Berliner Zimmer, căn hộ lịch sử tại Berlin là công trình cải tạo được thực hiện bởi KTS Gisbert Pöppler với quan điểm tạo nên một mạch nối giữa quá khứ và hiện tại chảy xuyên suốt không gian. Từ những tiếp cận ban đầu của KTS, căn hộ được đánh giá cao về độ tỉ mỉ trong từng chi tiết hiện trạng. Tinh thần hiện đại được gửi gắm bổ sung vào phông nền lịch sử biến căn hộ Berliner Zimmer trở thành một kho tàng phức tạp về giá trị văn hóa, di sản kiến trúc và sở thích cá nhân.
Tên gọi của dự án cũng là một cách đề cập đến đặc điểm chung của các căn hộ đầu thế kỷ XIX, cuối thế kỷ XX tại địa phương. Ở loại hình căn hộ này, một gian phòng lớn sẽ nối liền mọi không gian chức năng khác, khu vực này được gọi là phòng chờ. Tuy sở hữu diện tích chiếm phần lớn không gian tổng thể nhưng phòng chờ truyên thiết kế nguyên bản lại gắn liền với hệ cửa sổ nhỏ, chi tiết này lại không phù hợp với bản tính gia chủ vốn quen với ánh sáng tự nhiên, kết quả là sự biến tấu ô cửa sổ lớn hơn so với nguyên mẫu bản địa.
Không chỉ tối ưu hóa lượng sáng trời tràn vào không gian, mỗi vật dụng trong căn hộ Berliner Zimmer đều được lựa chọn cẩn thận dựa trên sở thích cá nhân của gia chủ, kể cả màu sơn tường, thậm chí từng tác phẩm bày biện trong căn hộ đều được giám tuyển nghệ thuật kỹ lưỡng. KTS đã tổng hợp toàn bộ nhu cầu về sở thích cá nhân thành danh sách chi tiết để công trình không chỉ đạt chất lượng chuyên môn mà còn phải là ngôi nhà dành riêng chủ nhân của chúng.
Những mảng tường phẳng, chất liệu bóng, màu sắc rực rỡ, đương đại tương phản hoàn toàn với chỉ tường, phù điêu và hoa văn cổ điển, hai thái cực thẩm mỹ cùng tồn tại trong ngôi nhà thông qua nhiều loại hình khác nhau tạo nên sự đa dạng nhất định nhưng không tranh chấp lẫn nhau, ngược lại còn cung cấp tính cân bằng cần thiết. Di sản kiến trúc nhờ chủ nghĩa chiết trung và được giữ gìn vẹn toàn, yếu tố hiện đại đương thời cũng được dịp cất lên tiếng nói, trong một tổng thể hài hòa.
Bài: Đức Nguyên | Theo: Yatzer | Ảnh: Wolfgang Stahr, Andreas Meichsner.
Xem thêm: