12 con giáp biến hóa trong tranh của feebee

Cũng vẫn là những con giáp quen thuộc trong văn hóa Á Đông, nhưng qua góc nhìn nghệ thuật độc đáo và kĩ thuật vẽ tranh cổ truyền, nữ họa sĩ feebee đã cho ra các tác phẩm cực kì ấn tượng. 

Lớn lên ở vùng đồng quê Nhật Bản, feebee được sống hòa mình vào thiên nhiên từ bé. Có lẽ điều đó cũng tạo nên một trong những nét đặc trưng trong các sáng tác của cô. Tranh của cô trông lạ mà quen. Quen ở kĩ thuật vẽ tranh truyền thống đậm chất Á Đông bao gồm nghệ thuật vẽ màu nước Gongbi của Trung Quốc và tranh phù thế Ukiyo-E của Nhật Bản. Còn lạ nằm ở cách cô thể hiện thế giới quan của mình qua những hình tượng vốn đã quen thuộc với đại chúng, nhưng nay lại mang hình thù mới với những thông điệp sâu sắc.

Một trong những bộ tác phẩm làm nên tên tuổi của feebee là “The Beast Known as Kotobuki” vẽ các con giáp trong văn hóa Á Đông. Mỗi con giáp dù mang hình dáng tổng thể quen thuộc nhưng lại cuốn hút một cách kì lạ bằng những mảnh ghép đặc trưng của 11 con giáp còn lại. Bộ tranh được làm theo phong cách tranh khắc gỗ nổi tiếng thời Edo, được feebee cho ra mắt mỗi năm một bức, bắt đầu từ năm 2020 (Canh Tý) và mới nhất là hình tượng con thỏ của năm 2023 (theo văn hóa Việt Nam là Quý Mão, năm của con mèo). Sự kết hợp của 12 con vật trên hình hài của một con giáp trông kì quặc, tương phản và tranh chấp lẫn nhau. Qua đó, feefee muốn gửi đến thông điệp về sự tôn kính, sự sống và cái chết, vòng tuần hoàn của thế giới tự nhiên, và cả sự thịnh suy lẫn vòng lặp luôn tiếp diễn.

feebee 12 con giap xuan quy mao 2023

Bức vẽ con chuột bắt đầu series “The Beast Known as Kotobuki” được hoàn thành năm 2020.

feebee ox The Beast Known as Kotobuki 12 con giap

Các bức họa được lấy cảm hứng từ tác phẩm “A Beast called Kotobuki” của họa sĩ tranh khắc gỗ Shigemitsu Enrousai từ thời Edo.

feebee tiger The Beast Known as Kotobuki

Nữ họa sĩ sẽ cho ra mắt mỗi năm một bức tranh mới. Dự kiến sẽ hoàn thành series trong 8 năm tới.

Cũng với chủ đề 12 con giáp, feebee còn có một series khác mang tên “Cycle of Transformation” với 12 tác phẩm sử dụng mực Sumi, bột Gofun và màu bột vẽ trên gỗ. Cũng vẫn dấu ấn đặc trưng là kết hợp các bộ phận của chúng lại với nhau, nhưng series lại mang một thông điệp xuyên suốt về vòng tuần hoàn tự nhiên trên mỗi tác phẩm. Đó là sự bắt đầu của những hạt giống trên bức tranh của chuột, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái trên tranh của hổ, rồng, ngựa, gà, và rồi kết thúc bằng sự héo úa của heo để rồi bắt đầu lại bằng một chu kì khác, một hạt giống khác ở chuột.

feebee Cycle of Transformation rats 12 con giap

Mỗi con chuột trong bức tranh mang một hạt giống khác nhau, tượng trưng cho những sự khởi đầu khác nhau khi vòng lặp mới bắt đầu.

feebee Cycle of Transformation

Chi tiết hoa và quả xuất hiện trên các bức vẽ cọp, rồng, ngựa và gà…

Cycle of Transformation feebee 12 con giap

Cùng có 12 con giáp trong văn hóa nhưng Việt Nam là nước duy nhất lấy hình tượng con mèo sau con hổ, thay vì con thỏ ở những nước có Tết Âm Lịch khác. Với sự khác biệt này, feebee đã sáng tác một bức tranh hình con mèo đang vồ lấy con chồn và con ếch mỗi chân tượng trưng cho sự vô định. Cô nói: “Bức tranh mượn hình tượng một con giáp để thể hiện tính khả năng của sự thay đổi của một chu kì vốn đã lặp đi lặp lại. Rất nhiều thứ mà chúng ta không thể đoán trước được đã xảy ra, và đảo lộn những điều truyền thống quen thuộc.

feebee quy mao tet 2023

Tranh mèo vồ chồn và ếch “The Great Transformation” hoàn thành năm 2020.

 

Thực hiện: Hoàng Lê | Ảnh: feebee