Căn hộ nhỏ và mối tình lớn với nghệ thuật

Độc bình Giang Tây mới đặt trên đôn gốm Biên Hòa xưa, bộ tranh sơn mài truyền thống kết giao với bộ ghế salon hiện đại, những gam màu sáng – tối, những giản đơn trong đường nét nội thất, đến những long lanh – trầm mặc từ BST gốm sứ cổ, bộ sách xưa… Tất cả hòa quyện, tôn nhau lên để hình thành một chốn đi – về đầy chất “nghệ” của anh Phạm Quang Ngọc.

Tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe gia chủ tiết lộ nghề nghiệp chính của mình là một chuyên gia nghiên cứu kinh tế, bởi ngay từ khi bước vào tổ ấm ấy, cảm giác như đang chìm trong một không gian nghệ thuật đa sắc với suy đoán chủ nhân hẳn phải là một nhà sưu tầm chữ – tranh – sành – kiểng, hay nhà nghiên cứu văn hóa, hoặc một nghệ sĩ đương đại.

Chủ nhân Phạm Quang Ngọc và tác phẩm “Trong một buổi chiều” của họa sĩ Lý Hùng Anh.

Sự “lạc hướng” ấy đến từ các mảng miếng, điểm nhấn kiến trúc, lối bố cục phân cách không gian được thể hiện xuyên suốt từng không gian sống của ngôi nhà mà trên đó được nhấn nhá bởi nhiều chi tiết trang trí sử dụng nghệ phẩm (tranh, đồ mỹ nghệ, sách xưa, đồ cổ, bàn ghế, đôn chậu, độc bình) có tính duy mỹ cao.

Một góc phòng khách với sự cân đối trong bài trí giữa nhóm tranh sơn mài của họa sĩ Phi-Phi Oanh và họa sĩ Vũ Đức Trung với bộ sofa có thiết kế hiện đại của BoConcept.

Là căn hộ chung cư với diện tích 148m2 trong khu đô thị Royal City, vốn dĩ bị giới hạn bởi thiết kế sẵn có, việc tôn tạo thành không gian mới liên thông, không mang cảm giác chia cắt, độ mở tối đa tận dụng nguồn sáng tự nhiên, thiết kế tối giản, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, sinh hoạt, nhưng đồng thời cũng là một không gian nghệ thuật không quá nặng về hiện đại hay truyền thống, mà phải đạt hài hòa mực thước, tiết chế trong mọi mảng trưng bày, những yêu cầu đầy khắt khe ấy của chủ nhân được KTS Vũ Hoàng Sơn – Vũ Hoàng Hà giải quyết hợp lý và sáng tạo.

Để đưa nguồn sáng tự nhiên vào mọi không gian sống của ngôi nhà, một kệ sách tạo mảng ngăn cách giữa căn phòng không cửa sổ với phòng khách không những giúp thể hiện niềm đam mê sưu tập sách cổ của chủ nhân mà còn là lối xử lý ánh sáng và không gian tinh tế.

Góc bàn ăn và bếp của cả gia đình với thiết kế hiện đại và tiện dụng.

Không khó để cảm rõ “mối tình với cái đẹp” của chủ nhân hiện diện trong mọi không gian trang trí của ngôi nhà, từ phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách… đều là những vần điệu của sơn mài, tả thực, siêu thực, tĩnh vật, trừu tượng trong các tác phẩm hội họa của Hà Mạnh Thắng, Đỗ Tuấn Anh, Lý Hùng Anh, Phi-Phi Oanh, Vũ Đức Trung… được chủ nhân sưu tầm bởi: “Tôi sưu tầm tranh không dựa vào trường phái hay tên tuổi của tác giả, mà là vẻ đẹp và cảm xúc của tác phẩm. Tác giả tranh cũng là những người bạn, chúng tôi có thể gặp gỡ, bàn luận triết lý, chia sẻ sở thích. Nhờ mối tương tác với họa sĩ giúp tôi hiểu và cảm nhận rõ hơn về tác giả và tác phẩm mà tôi sở hữu”.

Tác phẩm: “Nude” của họa sĩ Lý Hùng Anh, 2006

Từng hiện vật được chọn trưng bày đều mang cảm xúc và vẻ đẹp riêng (tác phẩm: “Tĩnh vật” của hoạ sĩ Lý Hùng Anh, 2015)

Tủ gỗ kiểu xưa, đôn gốm cổ Biên Hòa, độc bình sứ Giang Tây, tác phẩm “Mây Hồng” của họa sĩ Hà Mạnh Thắng, 2006.

NGÔI NHÀ CỦA SỰ ĐỐI LẬP

Trong ngôi nhà, đâu là vị trí anh thích nhất?
Phòng khách, nơi quy tụ nhiều hiện vật sưu tầm từ tranh, sách, đồ trang trí nội thất, bởi đó là sở thích, là cuộc sống và nhìn vào các hiện vật ấy, tôi thấy rõ mình nhất.

Tác phẩm: “Nude” của họa sĩ Lý Hùng Anh, 2006

Điểm nhấn trong trang trí nội thất?
Là sự đối lập. Mọi thủ pháp trang trí, sắp đặt không quá cổ điển mà cũng không quá hiện đại, chính yếu tố đó mang lại sự cân bằng – hài hòa theo tinh thần Á Đông, nhưng tiện dụng theo nhu cầu sử dụng kiểu Tây Âu.

Gam màu và phong cách trang trí mà anh chọn?

Màu trắng và đen đem lại cảm giác sạch sẽ, lối trang trí tối giản tạo cảm giác hiện đại.

Việc phối hợp trưng bày đa chất liệu các nghệ phẩm cho ngôi nhà là một đầu tư lớn về công sức và gu thẩm mỹ (tác phẩm: “Màu Xanh Yên Tĩnh” của họa sĩ Hà Mạnh Thắng, 2005 và hộp đèn của họa sĩ Đỗ Tuấn Anh)

Thủ pháp chiếu sáng cho ngôi nhà?
Tận dụng tối đa ánh sáng trời, còn giải pháp chiếu sáng nội thất cục bộ là sự kết hợp giữa lối đánh sáng trực tiếp và gián tiếp, mục đích tạo sự ấm cúng và chiều sâu của không gian cũng như làm nổi bật nét mỹ thuật của các hiện vật trưng bày theo chủ ý.

Yếu tố chọn tác phẩm trưng bày?
Phải đẹp và mang lại cảm xúc, đằng sau mỗi hiện vật sưu tầm đều là một câu chuyện để tạo sự tương tác, gắn kết và tình cảm với nó.

Từng hiện vật được chọn trưng bày đều mang cảm xúc và vẻ đẹp riêng (tác phẩm: “Tĩnh vật” của hoạ sĩ Lý Hùng Anh, 2015)

Bài: NGUYỄN ĐÌNH – Ảnh: LÊ ANH ĐỨC