Trong kiến trúc và nội thất đương đại, trần gỗ là một trong những giải pháp thiết kế được các kiến trúc sư yêu thích, nhờ ưu điểm vượt trội về cảm quan và công năng. Trong các công trình truyền thống, kiểu trần này đóng vai trò kết cấu chịu lực. Trong khi đó, ở các công trình hiện đại, nó chủ yếu giữ vai trò trang trí, tạo hiệu ứng thị giác trong không gian và điều tiết ánh sáng, âm thanh.
Ảnh: Pedro Kok
Ảnh: Wilson Dorigon
Vật liệu gỗ để thi công trần nhà có hai loại. Với gỗ tự nhiên, người ta ưa chọn lim, căm xe, sồi, óc chó, nhờ khả năng chịu lực tốt, vân gỗ đẹp và độ ổn định cao theo thời gian. Trong khi đó, gỗ công nghiệp như MDF hoặc HDF phủ veneer thường được dùng trong các công trình hiện đại do giá thành hợp lý, thi công nhanh và có tính thẩm mỹ đồng đều.
Về mặt kết cấu, trần gỗ thường được thi công trên một hệ khung xương, có thể bằng sắt hộp hoặc gỗ, giúp cố định các tấm ốp phía trên. Tùy vào phong cách thiết kế, trần có thể được xử lý phẳng hoàn toàn hoặc tạo hình dạng lam, khối nổi nhằm mang đến hiệu ứng thị giác đặc biệt. Bên cạnh đó, một lợi thế kỹ thuật khác của trần gỗ là khả năng cách âm, cách nhiệt tự nhiên, đặc biệt hữu ích trong các không gian đòi hỏi yên tĩnh và giảm thiểu tác động của thời tiết.
Ảnh: Akira Nakamura
Giá trị thẩm mỹ trong không gian nội thất
Trần gỗ góp phần mang đến chiều sâu thẩm mỹ rõ nét cho không gian sống. Vẻ ấm áp và tự nhiên của vân gỗ giúp trung hoà lại cảm giác lạnh, cứng của các vật liệu hiện đại như bê tông, kính hoặc kim loại. Khi kết hợp cùng ánh sáng vàng hoặc hệ thống chiếu sáng gián tiếp, trần gỗ tạo nên một không gian vừa gần gũi, vừa tinh tế.
Phong cách thẩm mỹ của trần gỗ rất linh hoạt, tùy vào cách sử dụng vật liệu và xử lý bề mặt. Trong các không gian mang hơi hướng Bắc Âu hoặc phong cách Nhật Bản (Japandi), trần gỗ thường dùng tông sáng, bề mặt nhẵn và thiết kế tối giản. Ngược lại, các phong cách như Rustic hay Mid-century Modern lại ưu ái loại gỗ có màu đậm, vân rõ, đôi khi để lại cả dấu vết tự nhiên của thời gian. Với không gian hiện đại theo hướng tối giản, trần gỗ dạng lam đều tăm tắp hoặc ẩn sau các hệ đèn LED trở thành một điểm nhấn kiến tạo cảm quan.
Ảnh: Wu Kuo-Hao
Ứng dụng thực tế trong không gian sống
Trần gỗ có thể được ứng dụng đa dạng trong các khu vực chức năng của ngôi nhà. Tại phòng khách – nơi tiếp đón và giao tiếp, trần gỗ đóng vai trò như một phông nền sang trọng, hỗ trợ chiếu sáng và gia tăng chiều sâu không gian. Trong phòng ngủ, vật liệu này giúp làm dịu cảm xúc, hỗ trợ thư giãn nhờ vào khả năng cách âm và cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Tại các khu vực chuyển tiếp như hành lang hay hiên nhà, trần lam gỗ còn phát huy tác dụng điều tiết ánh sáng, thông gió tự nhiên và tạo sự chuyển mạch nhẹ nhàng giữa các khối không gian.
Với khu vực bếp ăn, trần gỗ nếu được xử lý đúng kỹ thuật cũng có thể phát huy hiệu quả thẩm mỹ. Những thiết kế tích hợp quạt trần gỗ, đèn chùm treo trần hoặc trần thả gỗ khối có thể khiến căn bếp trở nên ấm áp và cá tính, đồng thời tạo cảm giác liền mạch với các không gian còn lại.
Ảnh: Clinton Weaver
Lưu ý khi chọn và thi công trần gỗ
Một trong những mối quan tâm phổ biến khi sử dụng trần gỗ là vấn đề về mối mọt và ẩm mốc. Để khắc phục, nên ưu tiên các loại gỗ có hàm lượng tinh dầu tự nhiên cao, như lim hoặc căm xe – vốn đã được sử dụng hàng trăm năm trong kiến trúc truyền thống. Việc xử lý tẩm sấy gỗ trước khi thi công là điều bắt buộc nhằm đảm bảo độ khô, ngăn ngừa hiện tượng co ngót và hạn chế côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, nên thi công kín khít và sử dụng thêm các loại thuốc chống mối không mùi để tăng tuổi thọ của gỗ.
