Chọn bàn ăn cho không gian tận hưởng niềm vui

Với chức năng phục vụ cho nhiều hoạt động từ ăn uống, giao lưu hay làm việc, bàn ăn là một góc nhỏ lưu trữ nhiều kỉ niệm và khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống.

Là một trong những món đồ nội thất cần thiết trong nhà, bàn ăn là nơi để các thành viên trong gia đình và bạn bè, người thân chia sẻ những khoảnh khắc cùng nhau, thông qua bững bữa ăn hay cuộc hội họp vào những dịp đặc biệt. Bên cạnh kiểu dáng, để lựa chọn được chiếc bàn ăn phù hợp cho không gian sống và thể hiện cá tính của bản thân, có những tiêu chí khác mà gia chủ cần cân nhắc để tìm ra kiểu bàn phù hợp cho không gian sinh hoạt chung của mình. 

Xác định chức năng không gian

Chuyên gia nội thất Neale Whitaker chia sẻ rằng, việc hiểu cách sử dụng bàn ăn như thế nào sẽ giúp bạn thiết kế không gian ăn uống và lựa chọn được loại bàn phù hợp với ngôi nhà của mình. Tuy các phòng ăn truyền thống ít phổ biến hơn trong ngôi nhà hiện đại, nhưng bàn ăn và góc dùng bữa vẫn là trọng tâm quan trọng của một tổ ấm. Ngày nay, bàn ăn không chỉ là nơi để bạn thưởng thức bữa ăn mà còn dùng để việc, học tập, chơi board game và giải trí cùng bạn bè. Biết được mục đích sử dụng là gì là một trong những bước đầu tiên để chọn thiết kế bàn phù hợp.

dining table thu vien noi that sang trong

Ảnh: Serena Eller Vainicher

Thông số chính xác

Một chiếc bàn quá nhỏ có thể tạo cảm giác chật chội khi sử dụng và mất cân bằng với môi trường xung quanh. Mặt khác, nếu bàn quá lớn lại gây cản trở luồng giao thông và lấn át không gian.

dining table noi that hien dai

Ảnh: Joshua McHugh

Bàn ăn có thể lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn. Khi tính toán không gian cho một chiếc bàn, hãy xem xét khoảng trống cần thiết để kéo ghế ra vào và khách đi lại trong quá trình ăn uống. Khoảng trống tối thiểu bạn nên chừa ra giữa bàn và tường hoặc một đồ nội thất khác nếu có thể là 90cm.

Khi xem xét chiều dài bàn, hãy dành khoảng cách dùng bữa tối thiểu 60 cm cho mỗi người. Mặc dù, bàn ăn hay được thiết kế cho bốn, sáu hoặc tám chỗ ngồi, nhưng phép tính này sẽ giúp bạn biết kích thước bàn nào thoải mái và phù hợp với không gian của bạn.

Chiều cao trung bình của bàn ăn là từ 71 – 81 cm. Thông số này quan trọng vì nó sẽ quyết định loại ghế nào sẽ vừa vặn và phù hợp với bàn ăn của bạn.

Đa dạng trong hình dáng

Hình chữ nhật là thiết kế bàn phổ biến nhất và phù hợp với hầu hết các không gian. Dạng hình học này kết hợp với các hình dạng tuyến tính của ngôi nhà sẽ tạo ra sự cân bằng và đối xứng thị giác nhẹ nhàng. Với nhiều kích cỡ sẵn có, bàn hình chữ nhật là lựa chọn phổ biến cho nhiều mục đích sử dụng.

Bàn vuông thích hợp nhất trong các không gian vuông vắn. Cùng với việc tạo ra sự gắn kết về mặt thị giác, bàn ăn hình vuông mang đến trải nghiệm ăn uống thân mật khi mọi người ngồi ở khoảng cách gần và trò chuyện với nhau.

