Nếu ai đã từng xem qua các tác phẩm được đăng trên website hay Instagram của hoạ sĩ Mai Tạ, hẳn sẽ bất ngờ khi biết những bức tranh có độ chi tiết cao với các mảng màu tinh tế này lại có kích thước chỉ 12,7 x 17,8 cm, bằng với một cuốn sổ tay nhỏ nhắn. Những khối hộp vuông vức, gọn gàng và vừa vặn khi cầm trên tay, được tạo nên từ các khối gỗ dán giấy vẽ màu nước, chính là cách Mai trò chuyện với thế giới thông qua ngôn ngữ hội họa của mình. Hình thức thể hiện này được lấy cảm hứng từ tranh vẽ thời Mughal trong văn hóa Ấn Độ – các tác phẩm thu nhỏ được đặc tả khéo léo bằng màu nước và màu bột, “trông giống như một món trang sức”. Quan trọng hơn, tranh khổ nhỏ đã giúp Mai giải quyết các giới hạn của màu gouache. “Mai thích dùng màu gouache trên giấy để đạt được cảm giác mềm mại như màu nước nhưng vẫn có độ phủ cao như acrylic. Tuy nhiên, khi vẽ màu gouache trên khổ lớn, vết cọ hiện lên rất rõ, trong khi đó, khổ tranh nhỏ giúp cho những mảng màu phẳng và dịu lại”, nữ họa sĩ cho biết.
Tất nhiên, vẽ tranh khổ nhỏ bao giờ cũng có nhiều thách thức. Mất khá nhiều thời gian để dán giấy lên gỗ, ép phẳng và chờ khô, nhưng chỉ cần một nét vẽ sai cũng có thể khiến người nghệ sĩ phải lặp lại quy trình từ đầu. Sau khi lên mảng màu, Mai sẽ dùng cọ đầu nhỏ và mảnh để vẽ từng sợi tóc, hàng mi, từng vết nứt, đường viền… Dù cần có sự cẩn thận và tỉ mỉ tuyệt đối, thế nhưng, Mai xem việc tập trung vẽ các chi tiết nhỏ là một quá trình tận hưởng. “Đó là một quy trình khá dễ dàng và… sướng, vì nó đưa tác phẩm từ giai đoạn chưa thành hình đến những khâu hoàn thiện cuối cùng”, cô chia sẻ. Cảm giác nhẹ nhàng này có lẽ cũng xuất phát từ việc Mai làm mọi thứ rất chậm. Thực hành sáng tạo gần như là một hoạt động thiền định đối với Mai, vì khi ấy, tâm trí cô được tự do và thư giãn. Điều này có được sau rất nhiều thời gian luyện tập để biến kỹ năng thành một thói quen của cơ thể. “Khi bạn làm một điều gì đó đủ lâu, bàn tay và não bộ của bạn biết phải tự làm gì với một ý tưởng có sẵn trong đầu”. Liên tục thử nghiệm suốt từ thời đi học để xác định các hệ thống màu phù hợp và cách chơi với bố cục, ánh sáng… Mai tự thiết lập phong cách và xây dựng được một thế giới riêng trong tranh của mình. Khi vẽ, Mai chỉ… vẽ, chú tâm vào ý tưởng, nương theo cảm xúc trong hiện tại và quên đi sự chảy trôi của thời gian.
Nếu không tính thời gian ép gỗ, mỗi bức tranh cần khoảng 2-3 ngày để hoàn thiện. Nhưng khoảng thời gian giữa hai tác phẩm lại khá dài và vô định, vì Mai cần chờ cho ý tưởng xuất hiện, “như thể có ai đó gieo vào đầu mình một hạt giống, và mình chỉ cần “trồng” nó thành bức tranh”. Mai vẽ không nhiều, hẳn rồi. Dù các gallery và triển lãm đang xếp hàng chờ tranh của Mai, nữ nghệ sĩ cũng không thể ép bản thân vội vã. Như nước chảy mây trôi, Mai thuận theo đến đi tự nhiên của cảm xúc và ý tưởng, vì “đối với Mai, đẹp thôi là chưa đủ, tác phẩm còn cần có câu chuyện”.
