Đồ nội thất da lộn: Những điều cần lưu ý và mẹo vệ sinh hữu ích

Đồ nội thất da lộn mang đến dáng vẻ thanh lịch vượt thời gian cho ngôi nhà của bạn. Tuy nhiên, đây là chất liệu cần được chăm sóc và làm sạch kỹ lưỡng để tránh xảy ra tình trạng đổi màu hoặc nhăn nhúm trên bề mặt.

Đi cùng với khả năng chống vết bẩn tốt hơn các chất liệu vải nội thất khác của da lộn là nhược điểm dễ bị bám bụi và mảnh vụn, khiến da mất đi bề mặt đặc trưng. Dù món đồ nội thất được làm bằng da thật hay da tổng hợp thì người sử dụng cũng cần trang bị những bước vệ sinh cơ bản tại gia để có thể giữ cho đồ vật luôn ở trạng thái tốt nhất theo năm tháng.

Dưới đây là những điều cần lưu ý và một số mẹo vệ sinh đồ nội thất bằng da lộn ELLE Decoration muốn chia sẻ cùng bạn đọc. 

Cách phân biệt da lộn thật hay chất liệu tổng hợp và chu kỳ vệ sinh

Trước khi bắt tay vào thực hiện quy trình vệ sinh, bạn cần phân biệt rõ liệu món đồ nội thất của bạn được làm từ da lộn tự nhiên hay chất liệu tổng hợp để áp dụng phương pháp làm sạch phù hợp. Cách xác định tốt nhất là kiểm tra nhãn chăm sóc được đính kèm khi mua hàng. Nếu nhãn đã bị mất hoặc phai màu, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm dưới đây để phân biệt.

Đầu tiên, da lộn tự nhiên được làm từ các lớp bên trong của da động vật, thường là da cừu. Với da tổng hợp, thường được làm từ vải có nhiều sợi nhỏ bằng nylon và polyester. Một cách phân biệt khác mà bạn có thể thử là thực hiện các bước đánh bóng đơn giản và kiểm tra bề mặt da có đổi màu không. Nếu có, đồ nội thất của bạn được chế tác từ da lộn thật vì chất liệu tổng hợp yêu cầu quy trình đánh bóng phức tạp hơn. 

do noi that da lon phong khach

Việc phân biệt loại da rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định dung dịch tẩy rửa và dụng cụ mà bạn cần phải dùng để vệ sinh. | Ảnh: Christian Harder

Theo các chuyên gia, mỗi tháng hút bụi ít nhất một lần và làm sạch hoàn toàn sau mỗi sáu tháng là chu kỳ vệ sinh đồ nội thất bằng da hợp lý. Nếu có thể, hãy xử lý các vết bẩn và lông thú cưng càng nhanh càng tốt để hạn chế làm sạch bởi lạm dụng quá mức các chất tẩy rửa sẽ khiến bề mặt da trở nên thô cứng, kém bền và đổi màu. 

da lon chat lieu noi that

Việc duy trì chu kỳ vệ sinh có thể giúp cho bề mặt da không bị bám bẩn quá lâu, dẫn đến ố hoặc khó làm sạch. | Ảnh: Evgeniia Siiankovskaia

Làm sạch da lộn bằng nước hay hơi nước?

Vệ sinh bằng hơi nước là giải pháp tuyệt vời để giữ cho những món đồ nội thất da lộn luôn ở trạng thái tốt nhất, dù là da tự nhiên hay da tổng hợp. Máy làm sạch bằng hơi nước vừa loại bỏ bụi bẩn vừa có khả năng khử trùng bề mặt chất liệu mà không cần sử dụng hóa chất độc hại.  Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên lựa chọn chế độ phun hơi thấp và giữ vòi đủ xa để tránh làm ướt lớp da bởi nước và độ ẩm có thể làm hỏng chất liệu một cách nghiêm trọng, khiến nó trở nên cứng và sẫm màu hơn.  

Các bước vệ sinh đồ nội thất bằng da lộn 

Chuẩn bị (chung cho cả hai loại da)

  • Máy hút bụi
  • Bàn chải da lộn/ bàn chải sợi vải
  • Bình xịt tia nước
  • Nước rửa chén
  • Baking soda/ bột ngô
  • Giấm trắng
  • Rượu isopropyl 
  • Chất làm sạch da lộn chuyên dụng
  • Khăn mềm sợi vải 
  • Miếng bọt biển
  • Chất tẩy keo 
  • Xịt bảo vệ da lộn

Quy trình vệ sinh dành cho chất liệu tổng hợp (da lộn giả sợi nhỏ)

Bước 1: Kiểm tra hướng dẫn vệ sinh ghế

Có nhiều loại chất liệu tổng hợp giả da lộn, vì vậy bạn cần chú ý đến mã làm sạch hoặc ký hiệu giặt trên thẻ bảo quản để lựa chọn phương pháp làm sạch phù hợp. 

