‘Planet or Plastic?’-một thế giới bị bóp nghẹt bởi rác thải nhựa

Ấn phẩm mới nhất từ hãng truyền thông khoa học National Geographic mang tên ‘Planet or Plastic’ không chỉ khiến người ta trầm trồ khen ngợi bởi ý tưởng ảnh bìa quá đỗi xuất sắc, mà còn bởi nội dung khiến ta phải bàng hoàng trước sự thật đau đớn: sự sống trên Trái Đất đang bị bóp nghẹt dưới hàng tấn rác thải nhựa của con người.

Image credits: National Geographic

Ấn phẩm ‘Planet or Plastic?’ là một phần của dự án môi trường mới nhất từ National Geographic. Quyển sách ảnh bao gồm nhiều tác phẩm ấn tượng về chủ đề môi trường, cùng tựa đề hỏi vấn gây trăn trở: liệu bạn sẽ chọn cứu lấy hành tinh này, hay vì tiện lợi mà lại tiếp tục sử dụng túi nilon?

Chùm ảnh được gửi về từ rất nhiều nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới, mở ra một hiện thực kinh hoàng: Trái Đất này đang thực sự bị nuốt chửng bởi rác thải nhựa; không chỉ có cuộc sống của những loại động vật đáng thương bị đe doạ, mà ngay cả đến chính con người chúng ta cũng đang dần bị chôn vùi trong sự tiêu dùng vô độ, lãng phí và thiếu cân nhắc của mình. Mời bạn hãy cùng ELLE Decoration tìm hiểu về ấn phẩm này để có cái nhìn hiện thực về tình trạng hành tinh chúng ta đang sinh sống. Và liệu bạn sẽ chọn gì: ‘Planet or Plastic?’

“Một chú cò bị mắc kẹt trong một chiếc túi nilon trên một bãi đất ở Tây Ban Nha. Ngay khi chụp xong hình ảnh này, nhiếp ảnh gia đã nhanh tay giải thoát cho chú. Một chiếc túi như trên có khả năng làm chết ngạt, mắc kẹt không chỉ một con vật mà còn hơn thế nữa. Và phải mất đến hàng trăm năm để những “sát thủ” này phân rã được hoàn toàn trong môi trường.”
Image credits: John Cancalosi/ National Geographic

“Chú rùa ngây ngô tội nghiệp bị mắc kẹt trong một tấm lưới đánh cá cũ mà người dân thả trôi ngoài khơi Địa Trung Hải, thuộc vùng biển Tây Ban Nha. Chú rùa này chỉ có thể vươn đầu lên khỏi mặt nước lấy không khí và có lẽ đã chết nếu không được giải thoát bởi nhiếp ảnh gia sau đó. Việc “thả lưới ma” thực hiện bởi những con tàu trôi dạt là mối nguy hại lớn đối với loài rùa biển.” Image credits: Jordi Chias/ National Geographic

“Những chai nhựa làm nghẽn dòng chảy của đài phun Cibeles ngay bên ngoài toà thị chính Madrid. Một bộ sưu tập nghệ thuật mang tên Luzinterruptus được chất đầy bởi những chai lọ thế này và hai đài phun khác ở Madrid cũng được chất đống với hơn 60,000 chai lọ rác thải như một cách để kêu gọi sự chú ý về các tác hại của chai nhựa bỏ đi đến môi trường.” Image credits: Randy Olson/ National Geographic

“Để có lực tiến về phía trước, loài hải mã sẽ quấn đuôi mình vào những cọng cọ biển phiêu dạt hoặc các mảnh vụn tự nhiên khác. Trong làn nước ô nhiễm ngoài khơi đảo Sumbawa, Indonesia chú ngựa biển này đành phải bám vào một chiếc tăm bông nhựa”-“một bức ảnh tôi ước đã không bao giờ tồn tại,”- nhiếp ảnh gia Justin Hofman chia sẻ. Image credits: Justin Hofman/ National Geographic

“Dưới một cây cầu trên nhánh sông Buriganga ở Bangladesh, một gia đình đang bóc nhãn bao bì của những chai nhựa, phân loại chai màu xanh và chai trong suốt để bán cho những người thu mua ve chai. Những người thu lượm rác thải ở đây có thu nhập trung bình khoảng $100/ tháng.” Image credits: Randy Olson / National Geographic

“Thị trường lớn nhất của nhựa hiện nay chính là ngành công nghiệp bao bì. Số rác thải ra hiện đã lên đến gần phân nửa số lượng chất thải toàn cầu-hầu hết trong số chúng không bao giờ được tái chế hoặc đem đi thiêu huỷ.”  Image credits: Jayed Hasen/ National Geographic

“Mỗi phút trên thế giới có gần nửa triệu chai nhựa đựng đồ uống được bán ra.” Image credits: David Higgins/ National Geographic

“Viễn cảnh đến năm 2050, mọi loại chim biển trên hành tinh này đều sẽ ăn phải nhựa.” Image credits: PRAVEEN BALASUBRAMANIAN/NATIONAL GEOGRAPHIC

“ Sau khi túi nhựa trong được rửa sạch ở sông Buriganga ở Dhaka, Bangladesh, Noorjahan sẽ tãi chúng ra, trở mặt liên tục cho khô -trong khi vẫn đang quan sát con của mình, Momo. Các túi nhựa sau đó sẽ được bán cho người tái chế. Ít hơn một phần năm số nhựa thải ra được tái chế trên toàn cầu.” Image credits: Randy Olson/ National Geographic

“ Những miếng vụn nhựa màu sắc sẽ được thu gom, rửa sạch và phân loại bằng tay sau đó phơi khô trên bờ sông Buriganga. Khoảng 120,000 người làm việc trong ngành công nghiệp tái chế không chính thức này quanh Dhaka, nơi 18 triệu dân sinh sống thải ra đến 11,000 tấn rác mỗi ngày.” Image credits: Randy Olson/ National Geographic

Để có thêm thông tin chi tiết về chương trình này, bạn có thể tìm hiểu thêm tại trang chủ của National Geographic.

 

Tổng hợp: Phương Nguyễn theo National Geographic