Huế vàng son: Đồ sứ Tây Âu – Vàng son một thưở

Các vua triều Nguyễn khi lên ngôi, tùy thời điểm, hoàn cảnh lịch sử, sẽ có những dòng đồ ngự dụng được sứ bộ sang Trung Hoa hay Âu châu đặt hàng tại các lò sứ danh tiếng đem về sử dụng trong hoàng cung. Trên đó thể hiện các hoa văn, họa tiết, màu sắc, hiệu đề, thơ phú, niên đại… gắn liền với triều vua trị vì. Từng hiện vật đồ sứ ngự dụng triều Nguyễn (1802 – 1945) trong BST của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn tiêu biểu cho nét đẹp đậm dấu ấn cung đình nơi kinh đô Huế xưa.

Dưới triều vua Khải Định (1916 – 1925), triều đình Huế không còn phái sứ bộ sang Trung Hoa, quan hệ ngoại giao thay bằng mối quan hệ khắng khít với Pháp, thế nên trong đồ ngự dụng vua Khải Định sử dụng hầu hết là sản phẩm đặt làm từ các lò sứ danh tiếng như Sèvres, Limoges của Pháp. Chiếc đĩa sứ men trắng nhũ trang kim lòng đĩa vẽ biểu tượng Đại Nam, đĩa trang trí đề tài hoa hồng là món đồ ngự dụng tiêu biểu trong các yến tiệc của vua Khải Định. Các hiện vật còn lại gồm bộ ly pha lê, đĩa men lam vẽ hoa dây nhũ trang kim là đồ ngự dụng của vua Thành Thái (1889 – 1907) ký kiểu Tây Âu. Đĩa men màu trang trí hoa sen cách điệu đề tài ngũ phúc là đồ ký kiểu Trung Hoa với hiệu đề Tự Đức Niên Tạo (1847 – 1883).

Trước khi có những hiện vật đồ sứ ký kiểu từ Tây Âu, các vua Nguyễn sử dụng đồ ký kiểu do sứ bộ ngoại giao đặt làm tại lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc), màu men lam được sử dụng phổ biến trên nền cốt thai trắng, định hình thuật ngữ “men lam Huế” (Bleu de Hué), chỉ các đồ sứ xanh – trắng do nghệ nhân Trung Quốc làm theo yêu cầu từ Việt Nam. BST trong hình gồm hai dòng đồ ngự dụng của vua Minh Mạng (1820 – 1840) – hiệu đề chữ “Nhật” và Thiệu Trị (1841 – 1847) – hiệu đề “Thiệu Trị Niên Chế”, kết hợp cùng các món ẩm thực Huế bên những chiếc quạt thủ công làm từ nghệ thuật giấy Trúc Chỉ (vietnamtrucchiart.com)

Theo Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, dưới triều Nguyễn, mỗi khi công chúa lấy chồng, vua ban tặng cho 100 lạng vàng, 2.000 lạng bạc, 2.000 quan tiền cùng nhiều thứ trân quý khác nhưng chỉ ban cho một bình vôi sứ, hai tô sứ bịt vàng, mười tô sứ bịt bạc. Và trong các lễ cung tiến, đồ sứ cũng là một phẩm vật để vua dâng tiến Hoàng thái hậu. Điều đó chứng tỏ sự quý giá của đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn trong đời sống cung đình. BST 52 hiện vật đồ sứ ngự dụng triều Nguyễn của nhà nghiên cứu – sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn được giới thiệu đến công chúng trong triển lãm tại không gian Si (7A Ngô Văn Năm, Q.1) từ 16/01/2016.

Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO – Hình ảnh: HẢI ĐÔNG – BST sứ của TRẦN ĐÌNH – SƠN BST giấy của TRÚC CHỈ