Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp tổ chức cùng ELLE Decoration Vietnam.

Vai trò của Nhà thiết kế (NTK) trong chuỗi cung ứng các sản phẩm đời sống là vô cùng quan trọng, kiến thức và khả năng sáng tạo của họ góp phần quan trọng trong việc giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu, tăng vòng đời của sản phẩm, thay thế các sản phẩm lỗi thời bằng những sáng tạo mới mang tính bền vững. Tất cả những nỗ lực này nhằm đem đến sự phát triển kinh tế hiệu quả, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sống.

Với mục tiêu trao đổi và chia sẻ những thực hành và nghiên cứu về chất liệu có tính bền vững với môi trường và có khả năng ứng dụng cho nhiều lĩnh vực thiết kế, Ban tổ chức Giải thưởng EVSDA tổ chức Workshop “Tái hình dung vật liệu cho thiết kế” như một cuộc đối thoại giữa hai studio nghiên cứu và phát triển chất liệu bền vững đến từ châu Âu cùng một studio đến từ Việt Nam. Từ những góc tiếp cận đa chiều trong khái niệm về vật liệu bền vững như Tái chế vật liệu (A New Kind of Blue) đến Tái chế phế phẩm nông nghiệp (Fruitleather Rotterdam) và Gìn giữ tri thức và nguồn nguyên liệu bản địa (Kilomet109), những diễn giả của buổi trò chuyện sẽ đem đến những hiểu biết và kinh nghiệm quý giá cho các NTK trẻ mong muốn ứng dụng các vật liệu có tính đột phá và có trách nhiệm với môi trường. 

evsda giai thuong ben vung vat lieu

Ảnh: EVSDA

Giới thiệu diễn giả

TIM VAN DER LOO, nhà thiết kế nguyên vật liệu tái chế người Hà Lan hiện đang sinh sống và làm việc tại Berlin, tốt nghiệp Học viện Thiết kế Eindhoven (Cử nhân) và Đại học Nghệ thuật Weißensee Berlin (Thạc sĩ), xem rác thải như một nguồn tài nguyên vô giá. Lấy cảm hứng từ góc nhìn phản biện về các hệ thống và cơ sở hạ tầng hiện tại, Van Der Loo biến rác thải từ tiêu dùng thành các mẫu thiết kế mới. Anh dành sự quan tâm cho các nguyên vật liệu có khả năng tái tạo và tái sử dụng, khẳng định cam kết của mình với sự bền vững.

nha thiet ke vat lieu ben vung tim van der loo evsda

Nhà thiết kế Tim Van Der Loo. Ảnh: Tư liệu

Van der Loo chuyên tâm nghiên cứu vật liệu, đi sâu vào bản chất phức tạp của vật liệu trong thế giới hậu tư bản, toàn cầu hóa. Anh khám phá câu chuyện lịch sử và văn hóa trong những vật dụng hàng ngày, đặt câu hỏi về nguồn gốc và tác động của chúng. Trong đó, một nhân tố quan trọng chính là con người và quá trình lao động tạo ra chất liệu của các đồ vật chúng ta sử dụng. Mục tiêu của anh là mở đường cho một hệ sinh thái cộng sinh hơn, đảm bảo vật liệu hướng tới tương lai và đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn.Thông qua hoạt động nghiên cứu và thực hành của mình, Van der Loo khuyến khích mọi người hiểu sâu hơn về bản chất vật liệu và vai trò của chúng trong việc định hình tương lai chung của nhân loại. 

Trong dự án “New Blue”, Tim van der Loo đi sâu vào nghiên cứu mối quan hệ giữa vải denim và văn hóa, khám phá cách thức loại vải mang tính biểu tượng này đã trở thành biểu tượng của tinh thần nổi loạn, sự kháng cự và được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Đánh giá của anh không chỉ dựa trên bản chất của vật liệu mà còn xem xét bối cảnh rộng hơn của nền công nghiệp thời trang. Với góc nhìn riêng về chuỗi cung ứng, xu hướng tiêu dùng nhanh và vấn đề chi phí lao động, anh trực diện với những thách thức trong ngành công nghiệp thời trang hiện đại. 

