Balcony của phố

Ngôi nhà có những lối vào khác nhau, người ta “bước” vào qua cửa cái, nhưng lại có thể “đi” vào qua cửa sổ, như đi vào hồn người qua ánh mắt vậy.

Có một loại “cửa sổ” đặc biệt, cánh cửa xuống sát sàn nhà mở ra ban công, là mở ra một không gian “nối tiếp” của ngôi nhà với bên ngoài. Không gian ấy là của bên trong ngôi nhà, cũng vừa là của không gian bên ngoài, của phố.

Một phần đời của những người sống trong ngôi nhà được diễn ra ở đấy. Cái phần đời nho nhỏ ấy rất hay, nhiều thú vị, thường là vào những lúc nó “thoát” ra khỏi đời sống thường nhật, chật chội để ra với cái gì bao la, bay bổng hơn. Nó là một “đời sống tinh thần”, nhiều ngẫu hứng!

Từ ban công ngôi nhà phố Nguyễn Chế Nghĩa (ảnh Tạ Mỹ Dương)

Phố Nguyễn Siêu và Ngõ Hội Vũ.

Ngõ Phan Chu Trinh và phố Thuốc Bắc.

Người ta ra đây để gần nắng, để hóng gió, để nhìn dòng đời bên ngoài đang chảy, và cũng là nơi họ có niềm đam mê “trang điểm” nhất cho ngôi nhà của mình, thỏa mãn cảm giác và sở trường cá nhân. Vì vậy, cái ban công, nơi có những kiểu cách muôn hình vạn trạng gì đi nữa thì dấu ấn cá nhân cũng khá rõ.

Một giàn hoa giấy, một chậu cảnh trên cái đôn sành hay những lẵng phong lan lơ lửng trên dàn “pergola” sẽ làm “bận bịu” khá nhiều cho một ông chủ nhà mỗi sáng mỗi chiều lụi hụi múc từng gáo nước trong cái vại sành nho nhỏ tưới cho từng gốc cây nhánh lá, xong rồi chậm rãi kê cái bàn nhỏ với phin cà phê hay một bình trà độc ẩm ngồi nhả khói. Trong cái ngổn ngang lô xô phố cũ, từ một ô cửa nhỏ trong phòng khách sạn nhìn qua, vị khách du lịch phương xa chẳng những được ngắm cái màu rong rêu xưa cũ, cái vẻ ưu tư trầm lặng nhà cửa mà còn được thấy một phần đời sống ấy, qua con người kia, nhất là ở một đôi chỗ trong ô phố cũ có những ban công hơi rộng, nơi người ta có thể “quá đà” đưa ra ngoài cả một phần sinh hoạt bếp núc, phơi phóng…

Có những thứ nhờ vẻ xưa cũ mà thành giá trị, và dường như nó càng quý hơn khi giá trị “còn sót lại”, ít ỏi, nhất là khi nó thành “độc bản” và mang dấu ấn nào đó, dù dấu ấn chỉ là chuyện cá nhân.

Cái cây ngoài ban công đẹp cho một khuôn hình, nhưng với một người thì đấy là tuổi thơ, là những năm tháng có chuyển mùa, trong đó ghi nhận và lưu giữ những khoảng thời gian trong lòng cứ thấy cái gì “cựa quậy”. Những bí mật không ai biết.

Có sự ngăn nắp đẹp, nhưng có sự bộn bề cũng đẹp. Và tất nhiên, có thể nó chỉ đẹp trong sự cảm nhận của một người, cái người quen bày ra, và sống với nó, nhưng đồng thời cũng được nó chiều chuộng, ve vuốt lại. Bởi vì chính sự ngổn ngang, bộn bề ấy được đẻ ra từ một nếp thân quen, là hình ảnh có tính lưu truyền, và cũng là một cốt cách.

Cái ban công còn là của phố. Nó không chỉ làm đẹp (hay xấu) cho một ngôi nhà, nó còn là một thành phần của kiến trúc, cảnh quan đường phố. Nó là chỗ để người ngoài “đi” vào ngôi nhà, cảm nhận về nó qua ánh đèn hắt ra qua khung cửa, qua tiếng đàn piano như từng giọt mật rót vào tai, thấu vào tim kẻ dưới đường.

Phố Phùng Khắc Khoan.

Phố Trương Hán Siêu.

Những cái ban công cũ, những ngôi nhà Pháp cổ, đã một thời cao quý rất xa, một thời lam lũ cũng gần, đã đi qua năm tháng, những đời chủ, đời người, đã biến dạng, những cái ban công bị xây bít, vẩy mái, hay ở khía cạnh khác bị “trọc phú” đi, làm sao để nó được hồi sinh?

Những nơi như thế thực ra rất giản dị, chỉ cần nhấc bớt, lược đi những gì che lấp là hiện ngay ra bộ mặt nguyên bản. Nhưng xử lý khuôn mặt đó thế nào cũng cần một cái nhìn tinh, đôi khi không dễ.

Bài: TẠ MỸ DƯƠNG – Ảnh: BẠN KHÁNH