KTS Renzo Piano tình nguyện gieo hy vọng giữa thảm họa Ponte Morandi

Vào ngày 14/08/2018 tại Genoa, công trình cầu Ponte Morandi đã sụp đổ gây nên nhiều thiệt hại về người và tài sản. Rất nhanh chóng, KTS tài danh Renzo Piano đã tình nguyện đứng ra để khắc phục hậu quả bằng cách đề xuất một bản thiết kế cấu trúc mới với nhiều thông điệp và hy vọng nhằm thay thế công trình cũ vừa trải qua thảm họa.

KTS Renzo Piano  đã  chia sẻ rằng sẽ còn quá sớm để nói sâu về chi tiết của thiết kế mới này, nhưng cây cầu mới phải hiện diện ở đó như một đài tưởng niệm và là biểu tượng cho “khoảnh khắc đoàn kết và hợp tác tích cực.” Việc tình nguyện đứng ra để khắc phục hậu quả và xây dựng nên một tượng đại mới có thể xem là nghĩa cử vô cùng ý nghĩa, cao đẹp trong thời điểm cây cầu Ponte Morandi bị sụp đổ do thời tiết xấu.

KTS Renzo Piano 1

Chân dung KTS Renzo Piano – Người tình nguyện đứng ra để tạo nên một công trình mới thây thế cây cầu Ponte Morandi đã sụp đổ.

Cây cầu mang tín hiệu của
“Sự thật và lòng tự hào”

“Có một điều chắc chắn rằng công trình này phải đạt tiêu chuẩn về mặt thẩm mỹ – ở đây không chỉ là thẩm mỹ đơn thuần mà còn bao hàm cả thông điệp về sự thật và lòng tự hào.” KTS Renzo Piano chia sẻ thêm “Nơi đây là lối giao thông vào thành phố nhưng mọi người luôn cảm thấy có mối nguy hiểm kể từ sau tai nạn ấy. Chính vì thế mà công trình mới này không thể mang theo bất kỳ sự phô trương nào, điều đó sẽ làm mọi việc trở nên tệ hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải bắt đầu từ sự sụp đổ ấy và cố gắng khẳng định giá trị cũng như niềm tự hào – điều mà Genova hoàn toàn xứng đáng nhận được.”

KTS Renzo Piano 2

Hiện trạng cây cầu Ponte Morandi sau biến cổ xảy ra.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, tình trạng 12 tháng khẩn cấp đã được thiết lập trong toàn khu vực lận cận. KTS Renzo Piano cho biết rằng việc xây dựng lại cây cầu là một phần quan trọng trong tuyến đường cao tốc A10 của Italy, công trình vừa mang lại sự khôi phục về cơ sở hạ tầng vừa là một cột mốc về hy vọng cho thành phố – một nỗ lực tái tạo kết nối sau biến cố.

Nhìn nhận công việc
như một “nhiệm vụ” phải hoàn thành

KTS Renzo Piano đã có mặt tại cuộc họp ở Geneva khi ông hay tin về thảm họa và nhanh chóng đề nghị giúp đỡ chính phủ Italy. “Tôi đã nói rằng thật hạnh phúc khi được tham gia vào dự án vì đây là nhiệm vụ của tôi. Tôi cũng là một thượng nghị sĩ, chính vì vậy nên đó là một trong những nghĩa vụ khiến tôi phải ứng phó với thảm họa này theo một cách nào đó.”

Không chỉ riêng thảm họa sập cầu Ponte Morandi, vào năm 2016, KTS Renzo Piano cũng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực tái thiết một thị trấn tại Italy sau khi nơi này bị tàn phá bởi động đất 6.2 độ Richter.

Lại nói về công trình cầu Ponte Morandi, đây là cây cầu được kỹ sư Riccardo Morandi xây dựng từ năm 1974 trong thời kỳ bùng nổ xây dựng sau chiến tranh Châu Âu. Cây cầu được sử dụng vật liệu bê tông với các nhịp thấp tỉ lệ dùng để chịu lực nhằm tạo nên sự độc đáo thay vì dùng các loại dây cáp thép truyền thống.

KTS Renzo Piano 3

Công trình cầu Ponte Morandi tại thời điểm còn nguyên vẹn.

“Monrandi là một kỹ sư tuyệt vời, ông ấy đã làm những điều táo bạo, thông minh và rất dũng cảm nhưng tất nhiên lại rất mong manh.” KTS Piano bày tỏ quan điểm của mình “Mong manh ở đây là một khái niệm phải được hiểu quan điểm thẩm mỹ, đây không phải một lời chỉ trích.”

Chính phủ đổ lỗi cho nhà thầu

Hoạt động bảo trì thường xuyên là điều được yêu cầu để đảm bảo chất lượng công trình. Vị trí của cây cầu cũng nằm gần một nhà máy thép ở thị trấn cảng, đây là lý do khiến cây cầu phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và bầu không khí nhiễm mặn. Thế nhưng công việc tăng cường gia cố cho cầu Ponte Morandi lại bị bãi bỏ hoàn toàn do quá tốn kém và rắc rối.

Chính phủ mới của Italy đã đổ lỗi cho Autostrade per 1’Italia – Một công ty tư nhân có hợp đồng duy trì đường cao tốc của quốc gia ngay sau thảm họa sập cầu. Các bộ trưởng cố gắng thu hồi hợp đồng của chính phủ với công ty này và áp dụng mức phạt 136 triệu Bảng.

Công ty có trụ sở tại Milan này đã ngay lập tức tuyên bố họ tin rằng công trình vẫn được theo dõi và duy trì với “các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất” và hiện tại trong thời điểm này không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích đáng tin cậy nào về lý do sụp cầu. Thậm chí các công tố viên Italy đã đưa ra một cuộc điều tra hình sự về thảm họa.

Thực hiện: Đức Nguyên – Theo: Dezeen – Ảnh: Leo García Méndez.


Xem thêm:

Nhà thiết kế Fornasetti và biểu tượng thiết kế bất diệt | Từ điển ELLE Decoration

Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2018 vinh danh Balkrishna Doshi tài hoa