Cửa nội thất: Bí quyết tăng tính thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng không gian

Từ cửa cánh truyền thống đến cửa trượt hiện đại, mỗi loại cửa mang lại những giá trị thẩm mỹ riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng không gian khác nhau.

Cửa phòng yếu tố kiến ​​trúc giúp phân định không gian riêng và chung. Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các kết nối, đồng thời tách bạch những lối sống khác biệt. Tuy nhiên, chi tiết này lại thường bị chủ đầu tư bỏ qua trong các cuộc thảo luận về việc bố trí nội thất với các chuyên gia và kiến trúc sư.

cua phong interior door design

Ảnh: Julia Totoli

Sự phát triển của ngành thiết kế hiện đại đã mang đến vô số lựa chọn về lớp hoàn thiện, phương pháp lắp đặt và chế độ vận hành của các loại cửa nội thất – mỗi yếu tố đều có thể định hình đáng kể trải nghiệm của người sống trong không gian. Một số có khả năng cách âm vượt trội, trong khi những loại khác có khoảng hở để kết nối không gian, tăng cường tính lưu động và liền mạch. Một số đòi hỏi phải lắp đặt tỉ mỉ và bảo trì liên tục, trong khi cũng có sản phẩm hầu như không gặp rắc rối trong suốt quá trình sử dụng. Hơn nữa, việc lắp đặt còn ảnh hưởng đến kết cấu tường lẫn phần chuyển tiếp sàn, làm tăng thêm sự phức tạp cho quá trình thiết kế. Vì vậy, việc tìm hiểu về các loại cửa nội thất và tác động của chúng đến thẩm mỹ không gian là vô cùng cần thiết để tổng thể thiết kế đảm bảo tính thẩm mỹ và trải nghiệm sống thuận tiện.  

interior door design

Ảnh: Steve Hall

Cửa cánh có khung nhô ra: Lựa chọn truyền thống

Cửa cánh khung nhô là loại phổ biến nhất, được ưa chuộng vì tính thực tế và linh hoạt. Nó có giá thành tương đối thấp, dễ bảo trì và khi kết hợp với khung cửa rãnh đôi tiêu chuẩn (rãnh là phần có khía hoặc lõm của khung tiếp nhận), nó có thể vận hành theo hai hướng đẩy hoặc kéo, mang lại sự linh hoạt cho nhiều ứng dụng khác nhau. 

Phần khung nhô ra của loại cửa này thường được sử dụng để che đi những khuyết điểm tại mối nối giữa tường và sàn. Hơn nữa, khi lắp đặt trên tường gạch, khung nhô giúp tạo ra hiệu ứng thị giác về lớp hoàn thiện phẳng ngay cả khi lớp trát trên tường gạch không hoàn toàn phẳng, thích ứng hoàn hảo với những khuyết điểm nhỏ trong kết cấu.

cua phong canh khung nho interior door design

Khung nhô ra có thể tạo thêm nét đặc trưng cho cửa ra vào, kết hợp hài hòa với các đường gờ, đường bóng và họa tiết trang trí trên tường để nâng cao thiết kế tổng thể. Ảnh: Daniel Santo

Tuy nhiên, đối với những ai theo đuổi phong cách nội thất tối giản, hiện đại, chú trọng các đường nét gọn gàng và tinh tế, một khung cửa nhô có thể tạo ra cảm giác lạc lõng, mất cân bằng về mặt thị giác và gây gián đoạn không cần thiết cho các bề mặt nhẵn. 

interior door design

Ảnh: studio vwp

Cửa cánh khung ẩn: Nghệ thuật của những đường nét sạch sẽ

Đúng như tên gọi, việc lắp đặt khung của loại cửa này khác biệt đáng kể với cửa cánh khung nhô truyền thống. Chúng sẽ ẩn mình hoàn toàn hoặc được hiệu chỉnh khung sao cho vừa khít với bề mặt tường (cách này thường đi kèm với một khoảng hở đồng nhất). Sự liền mạch đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ tinh tế, đòi hỏi sự chính xác trong thiết kế và phối hợp tốt trong quá trình thi công vì bất kỳ sự không thẳng hàng nào của khung, tường hoặc cửa cũng sẽ rất rõ ràng dù nhìn bằng mắt thường. 

