Luxury of Slow – KTS Trần Quốc Khôi Nguyên

“Tôi tin rằng một công trình dù lớn hay nhỏ thì mặt trời cũng sẽ chạm đến nên nó sẽ sống, để sống được và sống tốt thì không thể sống một mình mà phải sống chung và tương tác với bối cảnh của nó.” – KTS Trần Quốc Khôi Nguyên.

Khôi Nguyên 1

KTS Trần Quốc Khôi Nguyên | Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.

Tác phẩm / công trình nào theo anh mà giá trị của thời gian là chất xúc tác tuyệt vời nhất?

Lunuganga ở Bentota, Sri Lanka của KTS lỗi lạc Geoffrey Bawa. Ông là người có sức ảnh hưởng lớn đến chủ nghĩa kiến trúc nhiệt đới hiện đại. Công trình cũng chính là country house của ông. Ông mất khoảng 50 năm để hoàn thành nó, mong muốn chính mình xây dựng nên ngôi nhà với một khu vườn kiểu Phục Hưng châu Âu phiên bản nhiệt đới, ở chính quê hương Sri Lanka, là động lực thúc đẩy ông từ bỏ nghề luật gia truyền để quay lại Anh theo học kiến trúc. Công trình được ghi nhận kéo dài từ 1948 đến 1998, tính cả thời gian ông quay lại Anh theo học kiến trúc. Thậm chí người ta cũng truyền nhau rằng nó vẫn tiếp diễn đến những năm tháng cuối đời của ông, ông mất tại đây năm 2003. Tôi đã may mắn có dịp ghé thăm và ở lại một đêm tại đây. Xỉu lên, xỉu xuống. Tôi đồ rằng thời gian tốn nhiều nhất là cho phần landscape của khu đất cỡ 6 ha, cũng như là thu gom đồ đạc, tượng chậu… cho cả trong nhà và ngoài sân, những thứ tạo nên phần hồn cho nơi chốn này.

Trong nghề nghiệp của anh, công đoạn nào và kỹ thuật nào cần nhiều thời gian nhất – một quy trình không thể lướt qua dù cho có bao nhiêu năm kinh nghiệm?

Tìm hiểu và nghiên cứu về bối cảnh của chủ thể và công trình, bao gồm cả bối cảnh phần “con” lẫn phần “người”, bối cảnh tự nhiên lẫn xã hội. Tôi tin rằng một công trình dù lớn hay nhỏ thì mặt trời cũng sẽ chạm đến nên nó sẽ sống, để sống được và sống tốt thì không thể sống một mình mà phải sống chung và tương tác với bối cảnh của nó. Cảm hứng cũng sẽ từ đó mà hình thành.

Giai đoạn nào trong hành trình nghề nghiệp mà anh thấy mình cần chậm lại, và vì sao?

Tôi không nghĩ là mình cần chậm lại hay chủ động chậm lại, vì theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, không có hình mẫu nào để so sánh như thế nào là nhanh hay như thế nào là chậm trong thực hành kiến trúc cả, chỉ là cảm thấy thoải mái trên hành trình mình đi, theo “múi giờ” của mình, có bạn đồng hành để đi được dài được xa là vui rồi.

Những trải nghiệm chậm trãi nào mà anh tâm đắc nhất mỗi ngày?

Ngắm thời gian chuyển động. Việc chăm sóc và quan sát khu vườn nhỏ của văn phòng, ngôi nhà thứ hai là một trải nghiệm chậm rãi đáng quý mỗi ngày. Nhìn ngắm sự tuần hoàn của tự nhiên, kể cả ở những thứ nhỏ nhặt nhất, là một khoảng nghĩ dễ chịu giữa nhiều giờ làm việc trên bản vẽ và máy tính. Một mầm cây mới nhú, một mảng tường lên rêu, một khóm rau héo úa hay một tấm sắt hoen rỉ cũng đều là cảm xúc và linh hồn của nơi chốn mà ta thuộc về.


Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.


Xem thêm:

Khối hộp & Đường cong

Okkio Caffe – Nghe cà phê kể chuyện hoài niệm