“Phép màu” Marie Kondo: dọn dẹp nhà cửa, thanh lọc tinh thần

Marie Kondo là một chuyên gia dọn dẹp – nhà tư vấn sắp xếp nội thất người Nhật. Cô là tác giả của hai quyển sách nổi tiếng “The Life-Changing Magic of Tidying Up” và “Spark Joy”. Trong tác phẩm của mình, cô giới thiệu phương pháp KonMari kỳ diệu giúp khách hàng dọn sạch nhà một lần và mãi mãi. Marie Kondo đã lan tỏa một thông điệp cực kỳ tích cực và ý nghĩa, rằng: dọn dẹp không chỉ khiến nhà cửa sạch sẽ mà còn khiến cho ta hạnh phúc.

Marie Kondo 1

Chuyên gia dọn dẹp Marie Kondo.

Người Nhật có một câu ngạn ngữ: “Một căn phòng bừa bộn cũng như thể một tâm trí rối ren”. Môi trường sống không chỉ là sự hiện diện vật lý cho những nhu cầu của bạn mà còn là sự phản ánh mức độ bình ổn của tâm trí, của khả năng sắp xếp cuộc sống hài hòa và lành mạnh. Khi không gian sống thay đổi trở nên sạch đẹp hơn, cuộc sống của bạn cũng sẽ được biến chuyển theo hướng tích cực.

Marie Kondo 2

Những không gian, vật dụng sau khi được Marie Kondo “tinh chỉnh” trở nên gọn gàng hơn, tạo tiền đề cho sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống.

Chúng ta thường hay nghĩ về việc dọn dẹp như một nhiệm vụ chứ ít khi nào xem nó như một lối sống. Trên thực tế, rất nhiều người trong số chúng ta cứ phải tiến hành quét dọn định kỳ bởi chỉ sau khi dọn dẹp một thời gian ngắn, mọi việc lại đâu về đấy. Marie Kondo đã chỉ ra vấn đề này ngay trong phần mở đầu quyển sách của mình: “Nếu bạn dọn dẹp triệt để trong một lần, thay vì từng chút một, bạn có thể khiến não trạng của mình thay đổi mạnh mẽ”. Theo Marie Kondo, việc tạo ra thêm chỗ lưu trữ chỉ là sự trốn chạy tạm thời cho trạng thái bừa bộn chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng đó. Trên thực tế, điều ta cần làm chính là điều chỉnh chính những thói quen của mình và làm từng bước để tập sống dần với những thói quen “kỷ luật” ấy.

Theo Marie Kondo: “Việc dọn dẹp chỉ là một công cụ chứ không phải đích đến”. Mục đích đạt được cuối cùng chính là một lối sống lành mạnh giúp cho môi trường sinh hoạt của bạn luôn ngăn nắp, nơi cho phép bạn thực hiện được mọi điều mình muốn.

Marie Kondo 3

“Nếu bạn dọn dẹp triệt để trong một lần,
thay vì từng chút một,
bạn có thể khiến não trạng của mình thay đổi mạnh mẽ”.

Marie Kondo 6

Trọng tâm của việc dọn dẹp hiệu quả gắn liền với hai hành động cơ bản: từ bỏ và cất giữ. Trong đó việc từ bỏ phải được làm thật dứt khoát và trước nhất, bởi sẽ thật khó để “tinh chỉnh” gian phòng của mình khi xung quanh bạn còn tồn tại quá nhiều điều thừa thãi.

Cuộc đời của một vật còn có ích gì
khi cứ chôn chân mãi trong tủ quần áo hàng năm trời.

Chi bằng ta để chúng ra đi,
đến tay những người sẽ cho chúng một cuộc sống có ích hơn.

Marie Kondo 4

Tinh thần của phương pháp KonMari được nhấn mạnh trong cụm từ “spark joy”- nhóm lên niềm vui. Khác với những quy tắc thông thường khuyến khích bạn loại bỏ vật dụng không cần thiết trong vòng 6 tháng, tạo ra thêm không gian lưu trữ hiệu quả, hay mua sắm chú trọng vào công năng. Nguyên tắc KonMari sử dụng cảm xúc con người như một tấm màng lọc, giúp bạn có thể lựa chọn chính xác những gì nên giữ lại trong nhà và những gì ta cần chia tay. Nghe có vẻ mơ hồ nhưng điều này thực ra lại vô cùng hiệu quả, bởi nhà nên là tập hợp của những điều khiến cho bạn hạnh phúc, và tận sâu trong thâm tâm, bạn biết mình yêu thích cái gì. Mấu chốt của việc dọn dẹp chính là tạo dựng nên không gian hạnh phúc ấy, khi những thừa thãi bừa bộn được gạn bỏ hoàn toàn, phần tinh túy cốt lõi giữ lại chính là cái “hồn” mà bạn đang tìm kiếm.

Marie Kondo 7

Phương pháp của Marie Kondo có rất nhiều bước, nhưng chỉ cần nắm vững những quy tắc chủ đạo dưới đây, bạn cũng có thể dọn dẹp một cách hiệu quả.

1/ Xác định chỗ để cố định cho mỗi đồ vật: bạn hạn chế được hơn 50% khả năng đồ đạc mất tích hay trở nên lộn xộn

Quy tắc sắp xếp sẽ tùy thuộc vào mỗi người và cách sinh hoạt của riêng họ. Khi mọi thứ đều có nơi chốn, bạn sẽ thấy nhà cửa trở nên ngăn nắp và vận hành trơn tru hơn. Bạn sẽ không còn mất thời gian tìm kiếm đồng hồ vào buổi sáng trước khi đi làm hay bực tức vì chẳng nhớ mình đã để chìa khóa ở đâu. Khi mọi vật được “quy hoạch” theo một trật tự khoa học, bạn còn giảm bớt được thói quen mua sắm vô độ để bù lại những vật bị đánh mất.

