Căn nhà ấm bước ra từ hình thái học thôn xóm

“Một kiến trúc tốt khiến cho người ta phải im lặng.
Tinh lọc tầm nhìn
Hướng nội
Nó phải bảo toàn được vùng không gian thay vì lấn chiếm xâm lược không gian.
Kiến trúc không phải là vấn đề của quy mô, tỷ lệ, hiệu quả ánh sáng, kết cấu sàn và tường quét vôi trắng – mà kiến trúc là vấn đề của “đánh thức” sự nhạy cảm của người sống trong đó.
Để cảm nhận được sự hiện diện của im lặng, của những điều không nhìn thấy được, của những thứ “không phải vật chất” – vì thế kiến trúc là một công việc tuyệt vời.
Một nơi có thể cảm thấy an nhiên, yên ắng, bình an, thoát khỏi những xô bồ và thô tục. Thời gian dừng lại trong sự tĩnh lặng của không gian”- (Claudio Silvestrin)

Tôi muốn mượn những ý niệm và câu chữ của Claudio Silvestrin để bày tỏ những rung cảm trong sự “đánh thức” nơi những hồn thực địa tôi đi qua. Những rung động đó vượt xa hơn kiến trúc, lớn lao hơn kiến trúc, nhưng nó phải đi từ những kiến trúc nối kiến trúc. Cộng với những khoảng không giữa những kiến trúc ấy, tất cả vừa đủ trong một thiên nhiên cần thiết tạo nên cái gọi là “hồn thực địa”. Ấy mới là nơi mình muốn sống, muốn đến, và ngồi lặng yên để nhìn sự sống đang trôi qua.

ngôi nhà hình thái học

Những chiều đến trong bảng lảng khói trời và hương đồng ruộng phía trước hiên nhà. Mái ngói cấu tạo theo kiểu úp vỏ cua, đứng thâm trầm trước thiên nhiên tịch mịch.

1. Hình thái học và hành trình “tái định nghĩa” một căn nhà

– Hình thái học – Morphology, được hiểu nôm na như là những cấu trúc và hình dạng của một thực thể được xác định (a living being), và những chuyển biến của nó trong những chiều thời gian và không gian nhất định.
– Hình thái học Đô thị – Urban Morphology, là những nghiên cứu về cấu trúc của những thực thể trong đô thị như: công trình kiến trúc, giao thông, vỉa hè, cây xanh, và cả những khoảng trống của đô thị. Bằng cách bóc tách từng lớp đối tượng cụ thể, Hình thái học sẽ khác nhau, chúng được làm thành dữ liệu thông tin cho các tính toán và ý tưởng của các đồ án thiết kế đô thị.
– Hình thái học Nông thôn, Thị tứ Làng xã – Rural Morphology, cũng được hiểu tương tự khái niệm của Hình thái học Đô thị nhưng nghiên cứu trên những đối tượng đặc trưng khác ở vùng Nông thôn và quy mô Làng xã. Tuy nhiên, có một thực thể sống luôn quan trọng và chi phối sự sống động của Hình thái học Nông thôn, đó là Thiên nhiên. Thiên nhiên mang những tính cách vừa đặc vừa rỗng, và mang trong lòng nó những chuyển đổi mà ít ai có thể tính toán được. Nên sự “đánh thức” những không gian phi vật chất sẽ trở nên phong phú và vô lượng hơn trong một Hình thái học Nông thôn cụ thể. Điều ấy đương nhiên rằng, sẽ không một Hình thái học Nông thôn nào giống với cái nào, nếu có chăng đó là sự khiêng cưỡng của con người.
– Hồn Thực địa – Genius Loci, là nơi chốn được quyết định bởi hành vi Hình thái học của thực thể nơi chốn ấy (Morphologic Behaviour). Hồn thực địa có nơi rõ nơi mờ, có nơi nhiều nơi ít, nhưng sự phát triển của một Hình thái học dù Đô thị hay Nông thôn đều cần có nó. Nó quyết định toàn bộ ý tưởng, niềm cảm hứng, và cấu trúc của vùng Đô thị hay Nông thôn ấy.
– Bởi lẽ đó, chúng ta cần nghiêm túc và quan trọng trong việc “định nghĩa lại” khái niệm của một “Căn nhà”. Nó không phải là một đối tượng tự thân. Nó cũng không phải là một đối tượng được chi phối bởi những thứ do con người tính toán như: tầm thước, vật liệu, màu sắc, vật dụng ở trong nó… Nó là một đối tượng phải hiểu xa và rộng hơn ngoài nó. Cấu trúc của một căn nhà (có thiết kế hay không có thiết kế), cần thiết phải đi qua một Hình thái học Đô thị hay Nông thôn nhất định, và ở trong bối cảnh của Thiên nhiên cụ thể, với đoạn mốc Thời gian nhất định, khi ấy một “Căn nhà” đúng nghĩa mới được tạo ra. Nếu đi qua những khung cảnh Không gian, Thời gian và Hình thái ấy, nó có sự chuyển biến đời sống. Khi đó Văn hóa và Di sản mới được định nghĩa. Đồng thời, một “Căn nhà” ấm áp, lạnh lẽo, đẹp đẽ hay xấu xí đều bước ra từ mối tương quan của nó trong Hồn Thực địa.

hình thái học thực địa

Cấu trúc của thung lũng Phia Thắp là một vòng khép kín, men theo chân núi Phà Hùng,bao bọc xung quanh bởi các núi đá cao hiểm trở, tạo nên sự cô lập và chắn gió cho mùa Đông rét buốt. Thiên nhiên như ôm ngôi làng lại từ phía sau bằng những vạt rừng thấp.

hình thái học đô thị

Cấu trúc điển hình một nhóm ở của người Nùng An theo chiều đứng. Hình thái học hiện ra trong mối tương quan của các đối tượng: mặt đất – ruộng vườn – lạch nước – chuồng trại – nhà chính – bếp – nhà vệ sinh – sân trước – sân sau – cây cối – núi non – bầu trời.

hình thái học hồn thực địa

Hình thái học trong mối quan hệ nhiều chiều: không gian ba chiều + không gian văn hóa + không gian thiên nhiên + chiều thời gian + đánh thức cảm xúc.

2. Làng hương Phia Thắp – Cao Bằng và những cấu trúc Hình thái học

Làng hương Phia Thắp được bao bọc bởi những ngọn núi đá cứng và cheo leo ở cụm núi Phà Hùng, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Phia Thắp là một thung lũng hẹp, kín đáo và cách biệt với các thunglũng khác. Có lẽ tất cả những điều đó đã làm nên một ngôi làng bình yên và ấm áp này. Người dân sinh sống ở đây là người Nùng An. Họ tự trồng trọt và chăn nuôi trong thung lũng dưới chân núi Phà Hùng làm nguồn lương thực chính, một phần có được nhờ vào những vạt rừng ven theo thung lũng. Người Nùng An giỏi trồng trọt, họ trồng được lúa nước dài vụ, ngô, sắn, một ít cây ăn quả và rau màu. Họ cũng giỏi trong các nghề thủ công: mộc, đan lát, dệt, gốm ngói, và làm nhà bằng đất độn rơm. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nghề làm hương, nghề có từ rất lâu đời, và hương đốt nghe mùi rất thơm. Bí quyết nằm ở chỗ bột hương được nghiền từ gỗ thông mục, và keo kết dính là từ lá cây bầu phơi khô, cũng đem nghiền thành bột.

hình thái học nông thôn

Nguồn ảnh: Huyền Đan

3. Nhà của người Nùng An ở làng hương Phia Thắp

Tôi có một chuyến đi dài ven những ngọn núi nơi biên giới, những ngọn núi ở địa đầu Tổ quốc. Tôi để mình lạc vào một thung lũng là vùng núi non Cao Bằng, khi ấy tôi chưa được biết nó là thung lũng của người Nùng An. Đó là một buổi chiều nhạt nắng, mây xám lạnh, những nếp nhà ngói “úp vỏ cua” thâm trầm cứ đua mãi lên nhau, khói bay bảng lảng của mùa gặt và từ gian bếp. Thoảng trong gió mùi lưu cữu từ hương trầm bay, một ít là rơm rạ từ khói đốt đồng. Tôi bị đánh thức bởi những rung động như kẻ đi lang thang trên mặt đất âm u vừa kịp bước chân vào khu vườn nhiều ánh sáng và tiếng chim ca. Những ngôi nhà men theo con đường, hai bên là ruộng đồng khiến tôi quá xúc động. Nhà theo lối kiến trúc nhà sàn xưa của người Nùng An, mái dốc đua dài. Tầng trên sàn là nơi con người ở, tầng dưới dùng làm chuồng trại cho trâu, lợn, và gà. Những ngôi nhà nằm san sát giữ ấm cho nhau, và đứng kiên cường cả trăm năm nay (có khi hơn thế nữa), kiên cường qua nắng mưa và những cơn gió cắt da thịt của vùng đồi núi phía Bắc. Ở khoảng trước những ngôi nhà, hay thi thoảng có những khoảng giữa là vườn rau nhỏ, vài bụi chuối, hay là sân phơi rơm rạ, phơi tre dùng làm hương… Phía trước những nếp nhà là ruộng lúa, vườn ngô hay sắn, phía sau lưng là một vườn cây hồng, cây mận nối theo những vạt rừng cao vút.

hình thái học miền núi

Người Nùng An làm hương từ bột cây thông mục và se nhang bằng keo làm từ lá cây bầu.

hình thái học sinh thái

Tường nhà đất đọn rơm của người Nùng An, những sân phơi nhang và nông sản.

