ELLE Decoration đồng hành cùng giải thưởng ASHUI Awards 2018

Lần đầu tiên, ELLE Decoration đồng hành cùng hệ thống giải thưởng thường niên của ngành Xây dựng tại Việt Nam – Ashui Awards. Danh sách đề cử chính thức cho 9 danh hiệu của năm 2018 tại các hạng mục: Kiến trúc sư, Công trình, Nhà thầu, Chủ đầu tư, Hãng Kỹ thuật, Dự án Tương lai, Xây dựng Xanh, Nhà ở, Nội thất vừa được công bố.

Giai đoạn bình chọn ASHUI Awards bắt đầu từ ngày 01/12 đến 0 giờ ngày 31/12 tại website http://ashui.com/awards. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào ngày cuối cùng của năm 31/12/2018. Cùng ELLE Decoration ngắm nghía 10 đề cử cho danh hiệu “Nội thất của Năm” dưới đây:

 

43 Factory Coffee Roaster / thiết kế: 85 Design

Quán cafe ở Đà Nẵng này được thiết kế hoàn toàn là không gian mở, sử dụng nhiều kính để khách hàng thấy được toàn bộ quy trình làm ra 1 tách cafe – ‘’ Bean to Cup’’. Ở giữa tòa nhà có 1 cây xanh lớn thể hiện khát vọng của những người trẻ muốn phát triển ngành công nghiệp cafe. Quầy bar được bố trí xung quanh khu vực này với mục đích show cho khách hàng toàn bộ kỹ thuật pha chế. Tầng hai cũng có một không gian riêng để giảng dạy và đào tạo cho những khách hàng muốn học hỏi và yêu thích cà phê. Khu vực ngoài nhà có một mặt nước rất lớn, được sử dụng để giảm nhiệt cho toàn bộ tòa nhà, tạo cảm giác mát mẻ và thoải mái cho khách hàng. Ngoài ra, các kiến trúc sư thiết kế một hệ thống cầu nối để kết nối các khu vực ngồi ở hồ và kết nối với các không gian khác trong tòa nhà theo cách càng đơn giản càng tốt.

 

 

Căn hộ 2606 / thiết kế: atelier 12

Trong bối cảnh phát triển bùng nổ các khu đô thị mới để đáp ứng về nhu cầu nhà ở cho lượng dân cư ngày một đông đúc tại các thành phố ở Việt Nam. Nằm trên tầng 26 của toà nhà thuộc dự án phát triển mở rộng về phía Tây Nam, căn hộ 150m2 là nơi ở của một gia đình hiện đại điển hình tại Hà Nội. Dự án là một thử nghiệm về việc cố gắng làm một căn hộ chung cư trở nên không buồn tẻ và khuôn mẫu, mang thật nhiều không gian mở vào bên trong một căn hộ khép kín. Trả lời câu hỏi bạn có thể sinh hoạt như thế nào trong một mặt phẳng nằm ngang? Chủ nhà là một cặp vợ chồng doanh nhân, người chồng yêu âm nhạc và người vợ thích những không gian tràn ngập ánh sáng, họ đãcó một không gian sống nơi mà âm nhạc và ánh sáng tự nhiên có thể hoa vào nhau và lan toả đến từng góc nhỏ.

 

EuroStyle Design Center Showroom / thiết kế: EuroStyle

Công trình 77 Nguyễn Thái Học đã được cải tạo thành một showroom trưng bày nội thất cao cấp Châu Âu. Đây là một công trình có kiến trúc cổ điển đặc trưng của thuộc địa Pháp với kết cấu tường dày chịu lực cùng các hàng cột vững chãi, trần nhà cao thông thoáng, khung cửa mái vòng rộng. Vì vậy yêu cầu được đặt ra là làm sao chuyển hoá một công trình kiến trúc đặc sắc thành một không gian trưng bày nội thất hiện đại mà không mất đi nét di sản của toà nhà. Qua quá trình nghiên cứu, đội ngũ thiết kế của EuroStyle đã quyết định giữ lại hết các kết cấu hiện trạng, qua đó cho phép các không gian bên trong mở ra và sắp xếp lại cho phù hợp với mục đích sử dụng. Cùng với đó phía bên ngoài toà nhà với mặt tiền thoáng, được cố tình bao phủ một lớp vỏ thép Aluminum dập cong tạo hình nhằm cung cấp ánh sáng tự nhiên và tạo vẻ ngoài ấn tượng về thị giác.

 

 

Nhà hàng Hachijuu Hachi / thiết kế: Văn phòng 03-Việt Nam

Dự án là nhà hàng 4 tầng với phong cách nấu ăn Nhật Bản ở Hà Nội. Một trong các đặc trưng nhất của phong cách nấu ăn Nhật Bản là các đĩa thức ăn đơn giản được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên và hữu cơ. Thiết kế nội thất ở dự án này cũng đơn giản như thế. Kiến trúc sư đã cố gắng thiết kế từ các vật liệu tự nhiên và hữu cơ. Vật liệu chính được nhắm đến là các vật liệu tái chế, gỗ và đất tự nhiên và giấy để làm cho thiết kế trở nên lấp lánh. Cầu thang ở chính giữa ngôi nhà được làm từ gỗ tự nhiên và kết cấu đỡ của nó cũng vậy. Tất cả các ghế ngồi của khách hàng sẽ bao quanh cầu thang này và mọi người có thể cảm nhận được hơi ấm của gỗ nơi cầu thang. Đây cũng chính là biểu tượng của nhà hàng. Mặt tiền liên tưởng đến những sọc truyền thống của Nhật Bản và đèn được thiết kế với sọc trắng nổi trên tường phía ngoài.