2/ Duy trì thói quen dọn dẹp hằng ngày và biến nó thành nếp sống của bạn

Hay nói ngắn gọn là sau khi dùng xong, bạn hãy trả mọi thứ về chỗ của chúng ngay lập tức. Ví dụ, khi trang điểm xong, các bảng màu mắt, son môi được trả về kệ; khi ngủ dậy, chăn luôn được gấp lại và gối được xếp ngăn nắp, uống cà phê xong thì ngay lập tức rửa tách và cất lại vào chạn bếp… Càng trì hoãn những công việc nhỏ nhặt này bạn càng mất nhiều thời gian để thu xếp lại sau đó, vì mọi thứ không thể tự thân trả về nguyên hiện trạng.

3/ Quần áo nên được xếp thành hình khối chắc chắn, dựng thẳng chứ không nên xếp chồng lên nhau

Đây có lẽ là “bí-kíp” nổi tiếng nhất trong phương pháp Konmari, bởi chúng không chỉ giúp bạn tìm kiếm đồ đạc dễ dàng hơn mà còn hạn chế tình trạng nhăn, nhàu quần áo. Áo quần gập thành hình hộp, được phân loại trong tủ sẽ tạo ra hiệu ứng chỉn chu, đều tăm tắp như gáy của những cuốn sách vậy, và chỉ cần liếc sơ qua bạn cũng có thể thấy được thứ mình muốn tìm.

4/ Lựa chọn chính xác những vật mình muốn sở hữu

Marie Kondo luôn khuyến khích khách hàng của mình loại bỏ trước khi cất giữ. Bằng cách xác định xem một vật có “spark joy” hay không, ta sẽ xác định được vật nào đáng để lưu lại trong nhà. Vì diện tích không gian có hạn, bạn chỉ nên giữ lại những vật khiến mình hạnh phúc, những thứ thực sự có vai trò trong đời bạn. Bạn sẽ không cần đến hàng đống tài liệu được phát trong những buổi hội thảo từng tham dự; bạn có hạnh phúc không khi sở hữu hàng đống quần áo mình chẳng bao giờ mặc tới, hay những phụ kiện mà bạn nghĩ sẽ rất phù hợp cho một dịp nào đó chưa từng xảy ra? Việc từ bỏ không đồng nghĩa với sự phung phí, mà là một cách tái cân bằng những nhu cầu trong cuộc sống. Cuộc đời của một vật còn có ích gì khi cứ chôn chân mãi trong tủ quần áo của bạn hàng năm trời. Khi tự tay loại bỏ, bạn sẽ dần xác định được nhu cầu của mình, xây dựng được không gian chỉ mang lại cho bạn niềm vui và từ đó hạn chế thói quen mua sắm tùy hứng.

5/ Hạn chế tối đa chỗ cất giữ

Càng có nhiều chỗ lưu trữ, bạn càng có thêm cơ hội tích đồ vào nhà. Do đó, để biết chắc được mình đang sở hữu thứ gì, bạn cần đơn giản hóa nơi cất giữ. Việc sở hữu nhiều tủ, kệ nghe có vẻ tiện lợi nhưng thực ra chính là cái bẫy khiến bạn sa đà vào việc “giấu đồ”, mọi thứ linh tinh lộn xộn chỉ tạm thời được che chắn khỏi tầm mắt và bạn sẽ thực sự phải đối diện với chúng một ngày nào đó. Vậy nên hãy sắm sửa vừa đủ thôi nhé.

6/ Hãy làm rỗng túi ngay khi vừa bước vào nhà

Nếu bạn luân phiên sử dụng nhiều chiếc túi qua các ngày, hãy tạo thói quen bỏ hết các đồ dùng trong túi ra khi bạn về đến nhà. Bằng cách đó bạn sẽ không còn thất lạc sổ tay, bút viết hay son môi của mình và còn giúp cho những chiếc túi được bảo quản tốt hơn. Còn nếu bạn chỉ sử dụng một túi cố định, hãy chỉ giữ lại bên trong những vật tối cần thiết như ví, giấy tờ tùy thân và loại bỏ hết những hóa đơn, vé tàu xe hay biên lai nhàu nhĩ. Song song đó là cất đi những vật sử dụng theo dịp như chiếc khăn quàng cổ, nước hoa hay tài liệu buổi họp để hôm sau có thể đổi sang thứ khác phù hợp hơn, không biến lòng túi trở thành một trận địa bừa bãi.

Với tôn chỉ đã sạch sẽ một lần thì không bao giờ bừa bộn nữa, phương pháp của Marie Kondo cho thấy dọn dẹp nhà cửa là để thanh lọc tinh thần. Khi gánh nặng về vật chất được trút bỏ dần, ta có thêm thời gian chăm lo cho sự bình thản của tâm trí. Một cuộc sống hài hòa từ trong ra ngoài như vậy thật lành mạnh và lý tưởng. ELLE Decoration chúc bạn luôn tìm được sự bình yên trong chính căn nhà thân yêu của mình nhé!

Thực hiện: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:Set featured image

Các tips đơn giản để mang thiên nhiên mát lành vào không gian sống

Space10 và mô hình quy hoạch “sạch”