Cuộc đối thoại giữa thời trang và nội thất

Hầu hết mọi người sẽ không bàn cãi gì khi nói rằng “xu hướng thời trang” sang “xu hướng nội thất” chỉ cách nhau một ranh giới nhỏ. Sự sẵn có và phổ biến của các phương tiện kỹ thuật số càng làm tăng thêm sự giao thoa giữa hai lĩnh vực này. Là nhà thiết kế nội thất, muốn đi trước xu hướng thì chắc chắn cần cập nhật về thế giới thời trang.

Đâu là điểm tương đồng giữa thời trang và nội thất?

Trong thời đại số, khả năng tiếp cận với các xu hướng mới trở nên dễ dàng, từ những NTK cho đến người tiêu dùng. Điểm tương đồng đáng chú ý nhất giữa nội thất và thời trang là cả hai đều cung cấp phương tiện mà cá nhân có thể tự do thể hiện bản thân. Cả hai đều là phương tiện để người tiêu dùng phân biệt phong cách giữa các cá nhân và khắc họa cách họ cảm nhận về chính mình. Cả hai ngành đều chia sẻ bối cảnh giống nhau trong việc lựa chọn màu sắc, chất liệu, nghiên cứu các xu hướng đang nở rộ, phác thảo và thiết kế. Không chỉ vậy, chúng còn là sự kết hợp của kiểu dáng, hình thức, màu sắc và chất liệu để làm bật lên những tính chất của thiết kế.

Thời trang nội thất 1

Ảnh: Tư liệu.

Với tác động ngày càng lớn của ngành thời trang đối với thiết kế nội thất, các hãng thời trang nổi tiếng đã bắt đầu hợp tác với các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất để tạo ra các dòng nội thất phù hợp với thẩm mỹ của họ.

Theo Mariana Kero, một nhà thiết kế nội thất, nhiều chi tiết cụ thể về màu sắc, hoa văn, chất liệu và bố cục thể hiện trong thiết kế nội thất mà thế giới đang đối thoại bắt nguồn từ các phong trào thời trang, kế thừa rõ nét nhất là nhung, kim loại và hoa.

Sự tác động qua lại giữa nội thất và thời trang tại Supersalone 2021

Tại Milan, Supersalone phiên bản năm 2021 của hội chợ thiết kế Salone del Mobile được thiết kế giống như một tuần lễ thời trang nhờ sự gia tăng của các thương hiệu thời trang, từ Off-White đến Hermès. Có thể kể đến một số cống hiến cho thiết kế kinh điển như Dior đã công bố dự án Medallion Chair với 17 kiến trúc sư và nhà thiết kế – bao gồm India Mahdavi, Dimorestudio, Joy de Rohan Chabot và Khaled El Mays – mô phỏng lại những chiếc ghế theo phong cách Louis XVI từng được sử dụng trong tiệm thời trang cao cấp của nhà sáng lập Christian Dior; Loro Piana Interiors đã trình bày một chiếc đèn sàn Gabetti e Isola Bul-Bo những năm 1960 đầy đặn, có phần đế hình bóng đèn được làm bằng vải cashmere.

Thời trang nội thất 2

BST của Dior. Ảnh: Tư liệu.

MissoniHome đã giới thiệu những chiếc ghế sofa ngoài trời và những chiếc túi vuông được bao phủ bởi các họa tiết ngoằn ngoèo đặc trưng của thương hiệu. Ở những nơi khác, tủ quầy bar có thể được bắt gặp nhiều lần; chúng có thể được tìm thấy với lớp lót bằng hoa văn (Etro Home Interiors) và có hình dạng giống như đầu của nữ thần tóc rắn Medusa trong thần thoại Hy Lạp (Versace Home).