 

 

Nhà hàng Hải Sản Phố / thiết kế: Hexagon

Với mong muốn mang đến sự kết hợp giữa biển, thiên nhiên trong đất liền, ý tưởng thiết kế ban đầu của mặt tiền nhà hàng ở bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng sẽ là rặng san hô giữa những rặng cây xanh, đem lại cảm giác dễ chịu và thoải mái cho mọi người. Thiết kế nhà hàng ấn tượng được ghép từ hàng ngàn thanh nhôm phủ sơn màu vàng nhạt, xen kẽ với các chậu cây xanh. Sự vững chắc của chất liệu nhôm phủ sơn chống được sự bào mòn, axit của gió và nước biển nhưng không kém phần thanh thoát và thú vị. Hệ thống đèn được kéo mắc chi tiết, cầu kỳ, đảm bảo sự lung linh thi vị về đêm, hài hoà với sắc xanh của biển và mây trời.

 

 

 

ID hub / thiết kế: DFC Vietnam

ID hub được lựa chọn trên tầng 3 của một tòa nhà cũ được xây dựng từ những năm 1970 ở phố Lò Đúc, Hà Nội và hiện trạng bàn giao gần như chỉ khai thác dưới dạng cho thuê giá rẻ và dành cho các văn phòng nhỏ lẻ và ko có điều kiện tài chính. Nhưng với ý tưởng cải tạo táo bạo cùng với đội ngũ tư vấn giám sát thi công chuyên nghiệp thì chỉ với không quá 2 triệu VNĐ/m2, toàn bộ gần 700 m2 sàn tầng 3 tưởng chừng như không khai thác được đã chuyển mình thành một khu văn phòng chia sẻ đầy ấn tượng, với phong cách xanh, hòa quyện cùng thiên nhiên và tiết kiệm tối đa năng lượng sử dụng khi vận hành.

 

Mây / thiết kế: Creative Architects

Với yêu cầu của gia chủ, đây không còn là một ngôi nhà bình thường trên tầng 2 chung cư Green Valley, Q.7, TP HCM với các phòng ngủ và khách – bếp – ăn, mà đã trở thành một không gian giúp tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc vất vả. Mây là hình ảnh một yếu tố tự nhiên được lồng vào trong công trình làm công trình trở nên mềm mại hơn. Chính sự uyển chuyển bất quy tắc của hệ trần như những đám mây này đã góp phần xóa nhòa đi sự khô cứng của của một căn hộ chung cư. Nhờ vậy từ căn hộ chung cư với những phòng ốc bình thường đã tạo ra được một không gian sống đa năng được vận hành linh động nằm bên dưới một đám mây nhẹ nhàng.

 

 

ONETEL Panorama / thiết kế: ONESTUDIO

Khu chung cư tại 35 Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, TP.HCM ra đời từ năm 1964, đã chứng kiến Sài Gòn bao đổi thay. Ý tưởng “cấy” vào đây những “Chiếc hộp ở” là các phòng chất lượng tốt cho khách du lịch thuê để tạo ra mô hình hostel độc đáo: hostel trong lòng chung cư cũ. ONETEL Panorama khiến bộ mặt chung cư dân thay đổi, mảng xanh dần dần lan rộng ra toàn bộ mặt đứng và len lỏi trong các không gian làm sống dậy những không gian chung từng bị bỏ quên. Hoạt động như một cơ sở lưu trú với khách hàng chủ yếu là người trẻ năng động giúp đem lại một nguồn năng lượng mới cho toàn thể chung cư… Một dự án đơn giản nhưng chứa đựng câu chuyện ý nghĩa về Kiến trúc – Con người – Môi trường sống.

 

 

Nhà hàng Pizza 4P’s Phan Kế Bính / thiết kế: Takashi Niwa Architects

Mặc dù công trình có vị trí ở khu trung tâm Hà Nội, nhưng mặt tiền khu đất lại có rất nhiều cây xanh, đủ diện tích để tạo ra khoảng vườn xanh cho công trình. Nhà hàng đã được thiết kế tạo ra không gian ý nghĩa và quý giá cho thực khách, sau những nghiên cứu kỹ lưỡng về yếu tố hòa hợp văn hóa của người Việt và phương châm của chủ đầu tư cũng như địa điểm rất có giá trị về mặt cây xanh. Việt Nam rất giàu có và phong phú về văn hóa và các loại vật liệu địa phương. Chính vì vậy những vật liệu địa phương như hoa sắt, gạch nung, gạch bông hay bê tông sàn với họa tiết hoa đồng đã được sử dụng để tạo nên không gian văn hóa địa phương đa dạng ở công trình.

 

 

SMA254 / thiết kế: SMA Studio

SMA254 trên một khu đất với diện tích chỉ 10m2 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) là dấu tích còn lại sau quá trình phát triển quá nhanh của Hà Nội. Ba bên là nhà hàng xóm đã xây dựng, mặt tiền hẹp nhìn ra ngõ 1m. Gặp đủ bất lợi khi diện tích mặt bằng nhỏ với kích thước 2,5x4m. Các không gian linh hoạt liên hệ với nhau từ tất cả các tầng sàn đến mái. Giữa các lớp không gian có thêm các sàn gió, sàn kính tăng tính liên hệ và thông thoáng cho công trình. Vì vậy năng lượng của nhà được sử dụng rất tiết kiệm nhờ chiếu sáng và thông gió tự nhiên. Phần mặt tiền là các hệ cửa sổ kết hợp các lan can có thể mở thoáng 70% biến không gian trong nhà thành không gian mở để liên hệ tối đa với môi trường bên ngoài khi thời tiết đẹp. Do những người làm việc trong nhà đều trẻ nên kiến trúc sư sử dụng thang sắt (Ladder) vừa tiết kiệm diện tích, vừa tăng cường hoạt động thể chất.

 

(Theo Ashui Awards)