Charlotte Perriand – Sự nghiệp là tuyên ngôn mạnh mẽ

Charlotte Perriand (1903-1999) là một nữ kiến trúc sư, nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp. Bà được biết đến như một trong những người tiên phong, góp phần biến đổi cả một hệ tư duy thiết kế. Perriand sáng tạo ra những tác phẩm được công nhận là thiết kế biểu tượng của thế kỷ 20. Điều này không chỉ giúp khẳng định tài năng của bà mà còn là lời tuyên bố đầy mạnh mẽ về vị thế của người phụ nữ giữa một ngành nghề luôn mặc định là được thống trị bởi đàn ông.

Charlotte Perriand lớn lên ở Paris, nơi cha mẹ bà làm nghề thợ may. Sau đó, Perriand theo học tại École de l’Union Centrale des Art Décoratifs (1920- 1925) dưới sự động viên của mẹ khi tài năng hội họa xuất chúng của bà sớm được hé lộ vào những năm trung học. Người thầy hướng dẫn của Perriand tên Henri Rapin vốn là một nhà thiết kế thực nghiệm vô cùng tài năng, chính ông là người đã giúp Perriand mài giũa kỹ năng  với những chỉ dẫn vô cùng hữu dụng, thực tế. Sau này, Perriand luôn nhắc đến người thầy của mình với lòng tri ân sâu sắc. Perriand chỉ thực sự có được kinh nghiệm đầu tiên khi bà bắt đầu tham gia khóa học tổ chức bởi Paul Follot, và gặp được Maurice Dufrêne, chủ của  Galeries Lafayette. Dufrene không chỉ truyền dạy kinh nghiệm thực tế mà còn giúp sinh viên chỉnh sửa, hoàn thiện dự án. Các tác phẩm của sinh viên sẽ được chọn trưng bày tại chính Galeries Lafayette hoặc được mua bởi những cửa hàng và thực sự đưa vào dây chuyền sản xuất nhờ sự giới thiệu của Dufrêne. Có thể nói, ông chính là người trao cho Charlotte Perriand những mối quan hệ nghề nghiệp đầu tiên.

Ngôn ngữ thiết kế giản lược và hiện đại đến quyết liệt, khó có thể hình dung đây là một sản phẩm được ra đời từ gần nửa thế kỷ trước.

Kệ sách với tinh thần của chủ nghĩa kết cấu đặc sệt, được làm tươi mới bằng những màu sắc ngọt ngào trẻ trung.

Thời điểm đánh dấu bước khởi sắc trong sự nghiệp của Charlotte Perriand  là vào năm 1927 tại Salon d’Automne, khi bà ra mắt thiết kế Bar sous le toit (“Quầy bar trên gác mái”) – tác phẩm sắp đặt với các món nội thất hoàn thiện và quầy bar làm từ vật liệu nickel, đậm chất công nghiệp, mạnh mẽ, sáng bóng và ấn tượng. Bà rất tự tin khi sử dụng loại chất liệu giàu nam tính để phán ánh lại thời kỳ công nghiệp hóa. Đó là bước đi táo bạo và khác lạ, bởi khi ấy, thị hiếu chung vẫn đang ưa chuộng những đồ dùng chế tác từ gỗ với vẻ ngoài ít nhiều cầu kỳ và hoành tráng. Những sản phẩm mang đường nét sắc sảo, chi tiết tinh lọc của Perriand đã mang lại một luồng gió mới.

Mẫu ghế Tokyo lounge Sự mộc mạc và gắn bó với tự nhiên đến từ sản phẩm này là kết quả của thời gian bà sinh sống và làm việc ở Nhật và Việt Nam, nơi bà đã học được những phương pháp xử lý vật liệu truyền thống.

Sau một lần đọc xong quyển sách của kiến trúc sư bậc thầy Le Corbusier, bà nhận ra rằng tầm nhìn và định hướng của ông hoàn toàn phù hợp với những gì bà đang ấp ủ và nhắm đến, đó là nhấn mạnh vào sự đổi mới trong kiểu dáng và lựa chọn kim loại như một trong những nguyên liệu thiết kế chủ đạo. Nghĩ là làm, bà mang hồ sơ xin việc đến tìm Le Corbusier. Khi gặp mặt, ông đã phũ phàng nói với Charlotte rằng: “Ở đây chúng tôi không thêu gối”. Chẳng chút nản lòng, bà mời Le Corbusier đến xem tác phẩm Bar sous le toit. Điều xảy đến ngay sau đó ư? Charlotte Perriand – trong tư thế ngẩng cao đầu – chính thức nhận được công việc bà hằng mong muốn.

Khi mới ra đời bộ sưu tập “Những thiết bị của một căn nhà hiện đại”, Charlotte và đồng sự đã phải tự bỏ tiền thực hiện, đồng thời làm mẫu cho hình ảnh sản phẩm.

