3 WEEKS OF DESIGN BY GALLERY MEDIUM: Thiết kế & Nghệ thuật đương đại

Ra mắt dự án 3 Weeks of Design, NTK Coca Huỳnh – Founder của Gallery Medium mong muốn mang đến cho công chúng góc nhìn đa diện về một lối sống mà ở đó, nghệ thuật và nội thất tồn tại trong sự dung hòa và nâng đỡ lẫn nhau.

3 Weeks of Design (3WOD) ra đời trong hoàn cảnh nào và ý nghĩa, mục đích của concept này là gì?

Gallery Medium ra đời với ý niệm “xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và thiết kế” từ lúc bắt đầu. Chúng tôi luôn nỗ lực đưa đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt trong một không gian truyền cảm hứng. Sau chương trình Pop-Up Office của ELLE Decoration diễn ra tại Villa Medium vào tháng 4 năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức được hơn 4 triển lãm, tập trung trọng tâm vào sự đa dạng của các nghệ sĩ trong nước. 3WOD là triển lãm đầu tiên kết hợp với Eurasia Concept nhằm tôn vinh sự độc đáo và yếu tố nghệ thuật trong từng tác phẩm, đồng thời tập trung vào sự giao thoa của các thiết kế mang tính chuyên biệt, sự khéo léo của nghệ nhân và tính linh hoạt của chức năng từ các thương hiệu quốc tế và các NTK Việt Nam.

gallery medium thiet ke do noi that 3 weeks of design

Sofa Atelier, tủ gỗ Sutoa, bàn phụ và kệ sách Rivet, ghế 9.5, bàn ăn Sintra của FRAMA. Đèn Lớp của BẰNG. Đèn Phẳng của NÉM. Khay Freudwerk của BOON. Bàn Still của DISTRICT EIGHT. Nến thơm và xịt phòng Maison D’Orsay tại KA KONCEPT. Ảnh: Gallery Medium

Tại các sự kiện lớn như Milan Design Week hoặc NYCxDESIGN, hàng loạt các hoạt động tập trung vào thiết kế diễn ra cùng lúc. Được truyền cảm hứng từ điều này, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng tổ chức một sự kiện song song với HAWA Expo để tăng cường tính kết nối cộng đồng, nhưng vì một số lý do, chúng tôi đã điều chỉnh để 3WOD trở thành một sự kiện tiếp nối trong nửa đầu năm 2024. Ngoài trưng bày các tác phẩm thiết kế, chúng tôi mong muốn mang lại nhiều trải nghiệm, hướng đến công chúng yêu thích thiết kế thông qua chuỗi hoạt động hợp tác với các NTK hoạt động lâu năm trong ngành, như những buổi tọa đàm trao đổi kiến thức và workshop để công chúng có thể trải nghiệm tự làm nên một sản phẩm thiết kế của riêng mình.

Tại Việt Nam, người yêu thích nghệ thuật vẫn chưa có nhiều cơ hội được xem và trải nghiệm những thiết kế chất lượng, nhất là những sản phẩm có giá trị sưu tầm vốn chỉ được thấy trên mạng xã hội. Đến với 3WOD, khách tham quan được nhìn tận mắt và cảm nhận một cách chân thực những thiết kế của các NTK và KTS lừng danh của Việt Nam và quốc tế.

gallery medium thiet ke do noi that trien lam 3 weeks of design

Bình phong Frame của FRAMA. Tủ Nuage, ghế MB1 Quartet, ghế 606 Barrel của CASSINA. Ghế Bình Minh của ONONDETAILS. Bàn cờ Tụ của HANOIA. Nến thơm Maison D’Orsay tại KA KONCEPT. Ảnh: Gallery Medium

Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn gửi đi thông điệp rằng giá trị của một sản phẩm không phải nằm ở độ nổi tiếng hay tên tuổi gắn liền với nó mà chính sự sáng tạo và kỹ thuật chế tác mới là cốt lõi, thể hiện qua một số sản phẩm của các thương hiệu và NTK nội địa ở triển lãm. Bạn không cần phải sở hữu toàn bộ đồ nội thất đắt tiền từ những cái tên nổi tiếng để làm nhà mình đẹp hơn. Điều quan trọng là tìm được phong cách của mình và nhìn được giá trị đích thực của từng tác phẩm, cách sắp đặt hài hòa.

Chị hãy chia sẻ về các thương hiệu nổi bật tại triển lãm? Tiêu chí lựa chọn của chị là gì?