hình thái học bản làng

Nguồn ảnh: Huyền Đan

hình thái học buôn làng

Nguồn ảnh: Huyền Đan

Lối vào nhà nhỏ nhắn và khiêm nhường trong cỏ cây và ruộng vườn. Điểm xuyết để dẫn lối là bờ rào đá. Đá được lấy từ những chân núi, trong ruộng đất, được kè và xếp khéo léo. Mấp mé bên bờ rào đá, mà lòng tôi nghe thoảng đâu đấy “tiếng khèn môi sau bờ rào đá”(*). Tất cả đều là đá, nhưng sắc nhọn, lạnh lẽo và mong manh như khát vọng yêu đương của May, của mẹ Già, của mẹ Hoa. Tôi như sống trong một khung cảnh của hai ký ức. Ký ức vừa mới đây của những bóng dáng người con gái Nùng An, chưa biết, chưa hiểu gì, tất cả là không. Ký ức về hình ảnh của May, “May bíu lấy gốc cây lê, cố thở thật khẽ. Ánh trăng cuối tuần mờ quá. Gió lạnh từ trong khe núi ào ra, mấy chiếc lá lê già còn sót lại rụng nốt, quệt vào bờ rào đá lạt sạt…”. Chỉ là một bờ rào đá với một nhành cây mận còn ít lá, vài bụi môn nước, và những cỏ xuyến chi len lỏi qua khe cũng đủ làm tim tôi trở nên rộn ràng và nhọc nhằn với những chuỗi cảm xúc vô tận.

Không gian ở bên trong ngôi nhà cũng gọn gàng và ấm áp, nhưng không hề thiếu vắng sự tôn nghiêm. Nhà theo lối ba gian. Ở giữa dùng làm gian thờ gia tiên và bàn đón tiếp khách. Ở hai gian bên dùng làm nơi ngủ của các thành viên trong gia đình. Phía sau, hoặc bên hông dùng làm bếp và vệ sinh. Các không gian được kéo lại gần như lối của người xưa, thu nhỏ và khiêm nhường trước thiên nhiên và vườn tược.

hình thái học

Các không gian mô phỏng căn nhà của người Nùng An trong tương quan Hình thái học làng Phia Thắp.

hình thái học nguyên sinh

Ngôi nhà được đặt trong mối tương quan giữa thiên nhiên tĩnh lặng: phía trước là ruộng lúa, rẫy ngô, bụi chuối; phía sau là vườn cây tre, khóm tre trúc, và những vạt rừng thấp; kết thúc bởi những núi đá cao sắt nhọn trên nền trời mênh mông.

hình thái học

Khung cảnh làng Phia Thắp mùa gặt lúa: con người Nùng An – các vật nuôi (trâu, gà vịt, chó mèo, lợn…) – thiên nhiên cây cỏ hiền lành và dịu mát.

Tầng dưới sàn làm nơi chuồng trại cho trâu, lợn và gà được chăm sóc và dọn dẹp sạch sẽ. Nơi ở của các loài vật cũng được xem trọng như con người, sạch thoáng vào mùa nóng, và ấm áp vào mùa lạnh. Nhìn các con vật nơi đây, chúng hiền dịu như suối chảy ngoài khe, như vạt cây xôn xao phía sau nhà, như ngọn cỏ mềm vương theo cơn gió. Tất thảy nói lên sự bao dung của con người Nùng An trong thung lũng Phia Thắp, hay đúng hơn là sự biết mình và biết vạn vật giữa thiên nhiên tươi xanh nhẹ nhàng mà tiếng gọi là ruộng vườn, từ bãi nương ngô, xuống ruộng lúa, ra vườn rau, mương nước, từng đàn gà vịt, trâu bò, chó mèo quanh sân. Thêm nắng rót xuống, mưa đổ về, và gió bay ngang, bình yên từ đó khởi nguyên. Căn nhà ấm từ đó cất lên tiếng ca trong lành nhất.

hình thái học trong cuộc sống

Trang phục truyền thống của người Nùng An. Áo nhuộm chàm, các họa tiết làm thủ công. Tiết chế, kiệm càng mà sâu thẳm thiên tính mỹ thuật, như cái cách và lối sống của họ qua hàng trăm năm nay tại thung lũng này.

4.
Một căn nhà đẹp không nhất thiết phải được can thiệp bởi những bàn tay có chuyên môn mà chính con người và vạn vật trong thực thể ấy sống và tạo ra cái đẹp hồn hậu, cái đẹp vẹn toàn trong những mong manh bất toàn. Nếu được sống trong những ngôi làng như ở Phia Thấp, bạn sẽ được nghe tiếng ca đẹp đẽ nhất của mặt đất, tiếng ca cất lên từ gió, bắt nguồn từ đất khô thổi nhẹ vào thinh không, bay lên mãi ở những xanh tươi.

Hình ảnh & bài viết: Huyền Đan