Piero Fornasetti: Chân dung một thiên tài

Piero Fornasetti được biết đến như thầy phù thủy của các vật trang trí và thiết kế. Các thiết kế của ông nguyên bản, độc đáo và chứa đựng trong đó sự điên rồ của một thiên tài. Ông trăn trở: “Làm sao tôi vừa có thể kể câu chuyện của mình lại vừa có thể khiến các vật thể nơi tôi viết ra những câu chuyện ấy trở nên hữu dụng?”.

Trong suốt sự nghiệp của mình,

Fornasetti không chỉ đóng vai trò là NTK mà còn là nhà sưu tầm, họa sĩ, thợ thủ công. Ông đăng ký học bất kỳ khóa học nào có thể giúp ông giải phóng và thể hiện trọn vẹn nhất trí tưởng tượng của mình. Khởi đầu là một họa sĩ, nên phong cách thiết kế của Fornasetti đậm chất đồ họa với họa tiết trang trí mà theo NTK Philippe Starck miêu tả là “phương diện 3D được diễn giải bằng hình ảnh 2D”. Chúng đem đến cái nhìn đa chiều về không gian nơi ta sống; và qua các sản phẩm của ông người ta cũng phần nào hình dung sự khác lạ trong thế giới quan của NTK tài năng này.

Ghế gỗ Jonico với lớp phủ sơn mài và lưng tựa tinh xảo vẽ hoàn toàn bằng tay, thể hiện niềm đam mê của NTK với kiến trúc La Mã cổ.

1. Ghế Capitello Corinzio với chi tiết trang trí theo phong cách La Mã cầu kỳ. 2. Bình trà Soli với họa tiết trang trí hình mặt trời đặc trưng cho phong cách thiết kế của Fornasetti. 3. Khay Profili với chân dung hai người được thể hiện theo phong cách thời Phục Hưng.

Mỗi nhà thiết kế có một cách riêng để tìm ra nguồn cảm hứng, với Piero Fornsetti, cách tiếp cận đó là bằng việc sưu tầm. Fornasetti thu thập không chỉ sách, tạp chí mà còn cả tài liệu nghệ thuật ứng dụng. Các hình ảnh được cắt ra từ tranh, sách được ông sử dụng như nguồn cảm hứng, tham khảo nghệ thuật và chất liệu sáng tác. Một trong những nguồn cảm hứng bất tận, cũng là nàng thơ – nỗi ám ảnh lớn nhất của đời ông chính là giọng ca Opera soprano tên Lina Cavalieri. Khuôn mặt đẹp tựa nữ thần của bà xuất hiện trong hàng ngàn tác phẩm của Fornasetti và trở thành motif tiêu biểu trong công cuộc sáng tạo nghệ thuật của ông. Khi được hỏi “điều gì có thể khiến ông tạo ra 500 phiên bản khác nhau của cùng một khuôn mặt người phụ nữ?”, ông trả lời: “Tôi phải thú nhận là tôi không biết nữa, một khi bắt đầu thì tôi không thể dừng lại được.” Và chuỗi sản phẩm đĩa ăn mang tên “Tema e Variazioni” (Chủ đề & Biến đổi) có in hình gương mặt của Cavalieri lên đến con số 350 chiếc. Từ hình ảnh nguyên thủy của bà trên báo mà ông đã biến đổi, mang lại cho gương mặt ấy vẻ ngoài mà “ông hằng mong muốn” và đem nó lên các thiết kế, khiến chúng trở thành một dấu hiệu nhận biết không lẫn vào đâu được.

Triết lý thiết kế đằng sau sự sáng tạo bùng nổ, tuôn trào của Fornansetti đều nằm trong việc sưu tầm. Bởi chỉ có người sưu tầm mới nhìn thấu được những khác biệt dù là nhỏ nhất giữa các vật phẩm trong cùng một bộ sưu tập. Đây cũng chính là điều định hình nên phong cách của Fornasetti. Ông sáng tác rất nhiều, nhưng tất cả đều dựa trên những chủ đề giới hạn. Sự đa dạng của sản phẩm gói gọn trong sự cố định của đề tài cho thấy được nguồn sáng tạo luôn tuôn trào trong ông, và sự linh hoạt, biến hóa đến bất ngờ khi ông liên tục khiến những thứ quen thuộc trở nên mới mẻ. Và không hề tình cờ chút nào khi “Chủ đề & Biến đổi” trở thành biểu tượng cho tên tuổi của ông.

Một góc nhỏ BST các chất liệu sáng tác của Piero Farnisetti tại nhà riêng của ông.

1. Tách trà Tema e Viarizoni. 2. Hộp nến thơm Otensia. 3. Bình Giara có tay cầm. 4. Bình Buongiorno Buonanotte. 5. Đĩa Tema e Viarizoni trong BST gồm 350 chiếc với đủ các loại hình minh họa đa dạng, biến hóa sáng tạo về Lina Cavalieri. 6. Ghế Lux Gstaad yellow vẫn được thể hiện với hai màu trắng – đen yêu thích của NTK nay có điểm thêm chút màu vàng vui tươi, hóm hỉnh.

Và quan trọng nhất đối với Piero Fornasetti, việc thiết kế còn là cách giúp ông nhìn lại những ước mơ của đời mình, những mơ ước trong tâm tưởng nay được hiện thực hóa, được truyền tải qua các thiết kế vật chất.

Ông đem cái đẹp phi vật thể của nghệ thuật ứng dụng vào các sản phẩm nội thất hữu hình mà ta sử dụng hàng ngày. Ông không chỉ giúp đẩy xa giới hạn của cái đẹp ra khỏi việc làm bừng nở sức sống tinh thần con người, mà còn giúp truyền cảm hứng cho bao nhiêu thế hệ NTK sau này, rằng nghệ thuật vẫn có thể hiện diện bên ta mỗi ngày, rằng nó gần gũi, thực tế và hữu dụng.

Và chính việc tìm ra một mục đích tốt đẹp trong đời, lan truyền tầm ảnh hưởng của nó mãi về sau đã khiến ông trở thành một “anh hùng”, một người đi truyền cảm hứng đích thực.

Bài: PHƯƠNG NGUYỄN – Ảnh: Tư liệu