Để tìm cách giải quyết những thách thức này, van der Loo tái hiện lại chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng truyền thống. Bằng cách biến quần jeans cũ thành sợi, sau đó được tái sử dụng thành vải không dệt phù hợp cho các sản phẩm thời trang, “New Blue” đại diện cho sự thay đổi mô hình trong sản xuất, mang đến giải pháp tái tạo thay thế cho phương pháp sản xuất denim thông thường. Bằng cách tái chế vải denim phế thải, Van der Loo không chỉ giới thiệu một phong cách thẩm mỹ mới lạ, mà còn tạo ra một chu trình sản phẩm tuần hoàn, đi ngược lại mô hình tiêu dùng và rác thải tuyến tính.

Thông qua dự án “New Blue”, anh ủng hộ một tương lai tái tạo và đạo đức, đặt câu hỏi về các hệ thống hiện tại và cách thức đổi mới và trách nhiệm có thể tạo ra mối quan hệ cộng sinh giữa tất cả các bên liên quan.

anewkindofblue.com

FRUITLEATHER ROTTERDAM được thành lập vào năm 2016 bởi Hugo de Boon và Koen Meerkerk, hai nhà thiết kế với sứ mệnh giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm toàn cầu. Mỗi năm, gần một nửa số trái cây được sản xuất bị vứt bỏ, mặc dù chúng có tiềm năng là nguồn tài nguyên quý giá cho các sáng kiến cải tiến bền vững.

Hugo de Boon Koen Meerkerk Fruitleather Rotterdam da tai che vat lieu evsda

Nhà thiết kế Hugo de Boon và Koen Meerkerk. Ảnh: Fruitleather Rotterdam

Hugo và Koen đều tốt nghiệp Học viện Willem de Kooning với bằng Thiết kế Không gian, nơi họ phát triển niềm đam mê chuyển đổi vật liệu thải thành sản phẩm cao cấp. Sự tò mò về tính bền vững và thiết kế tuần hoàn đã dẫn họ đến thử nghiệm với trái cây phế liệu, và tiên phong trong quy trình chuyển đổi trái cây không mong muốn thành vật liệu bền chắc, giống da. Cách tiếp cận đổi mới này đã trở thành nền tảng của Fruitleather Rotterdam.

Bước sáng năm thứ mười kinh doanh, sáng chế của hai chàng trai này đã được công nhận trên toàn thế giới. Họ đã trình diễn quy trình và mô hình kinh doanh của mình trên toàn thế giới, thực hiện các buổi thuyết trình và bài giảng tại Phần Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hungary và nhiều nơi khác. Những hiểu biết sâu sắc của họ về tính bền vững, đổi mới vật liệu và thiết kế đã làm cho họ trở thành những tiếng nói được săn đón trong lĩnh vực giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Hugo de Boon và Koen Meerkerk hiện là một trong những nhà tiên phong trong thế giới da thực vật, thu hút sự chú ý từ các công ty hàng đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp thời trang trên khắp thế giới, trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng.

Bằng cách kết hợp thiết kế với ý thức về môi trường, Fruitleather Rotterdam tiếp tục mở rộng ranh giới của vật liệu bền vững, chứng minh rằng chất thải có thể được tái chế thành loại vật liệu đảm bảo tính thẩm mỹ và khả dụng.

fruitleather.nl

VŨ THẢO là người sáng lập và giám đốc nghệ thuật của một trong những thương hiệu thời trang bền vững hàng đầu Châu Á – KILOMET109. Thảo là người đi đầu trong nhóm các nhà thiết kế trẻ tiên phong đã đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo mới nổi của thế giới thời trang.

vu thao kilomet109 nha thiet ke vat lieu ben vung evsda

Nhà thiết kế Vũ Thảo. Ảnh: Tư liệu

Thảo tạo ra những sản phẩm thời trang từ đầu đến cuối: từ canh tác sợi và thuốc nhuộm tự nhiên, dệt, nhuộm và trang trí thủ công bằng cách làm việc trực tiếp với các nghệ nhân địa phương. Và vì những sản phẩm may mặc ứng dụng, có chất lượng cao & được chế tác bởi bàn tay của con người chứ không phải được sản xuất hàng loạt bằng máy móc, điều này đã mang lại một nguồn thu nhập bổ sung có giá trị cho các nhà sản xuất, cộng đồng thủ công và giúp khuyến khích công tác bảo tồn các nghề chế tác truyền thống đang có nguy cơ mai một.

