Phá hủy & Tái thiết

Sau Đệ nhị Thế chiến, Châu Âu tỉnh giấc trong cơn đau: thiệt hại nặng nề về người, các thành phố lớn gần như bị phá hủy hoàn toàn. Trước bối cảnh ấy, chỉ có hai khả năng sẽ xảy ra: xóa sạch quá khứ hoặc tái thiết.

QUẬN NEUMARKT TẠI DRESDEN bấy giờ tồn tại hai luồng ý kiến: những người nhiệt thành bảo vệ cho công cuộc tái thiết tuân thủ trung thành lịch sử nước Đức, tìm kiếm lại hình ảnh thành phố baroque xưa kia và những người muốn xây dựng một biểu tượng hiện đại trên nền ký ức bản địa. Cuối cùng, quan điểm đầu tiên đã được lựa chọn. Dự án tham vọng này dấy lên một số lo ngại, đặc biệt là làm thế nào để đảm bảo chính xác tính xác thực. Mọi thứ đều mang vẻ cổ kính nhưng trên thực tế, nội thất của các tòa nhà đều được điều chỉnh theo nhu cầu hiện đại và khác xa với vỏ bọc bên ngoài. Năm 2005, các di tích được trùng tu hoàn toàn, đáng chú ý là nhà thờ Lutheran “Frauenkirche”, nơi được xem là biểu tượng của thành phố. Tại Đức và Áo, hầu hết các công trình được tái xây dựng bởi những người phụ nữ “Trümmerfrau” (có thể hiểu là “những người phụ nữ của tàn tích”), bởi lẽ chồng và con trai của họ đều đã tử trận hoặc mất tích.

THÀNH PHỐ LE HAVRE đã lựa chọn giải pháp tái thiết không gian đô thị theo hướng hiện đại hóa, một hướng đi phù hợp hơn với nhu cầu thời hậu chiến. Thành phố được xây dựng bởi Auguste Perret từ 1945 đến 1964, đến nay đây vẫn là một trong những công trình đô thị sáng tạo quan trọng nhất của thế kỷ XX. Công trình đặc biệt vì sự thống nhất và toàn vẹn với nhiều ý tưởng quy hoạch, công nghệ xây dựng mới. Hình mẫu ấn tượng về kiến trúc hậu chiến và quy hoạch đô thị được định hình dựa trên sự thống nhất của các phương pháp luận, kỹ năng ứng dụng tiền chế, sử dụng có hệ thống lưới module đồng thời khai thác sáng tạo tiềm năng của bê tông.

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI LÀ CÂU CHUYỆN SONG HÀNH ĐỂ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI.

Vào ngày 15/7/2005, UNESCO đã thêm Le Havre vào danh sách Di sản thế giới. Đây là một trong số ít các địa điểm đương đại được ghi nhận tại châu Âu. Vậy, điều gì đã dẫn đến quyết định này? Những thành phố ấy làm thế nào để giao hòa quá khứ, hiện tại và tương lai? Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra cho tất cả mọi thành phố bị tàn phá bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc chiến tranh. Mục tiêu là tìm ra các giải pháp cho địa phương dựa trên truyền thống văn hóa của đất nước để việc tái thiết trở thành cơ hội kiến tạo thành phố hoàn hảo dành cho mọi cư dân. Thật vậy, các thành phố được tái thiết đều mang theo hy vọng về một khởi đầu mới. Đó cũng là sự lý giải vì sao các đô thị lại phong phú và hấp dẫn đến vậy. Nghĩ về hiện tại bằng cách tìm về quá khứ chắc chắn sẽ dẫn đến tương lai! Ý tưởng đó giúp ta tìm ra mô hình hiệu quả mà vẫn luôn hướng về nguồn cội. Mọi kết quả phản ánh đều có thể dẫn chúng ta đến hình mẫu đô thị kết hợp giữa bản sắc, văn hóa, sự đa dạng, gần gũi và tính tiện lợi.


Chuyển ngữ: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Le Cloître Hotel – Gam màu táo bạo điểm tô di sản

Read and Rest – Khách sạn in ấn lạ thường