“Nhất nghệ tinh”: Võ Bình và sự nghiệp phục chế tranh

Chấp nhận chi khoản kinh phí gần 300 ngàn Euro – tương đương với một gia tài ở Việt Nam vào những năm 90, Võ Bình bôn ba sang châu Âu 3 năm để thọ giáo nghề phục chế tranh tại các lớp học ngắn hạn ở Bỉ và Pháp. Thế nhưng khi trở về Việt Nam, những kỹ thuật bài bản học được nơi trời Tây tựa như muối bỏ biển, bởi không thể áp dụng rập khuôn vào thực tế nơi quê nhà.

Từ hơn 20 năm trước, họa sĩ Võ Bình thành danh qua các loạt triển lãm cá nhân tại Brussels (Bỉ), Amsterdam (Hà Lan), Lyon (Pháp)… Hơn 300 tác phẩm trong loạt tranh sơn dầu vẽ chi tiết máy móc, cơ khí… được mua sạch giúp một họa sĩ trẻ mới vào nghề như Võ Bình thành công ngoài sức mong đợi. Anh quyết định dùng số tiền thu được từ triển lãm để đăng ký học các lớp ngắn hạn về phục chế tranh dành cho nhân viên bảo tàng khắp nước Bỉ rồi học tiếp theo các khóa nâng cao tại Pháp.

phục chế tranh - 1

Không gian làm việc của Võ Bình. Bạn cùng nghề ở Bỉ và Pháp hiện làm việc tại các nhà đấu giá lớn như Sotheby’s, Chirstie’s… khi gặp tranh Việt cần phục chế cũng thường nhờ Võ Bình thực hiện.

Ba năm miệt mài trong phòng phục chế các bảo tàng, Võ Bình được học cách phân tích, nhận định chi tiết một tác phẩm hội họa qua chất liệu vốn được các họa sĩ châu Âu rất chú trọng. Nhưng ở Việt Nam, môi trường sáng tác của họa sĩ hoàn toàn khác biệt, tranh vẽ khi là giấy tập học sinh, tấm bìa cứng, bao bố, toan kém chất lượng, sơn vẽ pha dầu hôi, có tác phẩm nghiền cả nếp bánh chưng trộn màu rồi vẽ… Những kỹ thuật học được ở trời Âu với quy tắc chuẩn mực đều không tương thích khi áp dụng phục chế tranh Việt. Võ Bình chia sẻ: “Điều có thể áp dụng ở thị trường tranh Việt là trước khi sửa một tác phẩm, mình cần dành nhiều thời gian đọc, hiểu, tìm thông tin, nắm bắt phong cách sáng tác, hiểu được tình cảm và ý đồ của họa sĩ”.

phục chế tranh - 2

Một tác phẩm tả tơi màu thời gian, không còn nguyên vẹn hình hài, màu sắc, được xác định do họa sĩ trường vẽ Gia Định thực hiện, đang trong giai đoạn phục chế.

phục chế tranh - 3

Các tác phẩm hội họa Việt qua thời gian đều bộc lộ điểm yếu chung là sử dụng chất liệu kém, dễ bong tróc, khô mặt, dộp sơn, rách toan, bạc màu.

Việc phục chế tranh giúp Bình dần trở thành một nhà nghiên cứu hội họa Việt. Với những tác phẩm xuống cấp, cũ nát đến mức bỏ đi, Võ Bình vẫn cần mẫn sưu tầm, hợp thành BST đồ sộ với hơn 300 tác phẩm sáng tác của riêng các họa sĩ trường vẽ Gia Định các thời kỳ. Gặp tác phẩm đắt giá không cơ duyên sở hữu, Võ Bình tìm đến nhà sưu tập xin được quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu thêm. Nhờ vậy, anh hiện là một trong những nhân vật thẩm định và phục chế tranh thuộc hàng cao thủ của hội họa Việt.

phục chế tranh - 4

Nối lại lớp toan mới cho tác phẩm của diễn viên – họa sĩ Lê Chánh, dân Long Xuyên, là cháu của họa sĩ Lê Phổ.

phục chế tranh - 5

Tác phẩm hiếm hoi của họa sĩ Tôn Thất Văn vẽ bức thiếu nữ (1978).

phục chế tranh - 6

Tác phẩm vừa được Võ Bình phục chế. Hình ảnh cô kỹ nữ ở thập niên 60, người đã phụ tình diễn viên – họa sĩ Lê Chánh khiến ông vẽ lại chân dung để nhớ kỷ niệm buồn.

Nhận định về chất lượng tranh Việt, Võ Bình không ngần ngại: “Các sáng tác của họa sĩ Việt đa dạng, đẹp, nhưng vì nhiều lý do cá nhân, thời cuộc, kinh tế, mà chất liệu không được chú trọng khiến thị trường tranh hiện nay có thể nói đến 80% kém chất lượng. Chỉ sau 10 năm là bộc lộ các khiếm điểm như nứt sơn, giòn mặt, bong tróc, nấm mốc… Một tác phẩm đẹp, một tên tuổi họa sĩ thành danh, khi chọn chất liệu kém thì thật uổng cho hội họa Việt vì tuổi đời tác phẩm quá ngắn”.

phục chế tranh - 7

phục chế tranh - 8

Những tác phẩm xưa cũ của họa sĩ trường vẽ Gia Định đậm sắc thái tình cảm, giàu chất Nam bộ đang chờ được phục chế.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH – Ảnh: HẢI ĐÔNG – Sắp đặt: TỪ PHƯƠNG THẢO.