cua phong canh an interior door design

Ảnh: Nate Cook

Cửa cánh khung ẩn cũng có một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, chúng không thể vận hành theo cả hai hướng đẩy và kéo như khung nhô và chi tiết khung phức tạp khiến cho việc bảo trì sau thời gian dài sử dụng trở nên khó khăn hơn. 

interior door design

Ảnh: wgh_ photo

Cửa trượt: Giải pháp linh hoạt và ít bảo trì

Cửa trượt ngày càng phổ biến vì sự linh hoạt, dễ sử dụng và ít phải bảo trì trong khi vẫn giữ được tính thẩm mỹ hiện đại. Không giống như cửa cánh, cửa trượt không chiếm dụng không gian khi mở, lý tưởng cho những ngôi nhà nhỏ hẹp. Tuy nhiên, cửa trượt chỉ che đi khoảng trống thay vì lắp vừa vào bên trong, nên có thể gây khó khăn cho việc tích hợp cơ chế khóa. Ngoài ra, cửa trượt cũng để lại các khe hở không khí xung quanh chu vi cửa, khiến việc cách âm và đảm bảo sự riêng tư kém hiệu quả hơn so với loại cánh cửa truyền thống.

cua phong truot interior door design

Ảnh: Daniel Santo

Thường được lắp đặt với hệ thống ray gắn vào tường hoặc trần nhà, cửa trượt dễ bảo trì, dễ thay thế mà không cần tác động vào kết cấu. Nhiều nhà thiết kế và kiến trúc sư đã chọn giải pháp này cho các công trình cải tạo, vốn ưu tiên bảo vệ các bức tường và trần nhà sẵn có.

interior door design

Cửa trượt bắt buộc bạn phải để hở một bên, không được sử dụng không gian tường dọc theo đường ray để tránh cản trở vận hành. Ảnh: Sobokuya

Cửa trượt ẩn: Tối đa hóa không gian

Cửa trượt ẩn là một trong những loại cửa gây tranh luận nhất, sở hữu nhiều ưu điểm nhưng cũng có  những hạn chế. Chúng có khả năng biến mất hoàn toàn vào tường, cho phép không gian đạt đến sự linh hoạt tối đa, đặc biệt phù hợp với những khu vực không cần sự riêng tư tuyệt đối, chẳng hạn như phòng khách và nhà bếp. Không giống như loại trượt truyền thống bên trên, cửa trượt ẩn giải phóng cả hai bên tường để bố trí thiết bị điện như: công tắc đèn, ổ cắm… hoặc thậm chí là sắp đặt đồ nội thất. 

cua phong truot an interior door design

Ảnh: YY Projects

Tuy nhiên, để lắp đặt loại cửa này đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ trong khâu thiết kế và quá trình phối hợp thi công phức tạp. Bức tường phải rỗng bên trong để chứa cơ cấu trượt, chỉ có thể đạt được bằng cách xây tường gỗ hoặc tường hai lớp nếu sử dụng vật liệu rắn như gạch hoặc bê tông. Việc cửa hoạt động bên trong một khoang hẹp có thể gây ra thách thức lớn cho công tác sửa chữa và bảo dưỡng khi gặp sự cố trật bánh. Các nhà thiết kế cũng phải đảm bảo rằng không có bất kỳ đường điện, đường ống nào bên trong khoang cửa nhằm ngăn ngừa tai nạn đáng tiếc. Chính những hạn chế này khiến cho cửa trượt ẩn không phù hợp cho những khu vực dễ xảy ra động đất, nơi các chuyển động của kết cấu có thể gây ra vô số vấn đề về căn chỉnh.

interior door design

Ảnh: Steve Hall

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Ưu và nhược điểm của vách kính trong thiết kế nội thất

Phong thủy mũ đen Tây Tạng: Mở khóa sự cân bằng

9 vật liệu lát sàn phổ biến cho không gian nhà đẹp