  • Nhãn chữ W: có thể được làm sạch bằng dung dịch gốc nước.
  • Nhãn chữ S: chất liệu sẽ bị ố nếu dính nước nên phải được làm sạch bằng dung môi chuyên dụng.
  • Nhãn SW: có thể làm sạch bằng dung môi hoặc nước.
  • Nhãn X: chỉ sử dụng máy hút bụi, không được sử dụng bất kì chất lỏng nào để làm sạch.

Bước 2: Hút bụi 

Tháo đệm ghế và sử dụng máy hút bụi để loại bỏ bụi bẩn. Bạn nên di chuyển máy theo chiều lông vải để tránh gây rối hoặc làm đổi màu của món đồ. Sau khi hút bụi tổng thể, hãy đổi đầu hút nhỏ hơn để tiếp cận các ngóc ngách.

hut bui sofa da lon

Quy trình làm sạch của cả hai loại da luôn phải được bắt đầu từ khâu hút bụi | Ảnh: StefaNikolic

Bước 3: Sử dụng bàn chải da lộn 

Do tính chất dễ làm sạch của chất liệu, việc dùng bàn chải chuyên dụng để chà xát có thể loại bỏ hầu hết các vết bẩn. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn loại bàn chải có lông mềm và tập trung vệ sinh các kẽ hở ở bước này, vì bạn sẽ không thể sử dụng dung dịch làm sạch được pha trộn ở bước kế tiếp lên những vùng quá nhỏ và khó khô như các kẽ hở. 

Bước 4: Pha trộn dung dịch làm sạch 

Nếu bạn sở hữu một chiếc ghế có nhãn W, hãy pha nước ấm với một vài giọt nước rửa chén. Bạn cũng có thể thêm một thìa cà phê bột baking soda hoặc giấm trắng để khử mùi hôi. Đối với đồ nội thất nhãn chữ S, hãy sử dụng rượu isopropyl và bình xịt tia nước để dễ dàng điều chỉnh liều lượng. 

giam trang chanh baking soda ban chai da lon binh xit

Hãy nhớ rằng, nếu bạn đang sở hữu loại da có nhãn X, hãy bỏ qua các chất tẩy rửa dạng xịt | Ảnh: Petra Olteanu/ 500px

Bước 5: Làm sạch vùng nhỏ để kiểm tra kết quả

Nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra sau khi vệ sinh như: đổi/ mất màu, thay đổi kết cấu, nhăn nheo…, bạn nên thử bôi chất tẩy rửa lên một khu vực nhỏ và khuất để kiểm tra tình trạng sau khi khô. Nếu cảm thấy kết quả không quá khả quan, hãy giao món đồ của bạn cho tiệm giặt khô hoặc chuyên gia làm sạch đồ da.

ban chai ve sinh sofa da lon

Ảnh: Nelly Cuanalo

Bước 6: Sử dụng dung dịch tẩy rửa lên toàn bộ món đồ

Trước tiên, hãy xử lý các vết bẩn cứng đầu còn sót lại vì bạn sẽ không thể phát hiện ra chúng sau khi đồ vật bị ẩm. Sau đó, phun chất tẩy rửa lên từng khu vực một, sử dụng khăn hoặc miếng bọt biển màu trắng để chà xát theo chuyển động tròn. Những chuyển động này có thể làm cho chiếc ghế trông tối hơn nhưng sẽ trở lại màu sắc bình thường khi đã sạch và khô.

Bước 7: Thấm bớt nước bằng vải khô và phơi ở nhiệt độ phòng 

Sau khi đã lau sạch, dùng vải khô để thấm bớt hơi ẩm và phơi đồ nội thất ở nhiệt độ phòng. Sau khi khô, bước cuối cùng bạn cần thực hiện là dùng bàn chải mềm chà nhẹ để giúp làm tơi bề mặt sợi, trả lại vẻ mềm mại cho món đồ.

ve sinh do noi that

Ảnh: Nelly Cuanalo

Quy trình vệ sinh dành cho da lộn tự nhiên 

Quy trình làm sạch đồ nội thất bằng da lộn tự nhiên khá đơn giản, tương tự như các bước trong quy trình làm sạch dành cho chất liệu tổng hợp. Tuy nhiên, dung dịch tẩy rửa được sử dụng là hỗn hợp bột ngô và chất tẩy keo thương mại để hút dầu tự nhiên trên da thật và xử lý cặn dính. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng bàn chải lông mềm, miếng bọt biển là lựa chọn tối ưu khi cần chà xát bề mặt da lộn tự nhiên. Cuối cùng, bạn nên thêm bước xịt bảo vệ da lộn để duy trì trạng thái tốt nhất của chất liệu sau vài lần tẩy rửa. 

binh xit do noi that

Nên sử dụng bình xịt phun đều và cách đồ vật ít nhất 30cm | Ảnh: Cristina Tudor

Thực hiện: Thùy Như | Theo: ELLE Decor


Xem thêm: 

Khung tranh bằng gỗ tự làm tại nhà

Lấy lại vẻ sáng bóng của đồ bạc

Giấy dán tường và giải pháp sơn lại