ARCHSTUDIO xoá nhoà giới hạn sân trong của Tứ Hợp Viện

ArchStudio – một studio trẻ thành lập năm 2010 đã thực hiện một số công trình cải tạo Tứ Hợp Viện – một đặc trưng kiến trúc nhà ở truyền thống Trung Quốc, có lịch sử hình thành hơn 2000 năm dựa trên những quan niệm truyền thống cổ đại, Đao Giáo và Nho Giáo. Đặc trưng nhận biết lớn nhất là bốn dãy nhà cùng hướng mặt vào một sân chung ở giữa, đặt để theo trục Bắc Nam.

Mô hình kiến trúc truyền thống của Trung Quốc

Sân chung của Tứ hợp viện   là nơi giải quyết cho các vấn đề thông gió, đón nắng, sinh hoạt cộng đồng – nếu dựa trên những khái niệm của thiết kế đương đại. Tứ Hợp Viện là hình mẫu chuẩn cho xây dựng, không chỉ áp dụng cho mục đích ở mà còn phổ biến ở các hình thức kiến trúc cộng đồng lớn hơn như tôn giáo, cung điện, đền thờ, kinh doanh … Những tiêu chuẩn của Tứ Hợp Viện đã biến nó trở thành đơn vị cơ bản ảnh hưởng mạnh mẽ đến cấu trúc đô thị cổ và trật tự xã hội phong kiến tại Bắc Kinh.

Mô hình tiêu biểu của một Tứ Hợp Viện: hai lớp cửa, bốn dãy nhà xoay xung quanh một sân chung lớn – Nguồn ảnh: WordPress

Ước tính hiện nay vẫn còn tồn tại khoảng 400,000 ngôi nhà theo mô hình Tứ Hợp Viện tại thành phố này, nhưng lối sống hiện đại đã biến chuyển chúng thành những khu tổ hợp gia cư, nhiều gia đình nhưng thiếu tiện ích riêng. Nhiều Tứ Hợp Viện đang bị xé nát để giải quyết vấn đề quá tải, và đã được thay thế bằng các căn hộ chung cư hiện đại. Chỉ có khoảng 500 Tứ Hợp Viện được chính quyền quan tâm như các khu di tích lịch sử quan trọng với chức năng chính là bảo tàng, trong đó nổi tiếng nhất là Đài tưởng niệm Lỗ Tấn. Số còn lại thuộc sở hữu tư nhân, cải tạo thành các mục đích khác nhau.

Một Tứ Hợp Viện được cải tạo với chức năng khách sạn, được đầu tư thành một chuỗi các khách sạn từ mô hình nhà truyền thống tương tự – Nguồn ảnh: Chinadaily

Cổng điển hình của một Tứ Hợp Viện: lối vào không tiếp xúc trực tiếp với sân chính bên trong theo quan niệm phong thủy, được trấn bổ sung thêm cặp sư tử đá và bức bình phong ngay sau lớp cửa đầu tiên – Nguồn ảnh: Han Wenqiang, Huang Tao

Giải pháp đương đại của các nhà thiết kế trẻ

Một trong những trường hợp may mắn là khuôn viên 225m2 (một quy mô tương đối nhỏ) được cải tạo bởi ArchStudio – một Studio trẻ thành lập năm 2010, thiết kế và thi công hoàn thành trong gần một năm (06-2016 đến 05-2017), và trở thành điểm sáng đương đại cho cộng đồng Tứ Hợp Viện. Thiết kế của Archstudio tập trung giải quyết sân chung nhằm loại bỏ được ấn tượng trang nghiêm và rập khuôn thường có, cố gắng tạo ra sự phá vỡ liên kết ngoại thất – nội thất bằng một bề mặt xoắn chuyển tiếp từ sàn đến mái.

Một dải lụa kết nối hai khối nhà Bắc – Nam, vật liệu đá có ngôn ngữ và màu sắc tiệp với lớp ốp vốn có của công trình – Nguồn ảnh: Han Wenqiang, Huang Tao

 

Khu bếp là tiện ích mới được bổ sung, được che chắn khéo léo với không gian mở bên ngoài – Nguồn ảnh: Han Wenqiang, Huang Tao

 

Không gian phòng ăn với mối quan hệ mới của không gian trong – ngoài

Giải pháp như một dải lụa mềm mại kết nối sân chung, trước hết là với hai gian Bắc – Nam, sau đó uốn cong thành lớp tường – mái che cho hai khu tiện ích được bổ sung là vệ sinh, bếp và nhà kho. Bố cục của dải lụa này vẫn là bố cục đối xứng trên tổng thể cải tạo, không phá vỡ ngôn ngữ bản nguyên của Tứ Hợp Viện, mà còn bổ sung một cách khéo léo hơi thở đương đại với điều đáng chú ý nhất là đưa vào khái niệm xóa nhòa ranh giới giữa các không gian trong – ngoài.

Khu vệ sinh tại gian nhà phía Nam –

Những gì cần che chắn (vệ sinh, bếp, nhà kho) đều được giải quyết gọn ghẽ, trong khi các khu tiếp tân và ăn uống được hiển thị bên ngoài mặt tiền cong và kết nối với toàn bộ sân. Kết nối mở này đem đến một cảm giác mới tựa như không gian công cộng nằm trong sở hữu tư nhân, và giúp nó chủ động đón nhận các chức năng mới của tổ chức sự kiện, giải trí, hội họp, hoặc có thể phục vụ như một nhà nghỉ nhỏ với ba phòng ngủ với các tiện ích yêu cầu cần có từ lối sống hiện đại.

Không gian đa chức năng với giải pháp nội thất di động tại gian nhà phía Bắc – Nguồn ảnh: Han Wenqiang, Huang Tao

Với truyền thống xây dựng của Tứ Hợp Viện, sân chung là cốt lõi của cuộc sống hưởng lạc. Dự án này chỉ với một điều chỉnh nhỏ nhưng đủ làm thay đổi không khí của không gian sân ngoài và đáp ứng được nhu cầu đa chức năng bên trong, mà không thay đổi cấu trúc hiện tại. Đó là một sự cập nhật đơn giản, hiệu quả nhưng vô cùng cần thiết và tiết kiệm trong tình hình chung cho mô hình kiến trúc truyền thống này.

Đối lập với lớp sỏi trắng – phần còn lại của bề mặt sân chung, dường như khái niệm âm dương vẫn còn được trân trọng trong thiết kế đương đại này

 

Nằm trên phố Paizi, rất gần với cổng Chính Dương, phía Nam Thiên An Môn, Bắc Kinh, Những Tứ Hợp Viện được cải tạo mới như thế này không còn đơn thuần là con đường dẫn vào quá khứ nữa mà nó còn thể hiện cách tiếp cận chủ động và thông minh của yếu tố đương đại vào cấu trúc lịch sử, trong đó đầu ra thiết thực nhất vẫn là giá thành bất động sản của chúng sẽ được tăng cao, hiển nhiên thu hút nhu cầu của cả nhà đầu tư lẫn người sử dụng.

Giải pháp chiếu sáng với ánh sáng gián tiếp, vừa đủ lấp lánh chất liệu của dải lụa gạch

Mặt bằng bố trí các khu chức năng

Bài viết: Đức Tém

Hình ảnh: Tổng hợp