Vũ Thảo không chỉ biết cách kết hợp nhuần nhuyễn những phương pháp bản địa đa dạng vào những bộ sưu tập thời trang thiết thực, mà thương hiệu của Thảo còn có những khám phá đáng kể trong việc thể hiện giá trị văn hóa Việt Nam thông qua những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện. Các bộ sưu tập và các dự án mỹ thuật của Vũ Thảo được trưng bày và giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam và trên thế giới.

kilomet109.com

Về “Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU-Vietnam” (EVSDA)

Được khởi xướng bởi Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), dự án EVSDA mang mục tiêu thúc đẩy và phát triển các hoạt động và cộng đồng thiết kế bền vững tại Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển toàn diện và mang tính bền vững của Việt Nam – đây cũng là một trong những ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam.

Đồng triển khai cùng tạp chí ELLE Decoration Vietnam, giai đoạn đầu tiên của dự án EVSDA sẽ bao gồm chuỗi sự kiện và hoạt động diễn ra từ tháng Chín năm 2024 đến mùa xuân năm 2025, hướng đến Sự kiện Ra mắt Giải thưởng EVSDA vào giữa năm 2025. Trong giai đoạn sau của dự án, Giải thưởng này sẽ được tổ chức thường niên.

Dự án EVSDA gồm bốn cột trụ nội dung chính, tương đương với bốn Hạng mục của Giải thưởng: Kiến trúc, Thiết kế Sản phẩm, Thiết kế Truyền thông và Giải pháp Đột phá. Thông qua các chiều hướng văn hóa và sáng tạo được giới thiệu qua những trụ cột này, dự án mong muốn giới thiệu các thực hành thiết kế sáng tạo và bền vững giúp mang tới các trải nghiệm cụ thể mang tính tích cực trong cuộc sống hàng ngày.

Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ về mục tiêu của dự án EVSDA: “Dự án thể hiện tham vọng của chúng tôi trong việc phát triển một khung đổi mới nhằm hỗ trợ quá trình đem tới những đổi thay tích cực và mang tính sáng tạo cho cuộc sống. Với dự án này, tôi rất mong đợi được kết nối với các kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ, kỹ sư, người làm nghệ thuật và người thực hành hướng đến đổi mới của Việt Nam, những người sẽ tạo ra một cây cầu kết nối thế giới của nghệ thuật và văn hóa với thế giới của khoa học và công nghệ, mang tới những ý tưởng cảm hứng kết hợp tính bền vững, thực tiễn và thẩm mỹ, mang lại lợi ích lớn. Để giúp dự án diễn ra thành công, chúng tôi mong có thể làm việc với những tầm nhìn sáng tạo.”

Thông tin cập nhật về dự án có thể truy cập tại trang fanpage của Phái đoàn EU: www.facebook.com/EuandVietnam hoặc trang group của EVSDA: www.facebook.com/groups/euvn.sda

Dự án EVSDA được thực hiện với sự hợp tác và tài trợ của Quỹ Giao lưu Văn hóa của Liên minh châu Âu. 

Liên hệ báo chí: Chị Viên Ngọc Bích, Ban Chính trị, Báo chí & Thông tin, Phái đoàn EU, ĐT: 024-39461783 hoặc email: bich.vien@eeas.europa.eu


Xem thêm

Dự án EVSDA: Workshop về góc nhìn bền vững của ngành Truyền thông đa phương tiện

Dự án EVSDA: Sáng tạo bền vững mang tính kết nối tại workshop về thiết kế sản phẩm

Workshop về kiến trúc khởi động dự án Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU-Việt Nam