F&B – Sân chơi mới của các thương hiệu thời trang

Vượt ra giới hạn trong sở trường may mặc, những thương hiệu thời trang danh tiếng khéo léo dịch chuyển vào lĩnh vực ẩm thực, nơi triết lý thẩm mỹ được thể hiện trọn vẹn, tạo trải nghiệm xa xỉ đa giác quan cho những tâm hồn sành điệu.

Tại không gian bán lẻ thời trang cao cấp, các thương hiệu thường tinh tế bố trí những sản phẩm “entry level” như áo thun, khăn lụa, hay các phụ kiện nhỏ gọn – tạo cơ hội tiếp cận thương hiệu cho đa dạng đối tượng khách hàng. Với chiến lược tương tự, nhiều cái tên đã mở rộng sang lĩnh vực ẩm thực, biến những quán cà phê và nhà hàng trở thành yếu tố quan trọng trong hệ thống bán lẻ. Bằng cách này, ngôn ngữ thẩm mỹ và bản sắc thương hiệu được phản ánh tinh tế qua không gian và thực đơn, cho phép khách hàng – dù không mua sắm trang phục – vẫn có thể trải nghiệm những dịch vụ xa xỉ.  

armani ristorante nha hang milan

Nhà hàng Armani/Ristorante tại Milan. Ảnh: Max Montingelli

Lĩnh vực F&B đang trở thành điểm đến đầu tư đầy tiềm năng khi ngày càng nhiều ông lớn của ngành thời trang tham gia đường đua ngoài ngành này. Xét về chiến lược truyền thông, nhà hàng và quán café trở thành một kênh hiệu quả để thể hiện bản sắc thương hiệu một cách toàn diện hơn, vượt ra khỏi giới hạn của không gian thời trang vốn có khoảng cách nhất định với đại chúng. Sự phát triển của mạng xã hội càng làm tăng sức lan tỏa của các không gian ẩm thực mang dấu ấn thời trang này. Tất nhiên, để khẳng định vị thế trong lĩnh vực kinh doanh mới, chất lượng phục vụ và thực đơn cũng phải được thiết kế với sự tinh tế và chỉn chu tương xứng với danh tiếng của thương hiệu.  

Nhà hàng Mi Shang

Prada là cái tên gần đây nhất trong làng thời trang khai trương nhà hàng. Với mối quan hệ thân thiết cùng giới nghệ sĩ quốc tế, thương hiệu đã hợp tác với đạo diễn Vương Gia Vệ để mở nhà hàng Mi Shang (迷上, tạm dịch: Mê đắm). Dự án nằm tại Thượng Hải, lấy cảm hứng từ những tác phẩm điện ảnh kinh điển của vị đạo diễn tài ba, mang đến không gian ẩm thực với không khí lãng mạn và đầy cảm xúc của điện ảnh Hoa ngữ thập niên 90.

mi shang wong kar wai prada nha hang noi that

Ảnh: Prada

Nhà hàng nằm trong tòa nhà Rong Zhai (荣宅, tạm dịch: Vinh Trạch) được xây dựng từ năm 1918 với kiến trúc phương Tây và mất 6 năm để cải tạo. Đây không phải không gian ẩm thực đầu tiên của Prada. Năm 2015, thương hiệu đã cộng tác cùng đạo diễn Wes Anderson để ra mắt quán kem Ý và cà phê theo phong cách cổ điển mang tên Bar Luce, nằm trong khuôn viên Fondazione Prada – nơi tổ chức các buổi trình diễn thời trang và triển lãm.

mi shang wong kar wai prada nha hang noi that

Ảnh: Prada

mi shang wong kar wai prada noi that

Ảnh: Prada

mi shang prada menu do trang mieng

Ảnh: Prada

Café Dior

Chào đón khách từ tháng 12/2024, cửa hàng Gold House của Dior tại Bangkok với diện tích 1000m² thu hút ánh nhìn ngay từ đầu bởi mặt dựng bên ngoài tái hiện tòa nhà trụ sở của Dior năm 1946 tại số 30 Đại lộ Montaigne. Không gian được phân chia thành 6 khu vực với nội thất từ gỗ, tre và mây, điểm xuyết bởi các tác phẩm nghệ thuật của 9 nghệ sĩ bản địa.

