Tác phẩm / công trình nào theo anh mà giá trị của thời gian là chất xúc tác tuyệt vời nhất?
Tôi đã đi nhiều nơi ở nhiều nước khác nhau, đất nước mà tôi đã dừng chân lại nhiều nhất là Nhật, qua đó đã chìm đắm mê hoặc với đất nước, văn hóa và kiến trúc ở đây, nó đã cho tôi thật nhiều cảm hứng để sáng tác. KTS Tadao Ando là một trong những KTS để lại cho tôi ấn tượng nhiều nhất. Thoáng nhìn chung KTS cho ta cảm giác kiến trúc của ông đã làm thật nhiều để thể hiện ra ít nhưng lại chứa đọng cảm xúc thật sâu sắc. Ngoài việc thể hiện tỉ lệ không gian, vật liệu và chi tiết tốt, công trình của ông đã cho tôi thấy được một sự liên hệ chặt chẽ với bối cảnh xung quanh, tôi có cảm giác công trình này được sinh ra để nó ở đó, và công trình kiến trúc với bối cảnh là một.
Trong nghề nghiệp của anh, công đoạn nào và kỹ thuật nào cần nhiều thời gian nhất – một quy trình không thể lướt qua dù cho có bao nhiêu năm kinh nghiệm?
Tất cả các công đoạn trong thiết kế đều cần thời gian hợp lý thì mới có thể có được kết quả tốt, một trong các giai đoạn nếu bị “đốt cháy” thì khó có thể thành một tác phẩm tốt. Hiện nay điều tôi đang theo đuổi là học hỏi nghiên cứu sâu hơn nữa về luận trong kiến trúc. Đây là bước quan trọng đầu tiên không thể thiếu được để cho tác phẩm kiến trúc tôi và cộng sự sáng tạo ra có chiều sâu hơn. Một trong những khía cạnh tôi quan tâm nhất là kiến trúc chỉ sống được với thời gian khi KTS quan tâm nhiều đến bối cảnh và vị trí tác phẩm sẽ ra đời của nó, nếu chúng ta thấu hiểu các điều kiện: khí hậu, văn hóa và đô thị nơi nó sẽ sinh ra, chúng ta sẽ sáng tạo ra tác phẩm thuộc về nơi mà nó xuất hiện.
Giai đoạn nào trong hành trình nghề nghiệp mà anh thấy mình cần chậm lại, và vì sao?
KTS không phải là thần đồng, như KTS Zaha Hadid nói: “KTS là bông hoa nở muộn” càng làm việc càng thấy kiến thức rộng và không có điểm kết. Khi bắt đầu làm tôi muốn mình có cơ hội để vẽ trước, vẽ gì cũng được và quan trọng miễn sao công trình được xây, mỗi lần công trình xây xong tôi lại có những trải nghiệm mới cho mình. Mới đầu là học cách thiết kế sao cho công năng và tỉ lệ không gian tốt, gần sau này tôi nghiệm ra được, muốn công trình được sử dụng tốt thì tôi cần nghiên cứu về tính cảm xúc của không gian, khi con người ở trong đó sẽ cảm nhận như thế nào. Do đó, trước khi thiết kế tôi và cộng sự sẽ mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu và thấu hiểu trước cảm xúc và bối cảnh không gian kiến trúc sẽ ra sao khi tương tác với bên ngoài.
Những trải nghiệm chậm rãi nào mà anh tâm đắc nhất mỗi ngày?
Ngồi trong vườn tre tại văn phòng cà phê sáng bàn chuyện về kiến trúc, nghe tiếng chim hót trong vườn và tiếng xe máy bên ngoài của Sài Gòn. Tối đến có bia “happy hour” nói chuyện kiến trúc để ngày mai lại là một ngày mới phía trước!
Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.
Xem thêm: