Nếu khám phá trong hệ tửu cụ Việt với trản, tước, chén chân cao, hồ lô, bình, ấm… ta sẽ thấy trong từng món đồ cổ sức hấp dẫn không chỉ ở công năng sử dụng, mà còn là kỹ thuật chế tác, mỹ thuật trang trí, chất liệu bản địa. Nhìn hệ tửu cụ này, dễ dàng nhận ra nét Việt không thể nhầm lẫn.
Tước uống rượu men trắng ngà thời Lê.
Tước rượu gốm hoa lam với nét vẽ tiêu biểu ở thời Lê Sơ.
Gốm men ngọc, một điểm son trong kỹ thuật chế tác men ở thời Trần.
Gốm men rạn xuất xứ từ làng nghề Bát Tràng, chế tác dưới thời Nguyễn.
Tửu cụ Việt nhận diện rõ nét, có thể lấy khởi điểm từ thời Lý (1009 – 1225). Sau ngàn năm Bắc thuộc, công cuộc kiến thiết đất nước của triều Lý đã để lại một trong những di sản đặc biệt là nghệ thuật chế tác gốm. Tửu cụ thời Lý cũng ra đời, kết hợp văn hóa bản địa và du nhập với Hindu giáo (Chămpa), Phật giáo… Lấy ví dụ tước uống rượu thời Lý có hình chim vẹt đứng trên đài sen. Đây là một kết hợp thú vị giữa tín ngưỡng, văn hóa vào tửu cụ. Trong Bản Sinh Kinh, vẹt là loài chim kể về tiền kiếp của đức Phật. Sen cũng là loài hoa biểu trưng trong nghệ thuật Phật giáo. Khi kết hợp hai hình tượng sen – vẹt và công năng tiến tửu, đã tạo nên tước rượu hình vẹt độc đáo, với ngôn ngữ rất riêng của thời Lý.
Bình rượu hình cá, với màu men lam xám đặc trưng thời nhà Mạc.
Tước rượu hình chim vẹt, một nét giao thoa văn hóa đặc trưng ở thời Lý.
Bình rượu hình chim, gốm men hoa lam Chu Đậu ở thời Lê Sơ.
Chén (trản) uống rượu đắp hình chim vẹt của gốm hoa lam Chu Đậu.
Nậm rượu men lam xám của gốm cổ Bát Tràng.
Hình tượng vẹt trong tửu cụ còn được lặp lại trong chế tác đồ gốm cổ thời Lê Sơ. Chim vẹt được chế tác bám vào miệng trản, thân chim hóa thành điểm tựa tạo thế cho tay cầm, thể hiện nét duyên dáng của chén uống rượu thuộc dòng gốm hoa lam Chu Đậu. Gốm Việt phát triển dựa trên đặc tính vùng miền rõ nét, tùy nguyên liệu cùng kỹ thuật chế tác, sẽ ra các định dạng.
Các dòng gốm tiếp nối mạch phát triển sau thời Lý với gốm men ngọc thời Trần, gốm men hoa lam thời Lê sơ, gốm men lam xám thời Mạc, gốm men màu thời Lê Trung Hưng… cho đến các làng gốm trứ danh như Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Gò Sành (Bình Định), Quảng Đức (Phú Yên)… cùng nhiều làng gốm cổ truyền khác đều thấy có chế tác tửu cụ. Những chén uống rượu chân cao từ thời Lý, Trần, Lê Sơ… là một minh chứng về sự tinh tế trong chế tác men, kỹ thuật tạo dáng với tỉ lệ hoàn hảo hay các ấm rượu mang đề tài thủy tộc, ấm tôm, ấm cá cõng tôm… rất rõ nét dưới thời Mạc, Lê Trung Hưng… Tửu cụ Việt dưới thời Mạc, Lê Trung Hưng có hình sáng tạo, chuyên biệt khi ứng dụng hình ảnh thủy tộc lên sản phẩm, kết hợp cùng màu men đặc trưng, tạo thành nét riêng cho gốm Việt.
Ấm rượu mang tạo hình thủy tộc qua hình ảnh tôm ở thời Lê Trung Hưng.
Hồ lô hai bầu, dòng sản phẩm chế tác tại lò gốm Bát Tràng, thế kỷ 19.
Bộ hồ lô, nậm rượu với nét men vỏ sỏ mộc mạc, đơn sơ của gốm cổ Quảng Đức.
Nét đẹp tinh mỹ của chén rượu chân cao thời Lý.
Sang đến triều Nguyễn, giai đoạn đất nước nối lại bang giao sâu đậm với láng giềng, tửu cụ cũng bị ảnh hưởng đến tạo hình. Những hồ lô hai bầu mang hình lân đắp nổi, hay trang trí đồ án long vân của gốm Bát Tràng là một điển hình. Gốm cổ Quảng Đức thế kỷ 19 – 20 cũng sản xuất nhiều bình rượu dáng hồ lô. Nhưng điểm thú vị là cùng công năng, nhưng khác chất liệu và giá trị, tính thẩm mỹ cũng vì đó mà khác biệt, định được cá tính và ngôn ngữ riêng của từng dòng gốm. Sự đa dạng trong tửu cụ Việt là một dấu ấn thú vị trong việc duy trì và phát triển nghề gốm xưa và nay.
Thực hiện: Nguyễn Đình
Xem thêm
Sắc màu quyền quý trên đồ cổ điếu bát