Những BST nội thất đến từ các thương hiệu thời trang cao cấp

Vào năm 2017, Gucci đã đẩy mạnh và tung ra dòng sản phẩm trang trí của riêng mình. Nhãn hiệu thời trang cung cấp đồ nội thất và đồ gia dụng trang trí, được thiết kế bởi giám đốc sáng tạo của họ, Alessandro Michele, với các họa tiết và hoa văn riêng biệt của Gucci. Chiếc ghế do Alessandro Michele thiết kế tuân theo các nguyên tắc tương tự như đối với các sản phẩm trang phục của họ; hoàn thiện bằng sơn mài với bọc nhung, các chi tiết được thêu tay và họa tiết phức tạp của đầu mèo với một chùm hoa.

Thời trang nội thất 3

BST Những chiếc ghế của Gucci. Ảnh: Tư liệu.

Tương tự như vậy, Fendi đã hợp tác với kiến trúc sư Cristina Celestino để đưa ra ba chiếc bàn tại triển lãm Thiết kế Miami (2016). Những thiết kế này mô phỏng đinh tán bông tai và một chiếc nhẫn kép tinh xảo. Ngoài ra, những chiếc ghế của Fendi rất thoải mái, đáng yêu, phong cách và tối giản ở mọi hình thức. Giống như các thiết kế trang phục của họ, các nghệ sĩ đã sử dụng một đường viền lông cáo xung quanh phần đế, tập trung vào các loại vải và kết cấu sang trọng.

Thời trang nội thất 5

BST Những chiếc bàn của Fendi. Ảnh: Tư liệu.

Ngay cả những hãng thời trang cao cấp nhất cũng đang tập trung vào những thiết kế đáp ứng nhu cầu về một không gian sống chất lượng. Vào cuối tháng 8, những chiếc ghế sofa thậm chí còn có sức hút lớn hơn cả những chiếc váy dự tiệc thời trang cao cấp tại buổi trình diễn Alta Moda của Dolce & Gabbana ở Venice, nơi Domenico Dolce và Stefano Gabbana ra mắt dòng sản phẩm nội thất đầu tiên của họ.

Thời trang nội thất 4

BST Décor của Dolce & Gabbana. Ảnh: Tư liệu.

Ở Việt Nam, cũng có một số thương hiệu đi tiên phong trong việc ứng dụng tính thời trang trong nội thất cũng như tạo ra một xu hướng mới, mang đến những sản phẩm có tính cá nhân hóa cao dành cho người sử dụng.

Trong mảng đồ nội thất, NORDIC là một thương hiệu nội thất do người việt thiết kế mang cảm hứng từ phong cách nội thất Bắc Âu. Sự đa dạng trong chất liệu, màu sắc sử dụng cùng các chi tiết tạo điểm nhấn ấn tượng khiến cho người nhìn cảm thấy thích thú. Ngoài ra, các sản phẩm của NORDIC được cá nhân hóa thông qua màu sắc và chất liệu khiến cho đồ nội thất được thể hiện cá tính cũng như phong cách của chủ nhân.

Thời trang nội thất 6

BST THE LOVER – NORDIC. Ảnh: Tư liệu.

Trong lĩnh vực gỗ công nghiệp, Gỗ Minh Long cũng theo đuổi con đường “thời trang cho nội thất” với các bề mặt vật liệu cập nhật xu hướng đa dạng về chất cảm cũng như màu sắc, giúp làm phong phú sự lựa chọn cho không gian sống. Từ những màu sắc cơ bản tới những bề mặt vân gỗ hay mô phỏng các chất liệu đặc biệt khác như vải, kim loại,… đều được Minh Long nghiên cứu và phát triển mang đậm chất thời trang.

Nếu như thời trang ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, xã hội thì nội thất ảnh hưởng rất nhiều bởi thời trang. Ngôn ngữ chung thống nhất này đang được thể hiện trên hai đối tượng khác nhau, một bên là trên trang phục và bên còn lại là trong không gian. Cả hai vẫn không nằm ngoài mục đích làm đẹp và thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ và lối sống của mỗi con người đang được đang phục vụ, đó chính là điểm giao thoa vô cùng thú vị và đặc sắc mà mỗi ngày các nhà thiết kế đang trải nghiệm và khám phá.


Xem thêm:

Đi tìm tính thời trang trong nội thất

Alexander McQueen và khối bong bóng khổng lồ