Trước kia, Mai cũng từng vẽ tranh khổ lớn. Có những tác phẩm sơn dầu trên canvas cao gần bằng nữ nghệ sĩ, tương ứng với cái tôi khao khát sự chú ý và mong muốn bộc lộ bản thân của một người trẻ tuổi. Rồi Mai thấy rằng mình cũng không cần phải quan tâm ánh mắt của người ngoài nữa, cô quay trở về với thế giới riêng tư, thế giới nội tại, nơi chỉ còn những cảm xúc được mô tả trung thực, chân thành, và thẩm mỹ nhất. “Tranh khổ nhỏ có thể không thu hút ánh nhìn và khó gây ấn tượng mạnh với người xem, nhưng nếu ai nhìn thấy câu chuyện ẩn sau bức tranh, họ sẽ ở lại rất lâu”. Mai nghĩ rằng sáng tạo chậm cũng cần có người thưởng lãm chậm. Trong nhịp điệu vội vã của đời sống hiện đại, nữ nghệ sĩ muốn người xem tiếp cận sáng tạo của mình bằng con mắt tỉnh thức. Cần một sự dịu dàng, tập trung và kiên nhẫn nhất định để đắm mình trong thế giới thu nhỏ của cô, với những người phụ nữ mềm mại nhưng sâu sắc, cởi mở và không e dè. Trong bảng màu lặng nơi lừng chừng bóng tối và ánh sáng, chân dung nữ nghệ sĩ hiện ra.
Sự tĩnh lặng bao trùm tác phẩm của Mai, phản ánh tính cách hướng nội của cô. Sự tĩnh lặng dường như cũng đến từ quá trình sáng tạo chậm rãi và từ tốn – chậm rãi để nhìn sâu vào nội tâm, suy nghĩ và cảm xúc của mình; để lưu vào trí nhớ những hình ảnh và chuyển động giản đơn của cuộc sống, giản đơn đến mức dễ bị bỏ qua, như chiếc lá rơi hay cánh chim lướt qua ô cửa. Khi trò chuyện, Mai cũng thong thả lạ thường. Thái độ thận trọng trong lời nói cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng về những gì cô muốn chia sẻ, và phản ứng chậm như một cái cây cho Mai đủ thời gian để hiểu cách mình cần tương tác với thế giới. Ở Mai toát lên phong thái ung dung và thoải mái, có lẽ là kết quả của quá trình phản tư, chiêm nghiệm và chấp nhận bản thân. Cần một lối sống chậm để có thể sáng tạo chậm hay ngược lại? Với Mai, sáng tạo chậm dẫn đến một cuộc sống thư thả hơn, nhưng không phải ai cũng làm được. Mai đang cố gắng cho phép bản thân chỉ sống khi cần và vẽ khi có cảm hứng. “Thực ra, cơ thể luôn giao tiếp với mình, nếu chậm lại, bạn sẽ nghe được tiếng nói bên trong và hiểu mình cần phải làm gì”, cô chia sẻ.
Nhưng trước hết, được quyền lựa chọn sáng tạo chậm cũng là một điều may mắn mà Mai chỉ có khi quyết định theo đuổi hội họa. Trước kia, Mai vốn theo học ngành Minh họa tại Mỹ, lẽ ra sẽ làm việc trong những môi trường nhộn nhịp và sôi động hơn, nhưng cũng khó mà “đúng” với tính cách hướng nội và trầm lắng của cô. Như một lẽ dĩ ngẫu, Mai chọn hội họa, và hội họa cũng chọn Mai. Tất nhiên, khi đi một con đường khác biệt, ai chẳng đôi lần cảm thấy sợ hãi. “Đứng trước những điều mình chưa nắm rõ thì sợ cũng là điều tự nhiên, nhưng phải tin vào con đường mình lựa chọn”, Mai nghĩ vậy. Nghệ thuật giúp Mai vượt qua những nỗi sợ trong đời, nhưng nó cũng mang tới nỗi sợ và áp lực, vì đâu đó, Mai đang phơi bày một phần suy nghĩ, cảm xúc và con người mình trước ánh nhìn của đời. Thể hiện mình, nhưng cũng sợ người khác thấy mình, có phải đó là cảm giác mà người nghệ sĩ luôn phải đối mặt trong quá trình phản tư khi sáng tạo?
