Bachelor pad – Khái niệm nhà cho đàn ông độc thân | Từ điển ELLE Decoration

Nhà cho đàn ông độc thân – Bachelor pad – có lẽ là một điều còn khá xa lạ đối với văn hóa cũng như thị hiếu của Việt Nam. Tuy nhiên đây lại là khái niệm đã tồn tại khá lâu và vẫn đang phát triển từng ngày, bắt nguồn tại các nước phương Tây rồi dần lan rộng cảm hứng ở mọi nơi trên thế giới..

1/ LỊCH SỬ RA ĐỜI

Nhà cho đàn ông độc thân – Bachelor pad từng được biết đến như một thuật ngữ phân biệt giai cấp khá rõ rệt tại Anh khi hầu hết những người đàn ông trẻ tuổi lúc bấy giờ khó có đủ điều kiện để sống trong một không gian riêng biệt như thế này, họ buộc phải sống chung với nhiều người khác. Thậm chí, đây còn được xem là một khái niệm sang trọng bậc nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tại Mỹ, khái niệm nhà cho đàn ông độc thân lại có phần giảm nhẹ hơn khi dùng để ám chỉ không gian sống của những nam sinh hoặc đàn ông chưa lập gia đình cho đến khi họ có nhà riêng hoặc kết hôn.

2/ ĐẶC TRƯNG CỦA NHÀ Ở CHO ĐÀN ÔNG ĐỘC THÂN

Giữa thế kỷ XX, nhà cho đàn ông độc thân được xem là một trong những tài sản đắt giá nhất của nam giới tầng lớp tri thức. Khái niệm này dần được hình thành rõ rệt hơn vào những năm 1950, khi quan điểm về hôn nhân của nam giới dần được cởi mở và đón nhận nhiều hơn. Theo thời gian, đến những năm 1960, nhà cho đàn ông độc thân đã trở thành một biểu tượng mang tính quốc tế với các đặc trưng điển hình như: đưa phong cách yêu thích của cá nhân vào không gian nhà nhiều hơn bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm nội thất được chọn lọc kỹ càng từ nhà thiết kế và hệ thống thiết bị hi-fi phục vụ cho mục đích giải trí.

nhà cho đàn ông độc thân 5

Không gian nhà ở tinh giản nhưng tiện nghi, hiện đại của một căn hộ bachelor pad đặc trưng. Ảnh: Google.

Thể loại công trình nhà cho đàn ông độc thân thực sự đã phản ánh rất rõ ràng nhận thức của nam giới về văn hóa và nghệ thuật nhưng cũng đồng thời thu hút sự chú ý nhiều hơn đối với nữ giới khi mục kích dạng nhà này. Về hình thức, nhà cho đàn ông độc thân không nằm ngoài những quy tắc thiết kế thông thường nhưng lại đặc biệt ở phong cách sống đến từ chính gia chủ. Khái niệm nhà cho đàn ông độc thân cũng được tận dụng triệt để trong các tác phẩm điện ảnh. Chúng ta có thể thấy, chủ nghĩa độc thân và những người đàn ông trong ngôi nhà của họ như tư gia của chàng điệp viên tài hoa James Bond trong bất kỳ tập phim nào có sự xuất hiện của anh, hay gần đây nhất chính là dinh thự Malibu Mainson của nhà tài phiệt Tony Stark (Iron Man) trong chuỗi phim siêu anh hùng lừng lẫy đến từ Marvel Studio.

nhà cho đàn ông độc thân 4

Dinh thự Malibu Mainson của tỷ phú Tony Stark trong các siêu phẩm điện ảnh siêu anh hùng đến từ Marvel Studio. Ảnh: Pinterest.

Đôi lúc, khái niệm này cũng có một số biến tấu thú vị và hẳn chúng ta ai cũng đã từng nghe qua danh tiếng của thám tử đại tài Sherlock Holmes trong bộ tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Conan Doyle. Căn hộ nơi thám tử Sherlock Holmes sinh sống cùng với bác sĩ Watson với những miêu tả cơ bản gồm phòng ăn, phòng phỏng vấn, phòng thí nghiệm và thư việc cũng được xem là khái niệm nhà ở cho đàn ông độc thân bachelor pad với sự xuất hiện của các khu vực đặc biệt phục vụ cho nhu cầu riêng trong công việc.

nhà cho đàn ông độc thân 3

Căn hộ đặc trưng trong các tác phẩm về Sherlock Holmes. Ảnh: Pinterest.

Hiện nay, khi chủ nghĩa độc thân hiện đại đang dần được lan tỏa cùng với sự phát triển của công nghệ và nhiều nhà thiết kế đại tài, nhà ở cho đàn ông độc thân cũng vì thế mà đạt được nhiều thành tựu hơn trên thị trường thiết kế. Đồng thời, thông qua nhà ở cho đàn ông độc thân, chúng ta có thể thấy rõ rằng, khái niệm trong thiết kế là yếu tố luôn tồn tại song hành và xuất hiện cùng lúc với từng xu thế, giai đoạn của xã hội.

nhà cho đàn ông độc thân 2

Ảnh: Pinterest.

nhà cho đàn ông độc thân 1

Ảnh: Pinterest.

Thực hiện: Đức Nguyên – Ảnh: Sưu tầm.


Xem thêm:

Họa tiết hoa lá – xu hướng qua từng thời kỳ | Từ điển ELLE Decoration

Rèm cửa và những giải pháp trong nội thất | Từ điển ELLE Decoration