Bàn tròn và bàn bầu dục hài hòa với những không gian nhỏ từ 4-6 người ngồi thoải mái. Lợi ích của bàn ăn tròn là không có cạnh, giúp mọi người trò chuyện dễ dàng và gắn kết hơn. 

dining table phong an ban ghe noi that

Ảnh: Eric Piasecki

Ghế đi đôi với bàn

Sau bàn ăn, ghế ngồi là điều bạn cần quan tâm để tạo nên sự hài hoa trong không gian. Dù lựa chọn về vật liệu và kiểu dáng có đa dạng đến đâu, nhưng kích thước và sự thoải mái mới là hai yếu tố quan trọng quyết định ghế và bàn của bạn có phù hợp hay không.

Khoảng cách tối thiểu từ mặt ghế đến mặt bàn nên là 20 – 30 cm. Lưu ý tránh kê quá nhiều ghế vào bàn của bạn. Sắp xếp mỗi chiếc ghế cách nhau 15 cm giúp khách có đủ không gian để cử động, đồng thời tạo sự cân bằng cho không gian. Nếu phòng ăn và bàn ăn quá nhỏ, hãy cân nhắc lựa chọn kiểu ghế không có tay vịn hoặc chỉ đặt những mẫu có tay vịn ở hai đầu của bàn nhằm tiết kiệm không gian.

dining table ban ghe noi that

Ảnh: Pascal Chevallier

Vật liệu thích hợp

Việc lựa chọn bàn ăn phải xem xét các yếu tố phù hợp về giá cả, độ bền, bảo trì, kiểu dáng và phong cách sống. Các vật liệu bền vững như: sứ, gỗ, đá cẩm thạch… thường sẽ có tuổi thọ cao hơn các vật liệu giá rẻ như ván MDF hoặc ván ép. 

Bàn gỗ thiên nhiên có kết cấu và những thớ vân độc đáo cùng màu nâu đặc trưng mang lại cảm giác ấm áp cho không gian. Nhược điểm của vật liệu này là dễ hấp thụ vết bẩn và khó vệ sinh sau đó nếu gỗ không được xử lý sơn veneer. Với bàn làm bằng gỗ, bạn nên sử dụng tấm lót hoặc khăn trải bàn để tránh trầy xước hoặc làm bẩn bề mặt. 

ban an vat lieu go nha bep phong an noi that

Ảnh: Ảnh: Leo Faria

Đá nung kết gần đây trở thành vật liệu được ưa chuộng để thiết kế bàn ăn. Mặc dù trọng lượng của nó có thể gây ra khó khăn trong quá trình vận chuyển, nhưng đây lại là một lựa chọn hoàn hảo nếu bạn có trẻ nhỏ vì đặc tính bền và dễ dàng vệ sinh những vết đồ ăn vương vãi hay những vệt màu do trẻ vô ý vẽ lên. 

Đá cẩm thạch phù hợp với cả không gian truyền thống lẫn hiện đại. Mặc dù có độ bền cao nhưng vật liệu này vẫn đòi hỏi bảo trì kĩ lưỡng. Điều này phụ thuộc vào cách xử lý vào bao bọc bề mặt đá, nếu không đúng cách sẽ dẫn đến việc mặt bàn dễ bám bẩn.

ban an vat lieu da cam thach phong an

Ảnh: Eric Piasecki

Cuối cùng là kính, một vật liệu phổ biến trong các phòng ăn của nhiều gia đình. Lý tưởng trong những không gian nhỏ, bàn kính cho phép ánh sáng chiếu xuyên qua và tạo cảm giác cởi mở. Mặc dù, kính dễ lau chùi nhưng những vết vân tay và bụi bẩn rất dễ nhận thấy, cần phải lau chùi thường xuyên. 

Thực hiện: Vân Thảo | Theo: King Living


Xem thêm

Thạch anh và đá hoa cương: Những khác biệt bất ngờ

Rèm cửa – Tấm áo sắc màu cho không gian nội thất

Muôn vẻ tủ giày cho người yêu thời trang