Những món đồ nội thất quốc tế được tôi tuyển chọn từ các thương hiệu thuộc Eurasia Concept đều theo hướng “niche design”- mang tính biểu tượng, có giá trị sưu tầm bởi concept độc đáo và chất lượng chế tác tuyệt vời để khách tham quan có thể cảm nhận được sự đa dạng trong ngành thiết kế nội thất và đồ dùng. Nổi bật trong đó có Cassina với chiếc sofa Maralunga có phần lưng tựa gập được nhờ tích hợp cơ chế xích xe đạp. Thương hiệu Frama mang tinh thần Scandinavian với chiếc ghế nghiêng 9.5, đèn Glyph của nghệ sĩ – NTK Pieter Maes…

gallery medium thiet ke do noi that trien lam 3 weeks of design

Ghế 9.5° của FRAMA. Bàn console và gương Điểm của BẰNG. Ảnh: Gallery Medium

3WOD cũng giới thiệu đến cộng đồng thiết kế và nhà sưu tầm những thương hiệu Việt Nam như LAITA Studio, Snorm, ONONDETAILS hay BẰNG và Bát Tràng Museum Atelier…

Qua không gian trưng bày này, bạn có thể bắt gặp nhiều thiết kế với nhiều phong cách, mang âm hưởng văn hóa các nước khác nhau tạo được sự hòa hợp trong cùng một không gian. Chẳng hạn như phong cách Modernist có thể đi cùng Art Deco hoặc Oriental; thương hiệu Việt có thể phối hợp với thương hiệu của Ý hoặc Đan Mạch; hay một căn phòng theo phong cách đương đại không nhất thiết phải được lấp đầy bằng những sản phẩm tối giản.

Phản ứng của công chúng như thế nào đối với triển lãm nói chung và các hoạt động khác nói riêng?

Chúng tôi nhận thấy khách tham quan rất thích thú khi lần đầu tiên được đến một không gian triển lãm đa thương hiệu có tính quốc tế lẫn bản địa. Mặc dù chương trình chỉ mới được tổ chức lần đầu tiên với quy mô vừa phải, chúng tôi mong rằng nó đã góp phần làm cho ngành đồ nội thất trong nước trở nên phong phú và sôi nổi hơn. Các hoạt động thu hút khách tham quan ở mọi lứa tuổi và ngành nghề mà không nhất thiết phải hoạt động trong ngành thiết kế. Rất có thể 3WOD đã khơi dậy một chút cảm hứng, sự chú ý đến sáng tạo trong những vị khách vốn chưa từng quan tâm nhiều đến thiết kế. Điều này đối với chúng tôi đã là một thành công.

medium gallery trien lam do noi that 3 weeks of design

Ghế Campo, bàn Hutiu của LAITA DESIGN STUDIO. Đèn thả Maane của AXCIS. Ảnh: Medium Gallery

Qua sự kiện này, chị có nhận định thế nào về bức tranh ngành đồ nội thất nói chung và thiết kế đồ nội thất nói riêng tại Việt Nam?

Tại 3WOD, nhiều khách tham quan không thể phân biệt được giữa thiết kế của thương hiệu Việt Nam và quốc tế. Họ đã bất ngờ khi phát hiện ra sản phẩm họ yêu thích được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Điều này cho thấy thiết kế của các thương hiệu Việt không hề kém cạnh so với thương hiệu quốc tế, cả về ý tưởng lẫn chất lượng. Tôi rất vui khi triển lãm này giới thiệu cho nhiều người biết về các thương hiệu Việt Nam.

Khi ngày càng nhiều người muốn sống trong những ngôi nhà đẹp, họ càng quan tâm đến thiết kế nội thất và đồ nội thất. Họ cũng nhận thức và chú ý hơn đến chất lượng, kỹ nghệ, và câu chuyện của sản phẩm. Chắc chắn rằng ngành thiết kế nội thất tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

gallery medium thiet ke do noi that trien lam 3 weeks of design

Bình trang trí JPC Universe của BOON. Ngựa gỗ Gióng, ghế TQV01 của ONONDETAILS. Bàn Wing của LAITA Design Studio. Ghế Alien của SNORM. Ảnh: Gallery Medium

Theo chị, nghệ thuật và nội thất chia sẻ những điểm chung nào?

Tôi nghĩ rằng nghệ thuật và thiết kế hiện nay đã tích hợp với nhau và bổ sung cho nhau một cách tuyệt vời thay vì từng là hai thực thể riêng biệt. Các sự kiện nghệ thuật lớn trên thế giới như Art Basel cũng dành một phần cho nghệ thuật trang trí, nơi trưng bày những món đồ nội thất và thiết kế độc đáo.

coca huynh 3 weeks of design trien lam furniture

Nhà thiết kế Coca Huỳnh. Ảnh: Đức Ngô

Thực hiện: Hoàng Lê 


Xem thêm

Gallery Medium, ấm áp và cởi mở

Bộ ảnh sắp đặt: Palette mùa Hè

The Hidden Charms – Nét duyên thầm của Sài Gòn qua góc nhìn của họa sĩ Nguyễn Ngọc Liêm