Giữ bước thời gian trong không gian nhà cổ giữa Sài Gòn

Sau gần một thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu đổi thay, ngôi nhà được xây từ năm 1926 vẫn êm đềm đứng đó, là mái ấm cho những người con Việt Nam sau bao năm đi xa trở lại quê nhà.

Năm 1990, một người phụ nữ từ Pháp trở về, mang theo mong muốn khởi dựng một cửa hàng nội thất, may thêu, đã quyết định mua lại ngôi nhà Pháp cổ tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Bà đã cải tạo nơi đây, biến ngôi nhà đã xuống cấp và sơ sài thành một cơ ngơi hoàn hảo cho những ai vẫn nặng lòng với thế giới Sài Gòn xưa. Từng món nội thất đều đã đi qua cả thế kỉ, và dù chúng được đưa về từ những nơi khác, chúng đã hợp chung với cả ngôi nhà để tạo thành thế giới của những câu chuyện.Và giờ, con gái bà cũng đưa cả gia đình từ Pháp về đây, để những đứa con của mình được sống và thở trong bầu không khí văn hóa Việt. Ngôi nhà là nơi lưu giữ những kỷ vật của cả gia đình, những chiếc bàn ghế từ một ngôi nhà xưa khác được đưa qua đây, hòa chung cùng không khí trầm lắng khi xưa. Đến cả những bó sen đã khô cũng trở thành một phần níu lại thời gian của ngôi nhà, như nhắc nhở về một thời đã qua. Đặc biệt là nếu ai đã quen biết với chủ nhân, đều biết rằng những bức tranh đang treo trên tường là của họa sĩ Duy Liêm, một trong những họa sĩ theo phong cách Lập thể của Sài Gòn xưa. Người họa sĩ tài hoa chính là phụ thân của chủ nhân ngôi nhà, đã truyền lại cho bà gu thẩm mỹ tinh tế, để bà một mình sắp xếp nên một không gian cổ kính, tinh tế như vậy.

Ngôi nhà giữ nguyên phong cách Đông Dương xưa với cửa gỗ sơn xanh, sàn gạch vẽ tay, những cột chống nhà cũng như các bức tranh từ những năm 1940.

Trong nhà có rất ít sản phẩm hiện đại, và chủ nhân cũng chia sẻ rằng: tiện nghi được giảm thiểu để giữ lại không khí ban sơ cho ngôi nhà.

Bộ sưu tập gốm hiếm có được chủ nhân chăm chút gìn giữ hàng chục năm nay.

Là một biệt thự gần trăm năm tuổi, ngôi nhà liên tục cần bảo trì, tu sửa, nhưng không vì thế mà chủ nhân muốn thay đổi, rời bỏ nó. Tất cả những đồ nội thất vải đều do chính xưởng may thêu của chủ nhân làm ra, nếu để ý một chút, khách tới chơi sẽ nhận ra những món nội thất nói lên hai mặt tính cách của bà. Những chiếc gối tựa, khăn trải màu trắng thêu họa tiết hoa nhỏ cho thấy một người phụ nữ dịu dàng, cổ điển. Cùng lúc đó, màu sắc của những tấm khăn phủ lại vô cùng mạnh mẽ, như lời con gái bà khẳng định: Phụ nữ trong nhà luôn là những người cá tính mạnh như thế đấy.

Cửa sổ mở ra ánh sáng dìu dịu nơi hành lang, mang đến một không gian đầy hoài niệm.

Màu đỏ tía của tấm khăn phủ trở thành điểm nhấn trong căn phòng toàn gỗ nâu, như lời tuyên bố về tinh thần không ngại thử nghiệm cái Mới.

Màu sơn cửa và những họa tiết vẽ phía trên được làm mới, nhưng giữ nguyên tinh thần của ngôi nhà cách đây gần trăm năm.

Ngôi nhà nằm giữa một vườn cây um tùm, được phát triển tự nhiên, tạo nên một khung cảnh như trong tiểu thuyết.

Khi trong nhà có sự xuất hiện của trẻ con, chủ nhân đã cho xây một bể bơi, nhưng không làm hỏng đi cảnh quan của toàn cơ ngơi.

Bài: PHƯƠNG THỦY – Hình ảnh: NGÔ NHẬT HOÀNG