dior gold house cua hang bangkok

Ảnh: Dior

Nhà hàng Café Dior được thiết kế bởi Korakot Aromdee, với các bức vách từ tre và mây đan tạo hình khu rừng tinh xảo. Mẫu ghế Medallion biểu tượng của thương hiệu được tái hình dung với vật liệu tự nhiên cùng họa tiết thêu hoa lá. Thực đơn được sáng tạo bởi bếp trưởng 3 sao Michelin Mauro Colagreco, lấy cảm hứng từ thiên nhiên và di sản của Dior, trình bày các món tráng miệng kết hợp hài hòa giữa hai nền ẩm thực Pháp-Thái.

dior gold house bangkok nha hang cafe

Ảnh: Dior

dior gold house bangkok nha hang cafe

Ảnh: Dior

dior gold house cafe mon trang mieng

Ảnh: Dior

LV The Place Bangkok

Vào tháng 2/2024, Louis Vuitton khai trương không gian F&B đầu tiên tại Bangkok. LV The Place Bangkok nằm trong tòa nhà Gaysorn Amarin, nổi bật với mặt tiền lấy cảm hứng từ họa tiết monogram đặc trưng của thương hiệu. Không gian bao gồm nhiều khu vực khác nhau: quán cà phê Le Café Louis Vuitton, cửa hàng và nhà hàng Gaggan at Louis Vuitton với thực đơn do đầu bếp Gaggan Anand thiết kế.

louis vuitton the place bangkok

Ảnh: Louis Vuitton

louis vuitton the place bangkok nha hang gaggan

Ảnh: Louis Vuitton

lv place bangkok thuc don fine dining gaggan

Ảnh: Louis Vuitton

Vượt xa một điểm đến mua sắm và ẩm thực, LV The Place Bangkok còn là nơi khách hàng khám phá hành trình của Louis Vuitton qua triển lãm Visionary Journeys với năm căn  phòng, trưng bày những hiện vật kể câu chuyện phát triển từ xưa đến nay. Khu vực này được thiết kế bởi studio OMA và kiến trúc sư Shohei Shigematsu.

louis vuitton the place bangkok  trien lam oma Visionary Journeys

Ảnh: OMA

Năm 2020, thương hiệu ra mắt quán cà phê và nhà hàng đầu tiên tại cửa hàng ở Osaka. Cả hai không gian đều sở hữu nội thất do Tokujin Yoshioka thiết kế và thực đơn do đầu bếp Yosuke Suga sáng tạo.

louis vuitton quan cafe le cafe v osaka

Quán café Le Café V. Ảnh: Louis Vuitton

Nhà hàng Armani/Ristorante

Khi đề cập đến các thương hiệu thời trang lấn sân sang lĩnh vực F&B và khách sạn, Armani là cái tên có kinh nghiệm và thành công vượt trội. Thương hiệu thời trang Ý này khởi đầu mảng nhà hàng từ năm 1998 với thương hiệu Armani/Ristorante cùng địa điểm đầu tiên tại Paris. Trong gần 30 năm, thương hiệu đã phát triển toàn cầu với 24 chi nhánh trải dài các châu lục và vẫn đang tiếp tục mở rộng.

Armani/Ristorante new york nha hang fine dining

Nhà hàng Armani/Ristorante New York. Ảnh: Armani

Với lợi thế từ hệ sinh thái phong phú cùng dòng sản phẩm nội thất Armani Casa, chuỗi nhà hàng Armani/Ristorante được thiết kế trên tinh thần thẩm mỹ thanh lịch và sang trọng của Ý một cách đồng điệu. Các nhà hàng đạt sao Michelin phục vụ ẩm thực Ý truyền thống kết hợp với thực đơn được thiết kế riêng cho từng vùng văn hóa sở tại.

