Nếu không có các mảng tranh tường cùng số phận khá bi đát khi bị các lớp vôi vữa che phủ mất, cung An Định có lẽ chẳng khác gì mấy với các kiến trúc Tây Âu ở khắp kinh thành Huế. Được xây dựng từ những năm 1917-1919, An Định được xem là cung điện nguy nga tráng lệ nhất vùng kinh đô Huế với lối trang trí ngoại thất bằng phù điêu đắp nổi, nội thất bằng các bức bích họa sơn dầu theo ảnh hưởng của mỹ thuật Pháp, phối cùng cảnh trí, hoa văn mang nét bản địa. Qua nhiều lần đổi chủ sở hữu trong hoàng tộc triều Nguyễn, đến 1957 cung An Định trở thành cư xá phục vụ cho chính quyền đương thời, và vẻ đẹp một thời ấy bị vùi trong lãng quên cho đến 2002, tòa kiến trúc được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Công tác khảo cứu phát hiện ra cả một kho tàng nghệ thuật trên các mảng tường nội thất trong cung. Một đề án bảo tồn và phục hồi các mảng tranh tường được thực hiện. Công đoạn bóc tách các lớp vôi vữa là phần việc gian nan nhất, các tình nguyện viên Việt Nam cùng chuyên gia phục chế tranh tường của Đức phải dùng dao y học mổ từng milimet vôi bám để lộ phần tranh nguyên bản, tiến hành làm sạch bề mặt, sao chép họa tiết, xác định chất liệu, màu sắc rồi mới tiến hành phục chế, khôi phục lại những đường nét đã khuyết đi. Mất hơn 6 năm để cung An Định được lột xác, trở nên nguy nga như hiện tại. Đây là công trình ghi dấu rõ nét nhất sự hòa trộn từ kiến trúc, trang trí, đến hội họa, điêu khắc giữa hai nền văn hóa Đông-Tây trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Sự bề thế của công trình nhờ lối trang trí đắp nổi kết nối liền mạch, tạo thành một tổng thể chặt chẽ, tôn lên nét đẹp quý phái trong từng chi tiết nhỏ.
Ảnh: HẢI ĐÔNG – Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH