Ngôi nhà trên cao nguyên Lâm Đồng: Áo mới cho những kỷ niệm

Ngập trong lãng quên của cát bụi thời gian hơn 20 năm, ngôi nhà trên cao nguyên mang số phận đặc biệt ấy tưởng không thể hồi sinh khỏi hoang tàn đổ nát. Và hôm nay, người con của xứ sở Đức Trọng (Lâm Đồng) đã quay lại để khôi phục từng chút, từng chút một những kỷ niệm đã rất cũ ấy.

Cô giáo Nguyễn Thị Sương – chủ nhân căn nhà cũ ở Lâm Đồng do người cha đã mất trước kia tự tay xây dựng nên – là người sống gắn với hoài niệm, vậy nên khi quay trở lại ngôi nhà vốn đã mục nát, cô mang theo ý tưởng làm mới công trình nhưng vẫn không mất đi nét kiến trúc cũ, nơi kỷ niệm ngày xưa của tuổi thơ, của gia đình vẫn còn in đậm trong từng mảng tường, ô cửa, thềm nhà.

Căn nhà, nơi người con gái muốn quay trở lại, coi đây là một kỷ vật từ người cha và tránh xa cảnh phố xá chật chội ngột ngạt.

Đã qua hơn 20 năm không sử dụng, tòa kiến trúc chỉ còn lại một cái xác vô hồn, không dễ dàng can thiệp vào cấu trúc để sử dụng như một ngôi nhà bình thường bởi tự thân ngôi nhà đã mục ruỗng, không chống chọi được với nắng mưa, ẩm thấp của thời tiết cao nguyên. Với quyết tâm giữ gìn và tôn trọng giá trị quá khứ, một giải pháp cải tạo đặc biệt, táo bạo là sử dụng khối nhà kính bao bọc trọn công trình cũ. Giải pháp này khiến công trình vẫn mang dáng vẻ xưa, đồng thời tránh được mọi tác động trực tiếp của thời tiết lên xác nhà cũ. Dù chưa thể hình dung trọn vẹn về hình ảnh sau cùng của ngôi nhà, nhưng chủ nhân và nhóm thiết kế Atelier tho.A đã từng bước tháo gỡ những khó khăn trước một ý tưởng về sản phẩm kiến trúc khác lạ, chưa từng có tiền lệ.

Lớp vỏ bọc độc đáo giúp không gian nhà cũ được cơi nới, mở rộng diện tích sử dụng, và trong đó chủ nhân được ngập chìm trong không gian kỷ niệm, lại có thể thỏa mãn sở thích thú vui chăm sóc vườn xanh, cây cối bất kể mọi mùa trong năm. Lớp kính không chỉ mang nhiệm vụ che mưa nắng cho ngôi nhà cũ, không gian sau lớp kính còn được thiết kế để trở thành gian bếp, nhà ăn, khu vực để xe, các dãy hành lang rộng thoáng. Nội thất của ngôi nhà cũ được điều chỉnh và tôn tạo lại làm phòng khách, phòng sinh hoạt chung của cả gia đình, gian thờ và bốn phòng ngủ riêng biệt.

Chức năng của không gian “nhà kính” này là bếp, phòng ăn, để xe và hành lang. Các chức năng còn lại bao gồm phòng khách, sinh hoạt, thờ và bốn phòng ngủ nằm trong khối nhà xây với đôi chút thay đổi về không gian và hình thức so với ngôi nhà cũ.

Chức năng của không gian “nhà kính” này là bếp, phòng ăn, để xe và hành lang. Các chức năng còn lại bao gồm phòng khách, sinh hoạt, thờ và bốn phòng ngủ nằm trong khối nhà xây với đôi chút thay đổi về không gian và hình thức so với ngôi nhà cũ.

Yếu tố “cũ” của ngôi nhà chỉ còn lại trong ký ức rất riêng mà chỉ riêng chủ nhân mới có cảm nhận rõ nét nhất.

Việc cải tạo công trình được những người thực hiện chia sẻ rằng, ngoài điểm cốt lõi của việc trùng tu là tạo manh áo mới phủ lên không gian cũ, thì trong từng chi tiết nhỏ lại là những thay đổi và chỉnh sửa đầy ngẫu hứng dựa trên quá trình xử lý, bóc tách công trình cũ và những chuyện kể gắn liền với thay đổi của ngôi nhà qua từng giai đoạn. Những chi tiết thêm vào hay lược bỏ đều là sự kết hợp hài hòa giữa người thực hiện và người sử dụng, do vậy khi công trình hoàn thiện, đã tạo nên một không gian tối ưu, rất mới, rất hiện đại nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu ban đầu mà chủ nhân đề ra.

Chẳng hạn phần tường được xử lý lại bằng màu vôi cam – đỏ, đây là mảng màu nguyên bản của công trình từ khi xây dựng ban đầu. Tường nhà cũ qua thời gian bị lún nghiêng được hóa giải bằng việc để trần, không tô vữa, vừa tạo điểm nhấn thú vị cho không gian phòng khách, vừa tạo hiệu ứng thị giác để khắc phục độ nghiêng hiệu quả. Phần ngói cũ của công trình không còn hữu dụng được biến tấu, kê đứng để tạo nên lối đi nơi sân vườn. Sự sáng tạo ngẫu hứng này đem lại cho ngôi nhà một chi tiết trang trí đẹp, đồng thời khi tưới tiêu không bị tù đọng nước, giúp chủ nhân di chuyển trên hàng gạch lối đi quanh sân vườn luôn trong tình trạng khô ráo.

Không gian bếp và bàn ăn được bố cục xen giữa hai mảng kiến trúc cũ – mới, sự cơi nới thú vị đã tạo nên một khoảng không gian đặc biệt, cảm giác như được ăn trong một khu vườn rất “mở” với mảng xanh dây lá lãng mạn, nhưng cũng rất “đóng” bên trong lớp áo trong suốt bao bọc tổng thể kiến trúc toàn công trình.

Thật khó để phân biệt không gian nội – ngoại thất, ranh giới ấy đã bị xóa mờ bởi lối hóa giải thông minh của người thiết kế trong bố cục và kết nối không gian. Những mảng xanh, nguồn sáng cùng kiến trúc cũ – mới đã tạo nên một nhịp điệu đầy sinh động, hài hòa, tạo cảm xúc thật nên thơ, lãng mạn và rất đương đại.

Những viên ngói cũ được dùng lại kê đứng làm lối đi sân vườn trong và ngoài nhà.

Người thiết kế quyết định chọn một góc tường giữ ở tình trạng chưa được tô vữa lại để gợi về những kỷ niệm đã trôi qua trên ngôi nhà.

Những không gian tạo cảm giác đóng – mở giữa kiến trúc cũ và chiếc áo mới, giữa không gian tổng thể của ngôi nhà và ngoại thất đều là một sự liền mạch thú vị. Từ khoảng sân vườn vốn mở, nhưng ngăn cách với bên ngoài qua một lớp kính chắn, nơi đó chủ nhân có thể chiêm ngắm góc nhà xưa, những mảng tường gạch, tường đá gắn với những lần tu sửa, cơi nới ngày trước của gia đình khi thêm người, giờ được giữ lại như một góc nhỏ đầy kỷ niệm. Ngôi nhà với những chi tiết thú vị như thế được tôn vinh, không chỉ mang công năng phục vụ nhu cầu ăn ở, nghỉ dưỡng, mà còn đóng vai trò như một nhân chứng kể lại chuyện cũ, ở đó những gì tươi đẹp nhất của một thời quá vãng trong gia đình như được trở lại, hiện hữu, sống động. Sự kết hợp tài tình giữa kỹ thuật, thiết kế của người thực hiện và chủ nhân đã đem lại cho tòa kiến trúc vô hồn một nét duyên rất riêng, một ngôi nhà mà “trong cái mới có cái cũ”, trong cái cũ có cả một khung trời kỷ niệm.

Tổng thể công trình hiện hữu là sự tung tẩy ngẫu hứng, phá toang những gò ép sẵn có của một kiến trúc đã lão hóa tưởng chừng không thể phục hồi, để những góc làm việc, những dãy hành lang tạo nên một giải pháp trùng tu thực sự thuyết phục.

Là công trình cải tạo nên ngoài ý tưởng chính sẵn có thì các chi tiết nội thất lại mang tính ngẫu hứng. Chiếc bồn tắm này là một ví dụ.

Kèo, mái ngói, dù đã được bóc tách, trùng tu, làm mới, hoặc lược bỏ nhưng vẫn còn đó nét duyên ngầm vương vất khắp các không gian sống. Manh áo mới hẳn giúp ngôi nhà thêm quyến rũ hơn, và sẽ là nơi góp thêm vào kỷ niệm xưa của gia đình với muôn vàn thú vị.

Tường nhà được quét vôi lại với màu cam đỏ – là màu gốc của công trình khi lần đầu được xây dựng.

Mặt sau căn nhà.

Hình ảnh: QUANG TRẦN – Bài: LAM PHONG