Đối với những khu vực có độ ẩm cao, đặc biệt là trần tầng trệt hoặc gần khu vệ sinh, nên sử dụng loại gỗ công nghiệp có lõi xanh chống ẩm hoặc các vật liệu giả gỗ cao cấp. Không nên thi công trần gỗ trong thời điểm độ ẩm không khí cao vượt ngưỡng cho phép (thường trên 75%) để tránh hiện tượng phồng rộp hoặc biến dạng sau lắp đặt.
Việc vệ sinh và bảo trì định kỳ cũng là yếu tố then chốt. Trần gỗ nên được lau chùi bằng khăn mềm, hạn chế sử dụng chất tẩy rửa mạnh. Kiểm tra định kỳ các mối nối, điểm tiếp xúc và xử lý sớm các dấu hiệu xuống cấp sẽ giúp kéo dài tuổi thọ vật liệu, đồng thời đảm bảo an toàn và thẩm mỹ cho toàn bộ không gian.
Ảnh: Avesh Gaur
Cùng ELLE Decoration điểm qua một số công trình đặc sắc với những kiểu trần gỗ đa dạng.
1. Nhà phố Polônia do Gabriel Kogan & Guilherme Pianca thiết kế
Nằm trong khu phố Jardim Europa yên tĩnh ở São Paulo, nhà phố Rua Polônia là một minh chứng cho tư duy kiến trúc hiện đại được kết tinh từ sự nghiên cứu và giao thoa văn hóa sâu rộng. Được thiết kế bởi bộ ba kiến trúc sư Gabriel Kogan, Guilherme Pianca và Clara Werneck, ngôi nhà vừa là nơi cư trú, vừa là không gian thể nghiệm các giải pháp kết cấu, vật liệu và ánh sáng.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của công trình là trần gỗ kín trong phòng khách. Không có bất kỳ lỗ thông gió, đèn chiếu sáng hay thiết bị nào khác. Điều này tạo nên một không gian thuần khiết, nơi ánh sáng gián tiếp được phản chiếu từ các bề mặt, mang lại cảm giác ấm áp và dễ chịu. Hệ thống điều hòa không khí được bố trí thông minh, giúp cho không khí được cung cấp qua sàn và thoát ra qua khe hẹp dọc theo khung cửa sổ, đảm bảo sự thông thoáng mà không làm gián đoạn tính thẩm mỹ của trần nhà.
Ảnh: Pedro Kok
2. Nhà Casa GS do Attmo Arquitetos thiết kế
Nằm cách bãi biển chỉ 700m và gần làng Trancoso cổ kính – nơi từng là một làng chài và nay là điểm đến nổi tiếng của du lịch và nghệ thuật – Casa GS được hình dung như một nơi cư ngụ yên bình của một cặp đôi đến từ São Paulo.
Một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể thiết kế là việc sử dụng kết cấu gỗ ép lớp (glulam) cho toàn bộ phần khung chịu lực, đặc biệt nổi bật ở các khối nhà một tầng: phòng khách, bếp, khu vực ăn uống và veranda. Tại đây, trần gỗ được để lộ hoàn toàn, tạo thành một bề mặt liên tục, nơi kết cấu vừa đóng vai trò kỹ thuật, vừa trở thành lớp hoàn thiện thẩm mỹ. Những nan gỗ thẳng tắp chạy theo nhịp vì kèo, kết hợp với các ô cửa lớn, tạo nên hiệu ứng ánh sáng tự nhiên thay đổi liên tục trong ngày, tạo ra chuyển động thị giác mềm mại, gần như một “bản nhạc nhẹ” cho không gian sống.
Trong thiết kế của Attmo Arquitetos, trần gỗ vừa là một thành phần kiến trúc, vừa là yếu tố nối kết nội thất với cảnh quan tự nhiên. Các vật liệu tự nhiên được chọn, từ gỗ cumaru, đá moledo, đến gạch đá granite xanh candeias trong hồ bơi và bồn nước, đều có nguồn gốc địa phương, tạo nên một hệ sinh thái vật liệu bền vững và mang đậm bản sắc vùng miền.
Hệ mái lợp bằng ngói gỗ thông và các chi tiết đồng như đèn, khung trang trí cũng góp phần hoàn thiện tổng thể một cách hài hòa. Trần gỗ, trong ngữ cảnh này, không bị xem là lớp hoàn thiện bổ sung, mà là yếu tố chính cấu thành nên trải nghiệm sống – nơi con người và thiên nhiên được dung hòa trong cùng một tiết tấu.
Ảnh: Wilson Dorigon
3. Nhà Kimitsu do ROOVICE thiết kế
Đây là dự án cải tạo một ngôi nhà gỗ truyền thống những năm 1960 tại vùng Kimitsu, Nhật Bản. Dự án thuộc sáng kiến Kariage, nhằm hồi sinh những ngôi nhà bỏ hoang, giữ lại nét lịch sử đồng thời nâng cấp không gian phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Một trong những điểm nổi bật của dự án là cách tiếp cận tinh tế với trần gỗ truyền thống. Trần gỗ được giữ lại, phủ lớp hoàn thiện màu xám EP wipe-off nhẹ nhàng trên sàn larch plywood, giúp vừa bảo tồn nét thẩm mỹ mộc mạc, vừa tăng cường độ bền và tính hiện đại cho công trình. Hơn thế, các tấm polycarbonate trong suốt được sử dụng cho phần mở rộng của nhà kho (kura) tạo điều kiện cho ánh sáng tự nhiên len lỏi, đồng thời giữ nguyên kết nối với thiên nhiên bên ngoài.
