Sự thấu hiểu làm nên căn nhà đẹp

Căn biệt thự xanh ngọt ngào tại Quận 2 được cải tạo từ một khung kết cấu có thiết kế rất khác biệt, là thành quả của một cuộc hợp tác thành công hiếm thấy giữa chủ nhà và kiến trúc sư đảm nhiệm công trình.

Khi nhận lời mời cải tạo và thiết kế cho một căn biệt thự tại khu vực Thảo Điền, KTS Trần Lê Quốc Bình đã dành nhiều thời gian trao đổi với chủ nhà để đi đến một quyết định cùng chia sẻ công việc trang trí và hoàn thiện không gian này. Sở dĩ có sự thỏa thuận như vậy là do anh nhận thấy nữ chủ nhân của căn nhà có niềm đam mê lớn với thiết kế nội thất, cũng như một ý tưởng rất rành mạch về việc sử dụng và phân bổ chức năng các khu vực trong nhà. Việc đầu tiên cần làm là đập bỏ rất nhiều bức tường của hiện trạng nhà cũ, vốn chia mặt bằng mỗi tầng ra làm nhiều ô bức bí, thiếu sự thông thoáng. Đây là giải pháp mang tính cách mạng nhất trong quá trình hoàn thiện nội thất của công trình. Nó cũng tái định nghĩa lại lối sống và sinh hoạt của vị chủ nhân – vốn là người rất thành thục và đam mê công việc bếp núc, thường xuyên chiêu đãi gia đình, bạn bè bằng tài nghệ ẩm thực của mình. Hiếm có chủ nhà nào chịu kiên nhẫn để chờ đợi những người thợ thủ công tỉ mỉ hoàn thiện từng chi tiết trang trí, chạm khắc, để cho họ một cơ hội được thể hiện tài hoa của mình, như ở căn nhà này.

Bước tiếp theo, kiến trúc sư cho dời hồ bơi vốn được đặt ở sân trước căn nhà lui vào sân sau, tạo thành một khoảng xanh sinh động, vừa kín đáo cho chủ nhân lại vừa đảm bảo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình vốn vẫn thường tế tựu đông đủ quanh khu vực bếp và phòng ăn hơn cả phòng sinh hoạt chung. Những giải pháp mạch lạc như vậy đến từ sự thấu hiểu cá tính, thói quen và lối sinh hoạt, khiến cho khía cạnh kỹ thuật của công trình được hoàn chỉnh, hanh thông. Một khi đã giải quyết được phần khó nhằn này, phần việc còn lại là một sự vui thú trong quá trình lựa chọn, trao đổi giữa chủ nhà với kiến trúc sư trong từng món đồ trang trí, cách xử lý các góc phòng, chọn đèn chiếu sáng vv… Có thể nói trong quá trình thi công và hoàn thiện, kiến trúc sư và gia chủ đã tìm được niềm vui và tiếng nói chung, một sự tin tưởng và cởi mở trong trao đổi ý tưởng đã biến căn nhà trở thành một niềm tự hào cho cả hai.

Cầu thang vừa là xương sống của căn nhà, cũng là một không gian sinh hoạt thường được dùng đến nhất.

Một khi đã giải quyết được phần khó nhằn này, phần việc còn lại là vui thú trong quá trình lựa chọn, trao đổi giữa chủ nhà với kiến trúc sư trong từng món đồ trang trí, cách xử lý các góc phòng, chọn đèn chiếu sáng vv…

Chiếc đàn piano cũng không tách biệt khỏi tinh thần nhẹ nhàng, trang trí cổ điển của không gian.

Phòng làm việc với kệ sách được thực hiện tỉ mỉ và chu đáo, có sự nhắc lại mô típ quả trám và sàn gỗ xương cá, làm sinh động hơn cho tổng thể tối màu. Chiếc thang kim loại cũng là một điểm nhấn duyên dáng.

Căn bếp là điểm nhấn của cả công trình, được đặt thợ thủ công trang trí và xử lý chất liệu cẩn trọng để tạo cảm giác thân thuộc, tình cảm và sinh động.

Thực hiện : Hồng Phúc – Ảnh : Naoto Ohike

————————————————————————————————————————————————————————Xem thêm : 

Không gian nhỏ ký ức đong đầy

Căn nhà ấm bước ra từ hình thái học thôn xóm