Những năm làm việc tại xưởng cùng Le Corbusier và Pierre Jeanneret đã đánh dấu thời kỳ sáng rỡ nhất trong sự nghiệp của Perriand khi họ cùng nhau tạo ra BST l’équipement intérieur de l’habitation (“Những thiết bị của một căn nhà hiện đại”) với những thiết kế biểu tượng như siège à dossier basculant (LC1 – “Chiếc ghế với phần lưng tựa đung đưa” 1928), Fauteuil Grand Confort (LC2, LC3 – “Ghế thoải mái” 1928) và Chaise loungue (LC4 – 1928). Bộ sản phẩm ra đời với mục đích đáp ứng những tư thế ngồi thoải mái nhất cho người dùng. Bộ ba nhà thiết kế sử dụng chính cơ thể của họ để nghiên cứu về các đặc điểm thể chất, tư thế con người, thậm chí phải tự bỏ tiền túi để tạo nên những sản phẩm mẫu. Perriand chính là người đưa ra đề xuất tạo nên các thiết kế linh hoạt. Như ghế LC1 có phần lưng tựa có thể lật lên lật xuống hoặc ghế LC2, LC3 với phần khung sườn và đệm nhiều mảnh có thể tháo rời, dễ dàng thay thế. Đây chính là điểm nhấn trong phong cách của Charlotte Perriand khi bà hoàn toàn thoát khỏi lối mòn rằng một sản phẩm cần có hình dạng nguyên khối.

Ghế LC2 với phần khung sườn và đệm nhiều mảnh có thể tháo rời, cho phép người dùng dễ dàng tháo lắp và thay mới.

Chiếc ghế Ombre thiết kế năm 1958 cho thấy sự ảnh hưởng không nhỏ của thẩm mỹ tạo hình phương Đông đối với bà.

LC4 với phần sống ghế có thể trượt nhẹ trên hai thanh đỡ, giúp điều chỉnh được độ dốc từ đó cũng giúp người sử dụng chuyển đổi tư thế cho phù hợp.

Cột mốc quan trọng trong cuộc đời Perriand là khi nhận được thư mời từ Đại sứ quán Nhật Bản ở Paris. Dưới sự tài trợ của Bộ Công thương Nhật Bản, bà được mời đến đất nước mặt trời mọc và trở thành người cố vấn định hướng cho mỹ thuật công nghiệp quốc gia, giúp Nhật Bản tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang các nước phương Tây. Năm 1941, bà tạo ra chiếc ghế Chaise Lougue phiên bản tre nứa, một loại nguyên liệu rất tiêu biểu và phổ biến trong ngành thủ công châu Á. Bằng cách đó, bà đã cho người Nhật thấy được cách sử dụng nguyên liệu địa phương để chế tạo những vật dụng mang âm hưởng phương Tây, biến chúng thành “đứa con lai” đẹp đẽ, vừa hợp thị hiếu lại vừa mang đậm nét Á đông.

Một phiên bản khác của chiếc ghế LC4, được làm bằng tre với các phương pháp xử lý truyền thống mà bà học được từ Nhật Bản.

Charlotte Perriand không chỉ tài năng mà còn làm việc không mệt mỏi. Năm 1985, những thành tựu nổi bật nhất trong sự nghiệp của bà được vinh danh trong triển lãm “Charlotte Perriand: Un Art de Vivre” tại Musée des Arts Décoratifs tại Paris.

Charlotte Perrinad không chỉ là một NTK mang tư duy cách mạng mà còn là người truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ vững tin và theo đuổi đam mê, luôn mạnh mẽ để khẳng định được vị thế của mình. Hãy làm việc chăm chỉ và tin tưởng vào các giá trị của mình như cách mà Charlotte Perriand đã từng làm trong suốt hơn 70 năm sự nghiệp. Xin dành tặng đến bà sự tri ân, niềm ngưỡng mộ sâu sắc về một người hùng thiết kế, biểu tượng phi thường của nghị lực phụ nữ, một người truyền cảm hứng đích thực bây giờ và mãi đến tận mai sau.

Chiếc bàn làm việc rộng rãi với đường cong êm ái như chiếc boomerang, là một thiết kế của Charlotte dành riêng cho một tổng biên tập báo thời kì ấy, ông thường xuyên phải họp với nhóm nhân viên 10 người của mình và thiết kế của chiếc bàn đặc biệt khiến cho không ai ngồi quá xa so với người lãnh đạo của mình.

Những thiết kế của Charlotte Perriand là một lời tuyên ngôn mạnh mẽ cho sự đổi mới, chúng là tiếng nói đại diện cho tính cách linh hoạt, mềm dẻo nhưng không kém phần quyết liệt của người phụ nữ.

Bài PHƯƠNG NGUYỄN Ảnh TƯ LIỆU