Nhà thiết kế đồ họa Trần Công Trọng – Sống đời cỏ hoa

Trần Công Trọng làm thiết kế tự do, chủ yếu là thiết kế hệ thống xây dựng thương hiệu, bao bì, thỉnh thoảng đi dạy cho… vui. Trước đây, Trọng sống và làm việc ở TP.HCM. Bây giờ, phần lớn thời gian anh ở Đà Lạt.

Lúc mới tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhà thiết kế đồ họa Trần Công Trọng làm việc ở công ty thiết kế. Rồi một thời gian dài, anh rơi vào bế tắc. Hoài nghi công việc, hoài nghi bản thân, Trọng quyết định bỏ việc ở TP.HCM, cùng một vài người bạn lên Đà Lạt để trải nghiệm một lối sống khác. Ở Đà Lạt, Trọng bắt đầu nghiên cứu hoa cỏ, thực vật. Ban đầu, anh chỉ vẽ như một cách chữa lành bản thân, sau đó mới đưa vào thiết kế. Theo một cách rất tự nhiên, cái duyên này dẫn đến cái duyên khác, các khách hàng xoay quanh lĩnh vực nông nghiệp, Đông y, thực phẩm thuận tự nhiên bắt đầu tìm đến anh.

thiết kế đồ họa 13

Bộ nhận diện thương hiệu cho Meraki do nhà thiết kế đồ họa Trần Công Trọng thực hiện.

Ở khả năng của mình, ít nhất, anh vẫn có thể tư vấn để khách hàng lựa chọn chất liệu thân thiện với môi trường hơn, giúp họ kể câu chuyện thương hiệu một cách chân thực, có ý nghĩa hơn. Bây giờ, Trọng không thích làm công việc “sáng tạo” nữa. Sẽ có họa sĩ thích vẽ digital; sẽ có designer thích sử dụng các công cụ, kỹ thuật hiện đại; sẽ có nghệ sĩ thích tạo ra bối cảnh, không gian tưởng tượng… tất cả đều yêu cầu khả năng sáng tạo cao. Nhưng Trọng lại có lựa chọn khác. Lựa chọn của anh xuất phát từ lối sống, từ mối quan tâm với thiên nhiên và môi trường, từ mong muốn lưu giữ những giá trị bền vững và khát khao chạm đến cái đẹp chân phương, mộc mạc…

thiết kế đồ họa 12

Bộ bưu thiếp do nhà thiết kế đồ họa Trần Công Trọng vẽ để bán ở Indigo Home.

thiết kế đồ họa 11

Trọng thích vẽ màu nước trên giấy. Hơi chủ quan một chút, nhưng với anh, nét cọ mạnh-nhẹ, độ run rẩy của bàn tay hay vệt loang màu trong nước khiến cho bức tranh luôn đong đầy tình cảm. Trọng cũng là một người hoài cổ. Vài thiết kế gần đây, anh bắt đầu hướng tới kỹ thuật in truyền thống nhiều hơn, sử dụng chất liệu gần gũi hơn, ví dụ như phối hợp giấy dó với in khắc gỗ, in kéo lụa… Trọng tin rằng các sản phẩm in thủ công luôn có đời sống riêng, có dấu ấn tinh thần của người chế tác, giàu cảm xúc, không lãng phí và mang tính độc bản cao, dù quá trình thực hiện sẽ rất kỳ công.

thiết kế đồ họa 9

thiết kế đồ họa 8

thiết kế đồ họa 7

thiết kế đồ họa 6

“Khi thả màu vào nước,
màu sẽ loang ra
 theo cách riêng của nó.

Nghĩa là mình chỉ tương tác 50% quá trình thôi,
50% còn lại sẽ là những “bất ngờ”
do
 màu và nước tự tạo ra”

Trọng rất sợ người ta gọi anh là “nghệ sĩ” hay “họa sĩ”. Nghệ sĩ thường tạo ra sản phẩm để phục vụ cho cái tôi của họ, còn họa sĩ khi vẽ sẽ “phiêu” với bút pháp thể hiện: màu sắc, hình khối, dựa trên mô phỏng để gợi cảm giác nhiều hơn. Trọng tự nhận mình chỉ là “một người thích lưu giữ kiến thức” bằng tranh vẽ. Hiện nay, nhiều thứ đang biến mất mà chúng ta không hề biết. Một loại thuốc trừ sâu mới ra đời đồng nghĩa với một loài côn trùng sẽ mất đi. Một giống biến đổi gen được đưa vào sử dụng thì giống địa phương sẽ có lúc “tuyệt chủng”. Chúng ta gọi tên được bao nhiêu hoa dại cỏ hoang bên đường? Loại nào ăn được, loại nào không? Loại nào có thể dùng làm thuốc, chữa những bệnh gì?… Để người xem có thể nhận diện được cây cỏ trong tự nhiên, anh luôn cố gắng mô tả đúng cấu trúc, chi tiết, thậm chí là các sắc độ trong từng màu lá, màu hoa.

thiết kế đồ họa 5

Tranh khắc gỗ cho bộ lịch của Indigo Home.

thiết kế đồ họa 4

Tranh khắc gỗ cho bộ lịch của Indigo Home.

Chính vì có xu hướng “ghi chép” hình ảnh thật nên Trọng rất cần môi trường sống gần với thiên nhiên, cần đi thực địa nhiều hơn để có tư liệu vẽ tranh. “Khi mình đến một vùng đất, được nhìn cấu trúc tự nhiên của cây cối ở nhiều chiều, trong các điều kiện ánh sáng khác nhau, được chạm vào, được ngửi thử… thì khi vẽ lại, tranh của mình sẽ chứa cả cảm xúc, ký ức ở trong đó nữa”, anh chia sẻ. Mong muốn lớn nhất của Trọng là làm một cuốn sách tranh về Đông y, giới thiệu những loại thảo mộc chữa một vài bệnh cơ bản mà ai cũng có thể ứng dụng được, bằng một cách gần gũi hơn, duy mỹ hơn. Chắc sẽ còn lâu lắm cuốn sách mới hoàn thành. Cho đến lúc đó, Trọng sẽ vẫn tiếp tục giữ gìn ký ức trên những chuyến đi, tiếp tục kể chuyện bằng vệt màu, nét cọ của riêng mình.

thiết kế đồ họa 3

Bộ ảnh giải phẫu một số loại cây, hoa do nhà thiết kế đồ họa Trần Công Trọng thực hiện khi mới lên Đà Lạt

thiết kế đồ họa 2

thiết kế đồ họa 1

Thực hiện: Đoàn Trúc – Ảnh: Nhân vật cung cấp.


TRỌNG TRẦN

Nhà thiết kế đồ họa & Giảng viên thỉnh giảng

Bắt đầu làm việc: 2011.


Xêm thêm:

Chuyện về 8 nghệ sĩ và những khu vườn đầy mê hoặc (Phần 1)

Chuyện về 8 nghệ sĩ và những khu vườn đầy mê hoặc (Phần 2)