Nhắc đến các giống hoa đào, có đào bích, đào phai, đào thất thốn, đào rừng, đào bạch, đào đá… Bàn đến dáng cây có đào thế, đào vọt, đào dông, đào vồng… Đi sâu vào hoa có cánh đơn, cánh kép… Những kiến thức, chi tiết trong nghệ thuật chơi hoa đào, đều thấy đâu đó trong các tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa biểu tả vào hội họa, nhiều về số lượng, đẹp ở chiều sâu, đa dạng ở phong cách. Sự tổng hòa ấy được bằng hữu định danh luôn cho Nguyễn Hữu Khoa là họa sĩ hoa đào, dù rằng những đề tài về biếm họa, xe máy, ký họa… cũng là những thế mạnh chuyên biệt khác mang phong cách riêng của Nguyễn Hữu Khoa.
Chân dung hoạ sĩ Nguyễn Hữu Khoa.
Tác phẩm vẽ bằng màu gouache và acrylic trên giấy bìa, hoàn thành vào năm 2022.
Hiểu rõ cấu trúc hoa đào là lợi thế để Hữu Khoa chọn hoa đào làm đề tài khai thác chuyên sâu.
Một rung động mùa Xuân với hoa đào qua tranh của Nguyễn Hữu Khoa.
Tìm hiểu về thú chơi hoa đào của người Hà Nội, có nhiều phong cách lắm, đem chuyện mê hoa, chơi hoa đào ngày Tết hỏi họa sĩ hoa đào Nguyễn Hữu Khoa, anh tiết lộ cách chơi riêng mình: “Tôi thích hình ảnh hoa đào mang tính tự nhiên nhất, gần với thiên nhiên nhất. Khi chọn mua hoa đào, tôi thích mua loại người làng Phú Thượng tôi hay gọi là đào dông, đào vồng, cây được cho mọc tự nhiên và chỉ cắt cành, nhánh để chơi. Nhưng đó là đào trồng, chứ không phải cây rừng. Tôi thấy đào rừng đẹp nhất là khi ở trên rừng, thuộc về rừng, hoa là cánh đơn. Các giống đào trồng mang hoa cánh kép tôi chuộng hơn, vì cánh hoa dày, tạo cảm giác sức sống tràn trề, vui tươi, ấm cúng cho không khí Tết”. Đứng trước các tác phẩm hoa đào của Nguyễn Hữu Khoa, những năm gần đây, người xem càng nhận ra hoa đào được tác giả thể hiện không mang hình, nét cụ thể, chi tiết và thực như những năm đầu. Sắc hoa như một chấm phá, thể hiện gam màu tự nhiên, bố cục tác phẩm với hoa – thân – nụ – lá kết hợp cùng không gian gợi về sự hồn nhiên, tự do. Từng bông hoa, dù ít hay nhiều, vẫn toát lên vẻ hiện đại, chắc khỏe nhờ sự cách điệu có kiểm soát để thoát ra giới hạn tả thực, nhưng vẫn giữ được tinh thần vốn có của một dòng hoa Xuân. Trong sáng tác, các nghệ sĩ thường gửi gắm một điều gì đó ẩn chứa trong tác phẩm. Hỏi về chuyện này ở hoa đào, Nguyễn Hữu Khoa tâm sự: “Tôi là người làng đào, nên những cảm xúc với hoa này sâu đậm lắm.
Hình ảnh mạnh mẽ, tràn sức sống của hoa đào ngày Xuân trong những tác phẩm khổ lớn của Nguyễn Hữu Khoa.
Tác phẩm vẽ bằng màu gouache và acrylic trên giấy bìa, hoàn thành vào năm 2022.
Những chi tiết trong hoa đào với thân – thế – hoa… được sắp xếp, bố cục hợp lý.
Dùng phóng tác phá cấu trúc lệ hình, mang lại sự khác biệt cho từng tác phẩm.
Ngày trước mỗi khi ra vườn đào ở rìa làng, chỉ nhìn đồng hoa rực sáng là biết Tết về. Người Việt quan niệm những sắc thái ngày Tết phải tươi mới rực rỡ, cầu mong may mắn an lành. Tôi vẽ hoa đào cũng muốn thể hiện vẻ đẹp ấy cho không khí ngày Tết thêm tươi vui, ấm cúng, cũng là gửi gắm những gì tốt đẹp nhất của năm mới mà mọi người thường mong. Cái khó là vì chỉ cùng một đề tài hoa đào, nếu chỉ vẽ giống, vẽ đúng thì không khó, mà phải làm sao để từng bức tranh đều mang các sắc thái, phong cách và tinh thần riêng, không có sự lặp lại”. Với họa sĩ hoa đào Nguyễn Hữu Khoa sau mỗi một năm tích lũy kinh nghiệm, người yêu hội họa thấy ở anh những sáng tác mới, phong cách mới, khác lạ, đặc biệt từ những cánh đào ngày Xuân.
Thực hiện: Nguyễn Đình
Xem thêm
Họa sĩ Phan Thị Thanh Nhã: Khúc giao mùa của thực vật họa
Cẩm tú cầu: Vết dấu lịch sử của những khóm hoa mùa hạ
Hoa phi yến – Vẻ kiêu sa từ thần thoại đến đời sống hiện đại