Armani/Ristorante tokyo ginza nha hang fine dining

Nhà hàng Armani/Ristorante Tokyo. Ảnh: Armani

Armani/Ristorante Tokyo tra chieu thuc don am thuc nha hang

Set trà chiều tại nhà hàng Armani/Ristorante Tokyo. Ảnh: Armani

Nhà hàng Blue Box Café

“Ăn sáng ở Tiffany’s” không còn là hình ảnh chỉ xuất hiện trong phim hay tiểu thuyết, thương hiệu trang sức Tiffany & Co. đã mở nhà hàng vào tháng 12/2024 với nội thất thanh lịch cùng sắc xanh đặc trưng, do kiến trúc sư Peter Marino thiết kế. Điểm nhấn của không gian là trần nhà được trang trí bằng hàng trăm hộp đựng trang sức màu xanh biểu tượng. Nhà hàng phục vụ thực đơn đa dạng cho các thời điểm trong ngày, do đầu bếp đạt sao Michelin Daniel Boulud sáng tạo, lấy cảm hứng từ phong cách ẩm thực tinh tế của Manhattan.

Tiffany breakfast nha hang blue box cafe

Ảnh: Tiffany & Co.

tiffany co nha hang menu an sang tra chieu

Set ăn sáng và brunch. Ảnh: Tiffany & Co.

Nhà hàng Gucci Osteria

Ra mắt lần đầu tiên năm 2018 tại Florence, Osteria là mô hình nhà hàng của Gucci, phục vụ ẩm thực Ý do các đầu bếp đạt sao Michelin thực hiện. Nhà hàng còn có mặt tại ba thành phố khác: Beverly Hills, Seoul và Tokyo. Mỗi chi nhánh đều được thiết kế riêng biệt theo bản sắc văn hóa địa phương, nhưng vẫn giữ vững tinh thần lịch lãm của phong cách Ý thông qua thiết kế và độ hoàn thiện tinh xảo trên mỗi chi tiết nội thất.

gucci osteria florence y

Osteria chi nhánh Florence. Ảnh: Gucci

gucci osteria seoul nha hang y

Osteria chi nhánh Seoul. Ảnh: Gucci

Gucci Osteria beverly hill menu hamburger

Các món ăn tại Gucci Osteria Beverly Hill. Ảnh: Gucci

Nhà hàng Oursin

Nằm trong trung tâm thương mại Galeries Lafayette Champs-Elysées tại Paris, nhà hàng Oursin do chính Jacquemus thiết kế, lấy cảm hứng từ vùng Provence quê hương của anh. Phong cách Địa Trung Hải hiện diện rõ nét qua những bức tường và ô kệ trát thạch cao, khăn trải bàn cotton trắng, ghế đan mây rattan và một cây nho xanh tươi trồng giữa không gian. Nhà hàng là thành quả hợp tác giữa Jacquemus với Galeries Lafayette Champs-Elysées, giám đốc sáng tạo Clara Cornet và tập đoàn ẩm thực cao cấp Caviar Kaspia. Thực khách đến đây được thưởng thức thực đơn hải sản tươi ngon do đầu bếp Erica Archambault thiết kế.

nha hang oursin jacquemus dia trung hai

Ảnh: Roberta Valerio, Yoann et Marco

oursin nha hang thuc don hai san am thuc dia trung hai

Ảnh: Valerie Lhomme

Thực hiện: Hoàng Lê


Xem thêm

Nhà hàng Another Smith: Kiến trúc tre đương đại kết nối ẩm thực Thái-Hoa

Nhà hàng Good Luck: Ký ức Hong Kong 1970

Bản ngã và phụng sự – Nghịch lý trong ẩm thực Nhật