Trước khi chuyển đến Việt Nam, ông Giorgio Aliberti đã có 4 năm làm việc trong nhiệm kỳ tại Myanmar. Điều này giải thích cho sự xuất hiện của khá nhiều hoa văn, họa tiết và đồ trang trí mang không khí văn hóa của vùng đất này mà vợ chồng ông chọn trưng bày trong nhà mình. Căn biệt thự ở khu vực Tây Hồ có diện tích đủ rộng rãi để họ có thể tiếp đãi những buổi tiệc tối long trọng theo đúng quy cách của công việc, cũng vừa có không gian để Francesca thể hiện sự tinh thông và khả năng sắp đặt, lồng ghép BST nghệ thuật của gia đình cùng với những thiết kế nội thất rất bay bổng, phá cách của cô.
Là một nhà báo, Francesca quan tâm sâu sắc đến vẻ đẹp và dấu ấn văn hóa của những đất mà cô đi qua. Với đặc thù cuộc sống di chuyển nhiều của cả gia đình, cô xem mỗi lần dọn đến một đất nước mới là dịp để thực hiện dự án trang trí nhà cửa vốn là niềm đam mê cũng như tài năng riêng, tinh thông của mình. Trong không gian sống của gia đình, gam màu be, trắng làm nền tôn lên độ chi tiết của những điểm nhấn tươi tắn của vải vóc, chất liệu, các bức tranh và đồ trang trí để thay họ kể về những vùng đất đã trải qua.
Ấn tượng về thẩm mỹ đặc sắc và sự quán xuyến của người phụ nữ được hiển hiện rõ ở mọi nơi trong căn nhà, và trở thành một dấu ấn riêng đối với khách đến chơi. Xuyên suốt hai tầng lầu của căn nhà, người ta hầu như có thể hình dung được sự cặm cụi bày biện từng góc nhỏ với tất cả niềm vui thú và sự tinh thông của một người làm nghệ thuật – văn hóa lão luyện. Ở những góc đặc sắc nhất của căn biệt thự sẽ luôn là hoa trái đặc trưng của từng mùa tại Hà Nội, đặt cạnh những tác phẩm nghệ thuật từ các họa sĩ đương đại nổi tiếng tại Việt Nam. Sự am hiểu cũng như say mê của gia chủ đối với văn hóa, nghệ thuật là chất xúc tác tạo nên mạch dẫn chuyện trọn vẹn, đầy đủ điểm nhấn và trải nghiệm thị giác trong một không gian vừa mang tính cá nhân, vừa cởi mở thân thiện để chào đón mọi người.
Bài: Thùy Dương | Hình ảnh: Lê Lai
Xem thêm:
Trần Việt Anh (Steve Trần) & những trải nghiệm kỳ thú khắp năm châu