Về lại phố xưa

Dù đang sở hữu những căn biệt thự penthouse hay nhà vườn hiện đại tại Việt Nam, Singapore, Bồ Đào Nha…, gia đình vẫn quyết định mua căn nhà cổ hai tầng duyên dáng ở khu phố cổ Hội An này để có một nơi đoàn viên mỗi năm, giữ lại hương xưa của quá khứ. Không ngờ, chính tại đây, họ lại tìm ra câu trả lời về cách tạo ra một mái nhà thực sự!

Dù đã có vô số kinh nghiệm Đông, Tây trong việc cải tạo, trang trí nhà cửa, gia chủ vẫn cảm thấy choáng ngợp và loay hoay khi đứng trước vẻ đẹp xưa cũ của ngôi nhà cổ này. “Đã từng sống ở những không gian khác nhau như chung cư, villa…, chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi: Điều gì làm nên một mái nhà đúng nghĩa? Đó có phải là những đồ nội thất hoàn hảo như chúng ta vẫn nhìn thấy trên các tạp chí hay quảng cáo? Và điều gì sẽ giúp chúng tôi tạo ra được một không gian của chính mình? Sau rất nhiều suy nghĩ, ngờ đâu, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời trong chính ngôi nhà cổ này”.

Toàn bộ kết cấu gỗ trong căn nhà cổ điển hình của Hội An.

Cây cối được bảo lưu cẩn trọng.

Đời sống ngày càng hiện đại, những tiện nghi thừa mứa sẵn có khiến nhiều người quên đi việc tận dụng những giác quan như trực giác, khứu giác, vị giác… để giúp chúng ta sống chậm lại, cảm nhận tốt hơn, trân trọng sự có mặt của ta trong cuộc sống này hơn. Từ dòng suy nghĩ này, gia chủ đã tìm ra cách xử lý trang trí không gian của ngôi nhà. Họ quyết định giữ lại toàn bộ hồn phách của nó và chỉ đưa vào không gian này những gì cơ bản nhất để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Những đồ vật trang trí không trở thành điểm nhấn, mà im lìm hòa mình vào những gì đã và đang hiện hữu.

Bước qua cửa, không gian tiếp khách được lấy ánh sáng thiên nhiên từ giếng trời.

“Muốn thuận theo tự nhiên và không gò ép, chúng tôi phải tìm ra được những sợi dây vô hình, kết nối từng giác quan của mình với mỗi khu vực trong ngôi nhà. Chúng tôi đã ở lại đây, thả lỏng bản thân, mở lòng ra để lắng nghe từng chuyển động của cuộc sống trong ngôi nhà, và lắng nghe tiếng nói bên trong thôi thúc của bản thân mình”.

Nhờ tư duy và triết lý rất riêng như vậy của chủ nhà, không gian cổ xưa này bỗng trở nên khác biệt với thần thái nhẹ bẫng, toát ra từ những chi tiết dung dị ẩn chứa nhiều cảm nhận tinh tế mà không cần đến bất kỳ đồ vật trang trí xa hoa nào khác.

Không gian sinh hoạt chính của ngôi nhà. Đồ nội thất và decor không được phép nổi bật, mà hiện diện khiêm nhường vừa đủ trong căn nhà.

Vách ngăn không gian phòng khách là chiếc bình phong đã có tuổi.

Những vật dụng tiện nghi được tiết chế, giúp cho các thành viên trong gia đình sống chậm hơn, cảm nhận rõ sự hiện hữu của chủ nhân trong cuộc sống lúc này, bây giờ.

“Quả thực, mọi thứ cứ đến với chúng tôi rất tự nhiên. Một chiếc ghế ở trong vườn sau nhà để ngồi nghỉ chân, bình hoa ở chỗ này, một tấm thảm ở chỗ khác… Chúng tôi học cách cảm nhận tất cả bằng việc đi chân trần trên sàn đá lạnh, trên cầu thang gỗ ấm áp, chạm tay vào những cột nhà vững chãi, mở tung cửa sổ để hít tràn phổi hơi lạnh của những cơn mưa; đôi khi mắt nhòa đi vì mù sương; tâm hồn tĩnh lại sau cơn bão khi những tán cây xanh mướt vẫn hiển hiện ngay trước mắt”.

Thiết kế ánh sáng trong ngôi nhà cũng tuân theo triết lý “thuận tự nhiên” này của gia chủ: Ánh sáng được chọn lọc tinh tế vừa đủ để phục vụ cho những sinh hoạt cần thiết nhất. Có những nơi ánh sáng mang tính công năng cao như phòng ngủ, góc đọc sách, bàn tiếp khách.

Có những nơi ánh sáng để tạo không gian, tạo xúc cảm. “Chúng tôi quan niệm rằng bóng tối cũng quan trọng như ánh sáng, và ánh sáng tự nhiên cũng cần thiết như ánh sáng nhân tạo. Những khoảng tối là để dành cho suy tưởng, cho những suy ngẫm thâm trầm. Còn khoảng sáng tự nhiên giúp ta kết nối với đất trời”.

Một góc lầu mở ra thiên nhiên, sáng tối liền kề. Bởi gia chủ là người biết bóng tối cẩn thiết và quan trọng như ánh sáng.

Một khoảnh sân trước vừa đủ để cảm nhận đất và trời, thông qua cỏ cây và ánh sáng.

Chính tại ngôi nhà này, cả gia đình họ đã tìm thấy nhiều điều bị bỏ lại trong cuộc sống hiện đại ở thành phố. Họ được sống trong những cảm xúc ngây thơ, chân thật từ những đêm Đông trốn trong chăn ấm thời thơ bé; qua khung cửa sổ, họ cảm nhận những cơn gió se lạnh đầu tiên của mùa đang về… Họ hạnh phúc vì nhận ra được một điều thật đơn giản rằng chỉ khi những giác quan được đánh thức, cuộc sống mới thực sự bắt đầu!

Thực hiện: TƯỜNG LAM – Hình ảnh: NGÔ NHẬT HOÀNG