Show diễn Prada xoá nhoà ranh giới nội thất – thời trang

Cảm hứng giữa Nội thất và Thời trang luôn song hành trong suốt lịch sử hình thành. Đã không ít các bộ sưu tập thời trang là cảm hứng cho bề mặt hoàn thiện của các mẫu bàn ghế hoặc form dáng nội thất cũng đã trở thành cơ sở sáng tạo cho cấu trúc tạo khối phục trang. Studio OMA/AMO và Nhà mode Prada đã phối hợp và cho cả hai cùng xuất hiện trên cùng một sàn trình diễn.

CẢM HỨNG NỘI THẤT RETRO 60S VÀ MOD FASHION

Trong Show Thu/ Đông 2017, Prada muốn gửi gắm thông điệp về vai trò của người phụ nữ trong xã hội nhấn mạnh “vai trò của họ trong việc hình thành xã hội hiện đại, sự tham gia vào chính trị và những thành tựu xã hội”. Đây không là lần đầu, OMA/AMO, studio nổi tiếng Quốc tế hợp tác với Nhà Mode của dòng thương hiệu xa xỉ bậc nhất tạo ra những sàn diễn hấp dẫn, nhưng là lần đầu tiên cảm hứng từ vật dụng nội thất gia đình quen thuộc trở thành giải pháp cho sàn diễn thời trang, đồng thời cho vị trí khán đài.

Cảm hứng nội thất Retro thập niên 60 được đưa vào tràn ngập sàn diễn, diễn đạt trực tiếp không gian quen thuộc của các bà nội trợ trong thời kì có nhiều biển chuyến về phong trào đấu tranh của chính họ trong thế kỉ trước. Đường dẫn của sàn diễn được phân chia bởi các tỷ lệ dân dụng vì thế đã tạo ra nhiều phân cảnh hạn chế tầm nhìn rộng cho khán giả nhưng đạt được không gian mật thiết. Các phân đoạn quanh co chủ yếu tạo bởi các vách ngăn gỗ nhẹ, trên đó tái dựng lại các vật liệu trong quá khứ với màu sắc và bề mặt phong phú.

Cảm xúc được vun đầy với sự xuất hiện của giường, băng ghế, chao đèn, … mỗi thứ đều được sắp đặt theo cặp, vừa đảm bảo đầy đủ cho chổ ngồi của khán giả, vừa xác định nhịp điệu cho tổng thể của không gian trình diễn. Với việc đưa ra giải pháp không gian nội thất, OMA/AMO đã xóa nhòa đường biên giới giữa sàn diễn và khán đài. Phong cách Retro cũng phát huy hết tác dụng của nó khi đồng nhất với cảm hứng chính cho bộ sưu tập lần này của Prada: Mod Fashion.

Mod Fashion là viết tắt của “Modern Fashion”, đề cập đến lối sống nhấn mạnh sự cách tân và những thứ mới mẻ những năm 60, tiêu biểu là Váy mini và Hippie. Thập kỷ này được đánh dấu bằng sự thay đổi trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ mạnh mẽ của văn hóa thanh thiếu niên – những người trẻ từ chối sự ràng buộc và tạo nên phong cách thời trang cho riêng mình.

Đồ họa cũng tham gia thiết lập bước hoàn thiện cuối cùng bên cạnh cặp đôi nội thất-thời trang với thông điệp trừu tượng từ hệ thống tranh poster với hầu hết là của Robert McGinnis – họa sĩ chuyên vẽ bìa với cảm hứng chính từ những hình mẫu phụ nữ năng động và sắc sảo. Hệ thống poster được cắt dắt trên các bức vách và tường bao quanh đại diện cho tiếng nói đấu tranh và thành tựu của họ đã được minh chứng trong nhiều thập kỉ. Đó là quá trình dài tranh đấu cho nhu cầu làm đẹp, cho thời trang lẫn nhu cầu về việc “xác định vai trò trung tâm phi vật thể của phụ nữ đương đại ở cả vị trí nội tâm hay là trong vai trò của mình trước cộng đồng” – Prada nhấn mạnh.

NHỮNG DỰ ÁN SONG HÀNH KHÁC

Trong tuần lễ thời trang Mercedes Benz 2015, một show diễn hoàn toàn khác biệt với sự kết hợp giữa những nhà thiết kế thời trang và Angel Shack – một thương hiệu sản xuất đồ nội thất văn phòng thông minh đến từ Nam Phi. Họ đã giành giải thưởng “Good Design award” của bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Chicago Athenaeum. Trong lần ra mắt dòng sản phẩm ghế nội thất văn phòng mới “POP chair” vào năm đó, với định hướng gắn liền với cơ thể con người – không gì thích hợp hơn khi chúng được trình diễn đầy tương tác và sinh động với dàn người mẫu của Show Buccleuch.

Bộ sưu tập ứng dụng Xuân/Hè 2017 của Thom Browne tại New York được trình diễn trong không gian tầng hầm với sàn diễn từ cảm hứng nhà tắm công cộng La Mã. Vị trí ghế ngồi của khách mời được gói ghém bằng khăn tắm mềm. Hệ thống gạch ốp lát dường như dự báo trước bảng màu của các mẫu thiết kế chính thức, dù trước đó chúng đã được che dấu hài hước trong những áo khoác rộng và mũ che đầu – một hình ảnh gợi nhớ trực tiếp đến trang phục phòng tắm thập niên 50s. Sau khi trút bỏ lớp che phủ bên ngoài, các mẫu thiết kế với pattern kẻ ô gạch, ruy-băng và phụ kiện tràn đầy màu sắc cảm hứng từ nghệ thuật in trompe-l’oeil xuất hiện tinh tế và hòa quyện hoàn toàn với không gian nội thất đã tạo ra trước đó.

Thom Browne Fashion Show, Ready to Wear Collection Spring Summer 2017 in New York

Bộ sưu tập Xuân/Hè 2013 của Louis Vuitton gây tiếng vang cho một sàn diễn tuyệt vời được sắp đặt trong khuôn viên của bảo tàng Louvre – Paris. Đây là sự kết hợp giữa Marc Jacobs và Daniel Buren – nghệ sĩ sắp đặt mà Jacobs vô cùng ngưỡng mộ. Sức hút của tác phẩm “Les Deux Plateaux” (tạm dịch: Hai miền cao nguyên) của nghệ sĩ ở khuôn viên cung điện Hoàng gia đã khiến nhà thiết kế gửi lời mời hợp tác đến ông. Tuy nhiên, điều mà Buren mang đến cho sàn diễn lại không phải là tác phẩm “Les Deux Plateaux” mà là cảm hứng cũ từ việc trang trí thang cuốn của ông cách đây 40 năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử Runway, sự xuất hiện của 4 thang cuốn đầy công phu với các sọc trắng và vàng acid, dưới nó là một sàn diễn vuông ô cờ đã làm khán giả choáng ngợp, tác phẩm của nghệ sĩ sắp đặt hoàn toàn liên kết và phản ánh cho phong cách kẻ ô huyền thoại của Louis Vuitton. Sự sánh đôi càng hiệu quả hơn với chủ đích trình diễn theo cặp của người mẫu với các set đồ cảm hứng song sinh. Đơn giản nhưng vô cùng mãnh liệt, cả hai nhà thiết kế đã cùng đưa tất cả trở về thập kỉ 60, một cách ý nhị với màn phối hợp vô cùng nhuần nguyễn của họ.


Những dự án song hành như vậy, quả thật là hiếm có.

 

Bài viết: Đức Tém