Thỉnh thoảng, khi xem lại tranh của mình 5 năm về trước, Mai cảm thấy như đang nhìn vào chính con người mình ở quá khứ. Thỉnh thoảng, Mai vẫn cảm thấy xấu hổ. “Hồi đó mình bộc lộ nhiều quá, suy nghĩ của mình khổ sở quá, đôi khi mình tự hỏi: có cần tới mức như vậy không?”. Giờ đây, người phụ nữ vẫn là chủ thể chính trong tranh của Mai, vẫn là Mai, nhưng cũng không còn là Mai nữa. Người phụ nữ đó đã có một cuộc đời riêng, một gương mặt riêng. Mai 26 tuổi đã trưởng thành hơn Mai 18 tuổi. Mai muốn sống tốt hơn, với bản thân và với người khác, điều đó được phản chiếu rất rõ qua lăng kính nghệ thuật. “Vài năm trước, cảm xúc giữ vai trò chính trong ý tưởng sáng tạo của mình. Nhưng bây giờ, khi cuộc sống ổn định hơn, bản thân mình cũng điềm đạm hơn, cảm hứng có thể đến một cách tự nhiên, từ bất cứ thứ gì – những người mình gặp hoặc một cuốn sách hay”, nữ nghệ sĩ bộc bạch.
Không khó để nhìn thấy sự trưởng thành về mặt cảm xúc trong các tác phẩm của Mai từ năm 2019 đến nay, từ bảng màu giàu các sắc độ đỏ và tím sang xanh dương và vàng nhạt; từ những cô gái âm ỉ sự giận dữ và bí bách đến dáng vẻ tự do và giải phóng; từ căn phòng chật hẹp đến không gian mở; từ bị nhìn thấy đến nhìn thấy… Với quan điểm rằng sự hài hòa sẽ đạt được khi họa sĩ dùng càng ít màu càng tốt, Mai có thể tạo nên cầu vồng chỉ với 5 màu gồm trắng, vàng chanh, đỏ, xanh dương và đen, dẫu vậy, xanh vẫn là màu sắc chủ đạo bất biến trong hành trình sáng tạo của cô. “Có nỗi buồn ẩn chứa bên trong màu xanh, nhưng đồng thời nó cũng mang lại cảm giác bình yên. Một màu sắc rất dễ hình dung, dịu dàng, đẹp và bí ẩn”. Có thể ngày trước, xanh là màu của màn đêm, nhưng giờ đây, nó là màu của bầu trời, phải chăng vì nữ họa sĩ đã thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn?
Mai từng nghĩ rằng nỗi buồn là ngọn nguồn duy nhất cho các tác phẩm hội họa của mình. “Nếu hết buồn, chắc Mai sẽ ngừng vẽ”. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Giờ đây, Mai chấp nhận cả niềm vui và những xúc cảm vụn vặt trong mình. Việc đối thoại với bản thân mỗi ngày cũng mang lại cho cô rất nhiều cảm hứng. “Mình không muốn cảm xúc trở thành yếu tố duy nhất để sáng tạo. Mình muốn ý tưởng được nuôi dưỡng một cách độc lập và không bị phụ thuộc, để mình có thể sáng tạo kể cả lúc vui cũng như khi buồn”. Trung thực với cảm xúc và suy nghĩ khi bồi đắp chúng lên những đường nét và mảng màu, nhờ vậy, Mai giành lấy tâm thế chủ động khi soi chiếu chính bản thân mình qua bóng gương sáng tạo, thật chậm rãi và tự do.
Họa sĩ Tạ Quỳnh Mai (1997)
– Tốt nghiệp ngành Minh họa trường School of Visual Arts (New York).
– Triển lãm cá nhân: blue girl (2021), Pablo’s Birthday Gallery, New York, Mỹ; amygdala (2023), Ojiri Gallery, London, Anh và rất nhiều triển lãm nhóm.
– Gilbert Stone Award (2018), School of Visual Arts, New York, Mỹ.
– Nancy Lee Rhodes Roberts Scholarship Award (2020), Society of Illustrators, New York, Mỹ.
Bài: Đoàn Trúc | Hình ảnh: Trần Vĩnh Đạt, NVCC
Xem thêm
Khi tác phẩm của họa sĩ Edward Hopper bước ra đời thực
Dinh thự của sắc màu hội họa Flemish
Re-ymagined – Tái hiện tác phẩm hội họa qua lăng kính ba chiều