Trạm nghỉ mang hình lều Yurt giữa thảo nguyên Mông Cổ tươi xanh

Công trình kiến trúc hiện đại toạ lạc giữa thảo nguyên Mông Cổ tươi xanh nhưng không chút lạc lõng, mà ngược lại vô cùng hoà hợp với cảnh quan.

Thông tin công trình: 

Tên công trình: Trạm nghỉ Mulan Weichang

Kiến trúc: công ty HDD

Địa điểm: Mulan Weichang, Hà Bắc, Trung Quốc

Kiến trúc sư chủ trì: Hai’ao Zhang

Diện tích :275.0 m2

Ảnh: Shenliang Su

Xây dựng: Chengde Jiacheng construction co., ltd.

Trạm nghỉ cho khách du lịch Mulan Weichang toạ lạc ở phía Đông Bắc tỉnh Hà Bắc, tiếp giáp với thảo nguyên đồng cỏ Nội Mông, đây là một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất trên thế giới.Hình dạng công trình lấy cảm hứng từ lều Yurt truyền thống của người Mông Cổ với phần trần đan nan tuyệt đẹp, mái được làm toàn bộ bằng kính giúp cho nơi này luôn ngập tràn ánh sáng.

Ảnh: Shenliang Su.

Kiến trúc sư Hai’ao Zhang từ công ty kiến trúc HDD là người chủ trì của dự án này cho biết: “mục tiêu chính của chúng tôi là giúp cho công trình này hoà nhập vào khung cảnh thiên nhiên rộng lớn một cách liền lạc nhất.” Zhang đã nghĩ ra 3 giải pháp để đạt được đích đến này. Bước đầu tiên là tạo hình dạng khối nhà với cảm hứng  đến chính từ kiến trúc truyền thống của người Mông Cổ. Bước thứ hai là sử dụng vật liệu bản địa như đá cổ, dầm gỗ cũ và mây tre. Cùng nhau chúng sẽ tạo ra các tiểu cảnh nhỏ, giúp toà nhà có thể hoà lẫn vào tự nhiên chứ không hề lạc lõng.

Mối liên hệ giữa kiến trúc và chủ nghĩa tượng trưng đã được thể hiện vô cùng ấn tượng trong suốt chiều dài lịch sử của con người. Phần khó nhất của dự án chính là tạo ra được sự kết nối giữa thảo nguyên xanh với toà nhà. Rất nhiều yếu tố đã được “vay mượn” từ cách dựng lều yurt truyền thống, ví dụ như: cấu trúc trục trụ tròn, vòm mái thiết kế tỉ mỉ ấn tượng với phần chóp tuyệt đẹp.

Hai vòng tròn lớn được tạo ở trung tâm, là một phần mở rộng cải tiến so với mặt bằng lều truyền thống. Cách xử lý này khiến căn lều trở nên phù hợp với lối sống hiện đại hơn.

Tiền sảnh tròn đôi được đặt ngay trung tâm của công trình. Ảnh: HDD

Hai khối nhà chính mang hình lều Yurt của người Mông Cổ được tạo thành từ khung thép kết hợp cùng phên gỗ bọc ngoài và mái kính bên trên. Ảnh: Shenliang Su

Tiền sảnh tròn đôi được đặt ngay trung tâm của công trình với sảnh chính cũng lấy cảm hứng không gian từ lều sinh hoạt của người Mông Cổ. Tầng thứ hai là khu vực cho trẻ em. Trong tương lai nơi đây được kì vọng sẽ trở thành thư viện trung tâm của khu vực.

Ảnh: Shenliang Su.

Gỗ và đá bản địa được sử dụng trong xây dựng thể hiện quan điểm kiến trúc bền vững, gần gũi với thiên nhiên và đời sống con người. Ảnh: Shenliang Su.

Kết cấu chính được dựng bằng khung thép, kết hợp cùng mảng kính low-e (cách nhiệt) ba lớp. Vậy nên nhiệt độ trong nhà luôn được duy trì ở mức dễ chịu. Phần giếng trời rộng mở không chỉ đẹp vô cùng mà còn giúp nơi này luôn ngập tràn ánh sáng. Các khung gỗ xếp thành nan dọc bên ngoài trở thành hệ thống che mát hiệu quả. Khung được tạo thành dựa trên nguyên tắc kiến tạo giúp tăng cường sự chắc chắn, tồn tại thích ứng được trong môi trường tự nhiên. Dự án được xây dựng với cách tiếp cận bền vững nên gỗ và đá hoàn toàn là nguyên liệu địa phương. Các chi tiết đều là đồ tiền chế, sau đó được ráp nối tại công trường, hạn chế tối đa việc xây dựng đụng chạm đến thiên nhiên đảm bảo sự phát triển của thảo nguyên.

Khung gỗ được xếp với độ dày mỏng khác nhau, tạo thành hình mái hoa rất đẹp.

Không gian bên trong vô cùng ấn tượng với phần mái ốp vồng như chiếc nón cùng mái kính giếng trời ngập sáng. Nơi này  có phần khung gỗ đan ô kéo dài lên tận trần nhà tạo thành một thư viện đồ sộ. Ảnh: Shenliang Su

Không gian nội thất được làm giống với bên trong lêu yurt với các thanh nan toả theo nhiều hướng.

Phần khung gỗ đem lại sự thân thiện dễ chịu cho khối kiến trúc thép này. Ảnh: Shenliang Su

Trạm nghỉ hoà mình vào chốn thiên nhiên thanh bình chứ không hề lạc lõng. Ảnh: Shenliang Su.

Trẻ em trong vùng thường tìm đến đây để đọc sách và chơi đùa. Với không gian sinh hoạt chìm vào bên trong tạo cảm giác đầy sự ấm cúng, thân mật. Bên hông nhà, một ô cửa sổ được trổ thật lớn với tầm nhìn tuyệt vời về phía đồng cỏ xanh bát ngát. Nhìn từ nơi đây, người ta có thể chiêm ngưỡng khung cảnh núi non trùng điệp, sông lượn uốn quanh, thảo nguyên trải dài có bầy cừu thong dong gặm cỏ, vô cùng thanh tịnh và yên bình. Các du khách nghỉ chân ở đây có thể cùng nhau chia sẻ căn bếp vốn được thiết kế theo kiểu mở, rất tiện nghi và thông thoáng.

Khu vực sinh hoạt thư thả và gọn gàng với tầm nhìn tuyệt đẹp. Ảnh: Shenliang Su.

Phòng ngủ hướng về phía thảo nguyên trải dài bất tận. Ảnh: Shenliang Su.

Khu vực sinh hoạt chung và bếp. Ảnh: Shenliang Su.

Khung cửa chính mở rộng giúp mọi người chiêm ngưỡng được khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bên ngoài. Ảnh: Shenliang Su

Rải rác xung quanh toà nhà là những tiểu cảnh nhỏ, mở ra những trải nghiệm đầy hứng thú cho khách tham quan. Một đài ngắm sao được xây dựng bên hông nhà chính với phần thân dát kính nổi bật lên giữa đồng cỏ. Vọng đài này sẽ đem lại cho những người yêu thích thiên văn một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.

Đài ngắm sao dát kính bên ngoài nhà. Ảnh: Shenliang Su.

Những ô tiểu cảnh làm nên sự thu hút rất riêng cho chốn này. Ảnh: Shenliang Su.

Thực hiện: Phương Nguyễn theo Archdaily

Ảnh: Shenlian Su