Lang thang trong ký ức chữ

Một anh chàng cao, gầy, đen nhẻm, ăn mặc giản dị đến mức xuề xòa, lang thang khắp phố phường Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác để lưu lại từng con chữ trên những bảng hiệu đã nhuốm màu thời gian. Lê Quốc Huy giống như kẻ lữ hành trẻ tuổi trong thế giới đồ họa của hàng thập kỷ trước. Với anh, “Lưu Chữ” chỉ là hành trình đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của bản thân, nhưng với chúng ta, đó là chuyến đi góp nhặt những nét đẹp quen thuộc của nghệ thuật chữ đang dần bị lãng quên.

Khi được hỏi về Lưu Chữ, Huy nói thẳng, đâykhông phải là “dự án”, nghe to tát quá, càng không phải “dự án cá nhân”, vì bây giờ và sau này, không thể đếm hết số người đã, đang và sẽ chia sẻ với Huy nguồn tư liệu hình ảnh quý giá. Fanpage Lưu Chữ – The Lost Type Vietnam ban đầu chỉ là nơi Huy lưu giữ ảnh chụp những bảng hiệu, đúng hơn là kiểu chữ trên những bảng hiệu – mà anh tìm thấy ở những nơi đã đi qua. Sau đó, thông qua hashtag #luuchu và #thelosttypevietnam, các bạn trẻ ở mọi miền tổ quốc đã chụp lại bảng hiệu quanh nơi mình sống và chia sẻ với LưuChữ, biến fanpage này thành một thư viện trực tuyến được cập nhật thường xuyên bởi tất cả mọi người.

Đếnđầu năm 2017, Lưu Chữ – The Lost Type Vietnam đã đi qua 24 tỉnh, thành phố, ghi lại 332 bảng hiệu khác nhau dưới góc nhìn và cảm nhận của 86 cá nhân.Học Thiết kế Đồ họa tại Đại học Công nghệ Sài Gòn, ngay từ năm thứ ba, Huy đã có hứng thú với thiết kế chữ viết. Thêm vào đó, sở thích liên quan đến lịch sử,địa lý và các kỹ thuật thủ công đã khiến Huy quyết định tìm hiểu lịch sử chữ viết tiếng Việt trong ngôn ngữ đồ họa. So với các ấn bản đồ họa trên bìa sách, đĩa nhạc– những ấn phẩm đại trà khó lưu trữ và khó truy tìm nguồn gốc – thì bảng hiệu là một phát hiện khá thú vị. Đó là nhữn gấn phẩm độc bản, không cái nào giống cái nào, thường được vẽ tay thủ công, lại có tuổi đời khá lâu vì được truyền qua nhiều thế hệ. Đặc biệt nhất là Huy có thể biết được người vẽ, người đặt vẽ và cả những câu chuyện xoay quanh sự ra đời của bảng hiệu. Những câu chuyện mang đậm màu sắc cá nhân của người tạo nên kiểu chữ, mang đậm màu sắc truyền thống của một gia đình, mang ý nghĩa sâu xa vượt ra ngoài giá trị của một tên gọi… như mở ra trước mắt Huy những chân trời mới. Để rồi, từ mục đích ban đầu chỉ là sưu tập bảng hiệu, Huy lại có mong muốn đem những câu chuyện được nghe, được biết đến với nhiều người hơn.

1. Phòng trồng răng Tam Thái – Phan Đăng Lưu, Huế 2. Nhang đèn Quảng Nam Chành – Nguyễn Hiền Vương, Biên Hòa 3. Cơ sở sản xuất rượu Hòa Bình – Thượng Đăng Lễ, An Giang

Các kiểu chữ trên bảng hiệu mặc dù lưu niên nhưng không hề cũ, chúng vẫn được sử dụng trong đời sống hiện đại, chỉ là chưa ai tìm hiểu về chúng, hệ thống và cho chúng một cái tên.

Xuất phát từ sở thích đơn thuần nên đối với Huy, Lưu Chữ vẫn chỉ là hoạt động cá nhân bên cạnh công việc chính là design. Khó khăn của anh cũng chính là không có nhiều thời gian cho Lưu Chữ, để đi, để dừng lại và lắng nghe nhiều câu chuyện hơn. Tuy nhiên, những kiến thức thu được trong quá trình tìm hiểu các kiểu chữ đã giúp Huy rất nhiều trong công việc. Mặc dù làm design- một trong những ngành luôn cập nhật những cái mới, những xu hướng thịnh hành – nhưng Huy lại thừa nhận, anh không thích cái gọi là xu hướng. Huy từng tìm hiểu rất nhiều về phong cách thiết kế đồ họa của Mỹ, Đức, ẢRập… và nhận ra rằng, Việt Nam cũng có nền tảng rất tốt về đồ họa. Anh luôn đặt câu hỏi: Nếu tác phẩm không đề tên tác giả, làm thế nào người khác nhìn vào có thể biết được đây là một tác phẩm của Việt Nam? Xu hướng chỉ là cái tức thời, sau xu hướng này sẽ đến cái khác, nhưng dấu ấn địa phương thì phải dựa vào văn hóa, vào chính con người mình. Huy muốn những tác phẩm mang phong cách cá nhân, mang dấu ấn của người Việt Nam hơn là chạy theo cái mới. Các kiểu chữ trên bảng hiệu mặc dù lưu niên nhưng không hề cũ kỹ, chúng vẫn được sử dụng trong đời sống hiện đại, chỉ là chưa ai tìm hiểu về chúng, chưa ai hệ thống và cho chúng một cái tên. Anh từng tìm được một quyển sách tiếng Pháp viết về kiểu chữ sử dụng ở Pháp những năm 1930, và chúng giống đến 70-80% những chữ anh từng thấy ở Việt Nam. Rõ ràng chúng ta đã có một thời hoàng kim, đã từng đi đến đỉnh cao rồi, tại sao bây giờ lại dần mất đi như vậy? Đúng vậy, chúng thực sự đang mất đi, đúng như tên gọi của Lưu Chữ – The Lost Type Vietnam. Huy cảm thấy may mắn vì vẫn có nhiều người tham gia lưu giữ vẻ đẹp của những kiểu chữ một thời. Anh hy vọng nếu có thể, sẽ hệ thống lại, phân chia giai đoạn và so sánh giữa các vùng miền, rồi kể những câu chuyện hay ho để mọi người biết nhiều hơn, đọc và hiểu nhiều hơn, thậm chí là tái sinh những kiểu chữ này trong tương lai.

Văn Ngàn – Chợ Châu Đốc, An Giang

1. Cà phê 79 – Hoàng Diệu, Đà Nẵng 2. Nhà ảnh Nắng Vàng – Lương Văn Can, Hà Nội, năm 1957

Huy nói rằng, Lưu Chữ là một quá trình dài, anh không nghĩ mình sẽ theo mãi được. Sau này, khi đã thực hiện được một số dự định cho Lưu Chữ, anh hy vọng sẽ có người cảm thấy thích và thay anh gắn bó với công việc này. Còn anh, cứ để cho mọi thứ tùy duyên, anh sẽ cứ mãi là gã rong chơi trong thế giới của riêng mình.

1. Hiệu hớt tóc Phạm Ngọc Phúc – Hàng Bông – Quán Sứ, Hà Nội năm 1940 2. Nhà 1990 – Trung Lương, Tiền Giang 3. Radio – Hàng Bông, Hà Nội

Thực hiện: Đoàn Trúc

Ảnh: Nhân Huỳnh & NVCC