Về mặt công năng, bức tường phân chia giữa khu vực kura và nhà chính đã được tháo bỏ nhằm tạo ra bố cục linh hoạt hơn cho không gian sống. Sàn khu vực mở rộng được hoàn thiện bằng vật liệu mortar nhằm tạo sự đồng nhất. Mở rộng hơn, một ô cửa mới dưới cầu thang ở tầng một nối trực tiếp khu vực kura với phòng khách, mở ra nhiều phương án sử dụng đa dạng hơn cho không gian này.
Ảnh: Akira Nakamura
4. Nhà Đài Bắc do Wei Yi International Design Associates thiết kế
Nằm trong một khu phố yên tĩnh tại Đài Bắc, ngôi nhà cũ sở hữu lợi thế lớn từ hàng cây lâu năm bao quanh. Tuy nhiên, bóng râm dày đặc lại khiến sân vườn thiếu sáng, và lối tiếp cận duy nhất ban đầu làm ảnh hưởng đến sự riêng tư của người lớn tuổi trong gia đình. Dự án cải tạo tập trung vào việc tổ chức lại luồng di chuyển, tạo hai lối vào riêng biệt cho chủ nhà và khách, đồng thời can thiệp cảnh quan để tái sinh phần sân vườn bị lãng quên.
Một trong những can thiệp nổi bật nhất là cách nhóm thiết kế xử lý trần nhà, vốn từng bị đè nặng bởi dầm chữ T không thể tháo dỡ. Thay vì che giấu, họ tạo ra một hệ khung mới mô phỏng ký tự Trung Hoa “田” (điền), sau đó lồng vào một trần nghiêng ốp gỗ bách tái chế, gợi nhớ mái nhà truyền thống. Đây vừa là giải pháp thẩm mỹ, tạo hiệu ứng chiều cao và ánh sáng, vừa là cách kể lại câu chuyện ký ức tuổi thơ của gia chủ trong làng quân nhân xưa, nơi gỗ bách từng là chất liệu quen thuộc.
Sự ấm áp của vật liệu gỗ, kết hợp cùng bảng màu trung tính của sơn nhập khẩu từ Bỉ, đã mang đến một không gian tinh tế, lắng đọng, nơi mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa kết nối giữa truyền thống và hiện đại.
Ảnh: Wu Kuo-Hao
5. Nhà Nhật Aru do Curious Practice thiết kế
Ngôi nhà gỗ cũ nằm tại Maryville, Úc, vốn được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 20, mang dáng dấp điển hình của thời kỳ đó, với mặt tiền rộng rãi nhưng phần sau lại thiếu kết nối với ánh sáng, gió trời và cảnh quan vườn. Trong dự án cải tạo mang tên Aru House (theo ngôn ngữ Awabakal có nghĩa là “côn trùng”), nhóm thiết kế từ Curious Practice đã khéo léo đan cài những “bộ khuếch đại cảm giác” – những không gian mới giúp căn nhà một lần nữa tìm lại sự cộng hưởng với môi trường xung quanh.
Không mở rộng nhiều về diện tích, dự án thay vào đó tập trung vào chất lượng không gian sống với phần mở rộng phía tây trở thành một khu vực chuyển tiếp linh hoạt giữa trong và ngoài nhà, với các màn trượt bằng gỗ spotted gum có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết và mùa trong năm. Những cánh cửa, sàn gỗ và khung trần đều mang vẻ mộc mạc, gần gũi.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của công trình chính là phần trần gỗ, nơi ngôn ngữ vật liệu đạt đến độ tinh tế cao nhất. Được xử lý từ gỗ spotted gum bản địa, hệ trần mở rộng liên tục từ không gian bên trong đến khu vực hiên sau, vừa giúp kết nối trực quan giữa nội và ngoại thất, vừa đóng vai trò điều tiết ánh sáng, tạo ra sắc thái ấm áp và chiều sâu cho từng khu vực sinh hoạt.
Thiết kế trần gỗ vừa phục vụ mục đích thẩm mỹ, vừa góp phần quan trọng trong việc tăng hiệu quả thông gió và điều tiết vi khí hậu trong nhà. Kết hợp cùng hệ cửa trượt bằng gỗ và sàn deck mở, trần gỗ trở thành một phần của hệ thống kiến trúc linh hoạt – cho phép ngôi nhà “thở” cùng mùa và cảnh quan xung quanh.
Đọc thêm: Nhà Nhật Aru House: Hòa mình vào thiên nhiên bốn mùa
Ảnh: Clinton Weaver
6. Nhà House of Gond do Renesa thiết kế
Lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Kerala, căn hộ House of Gond do Renesa thiết kế là nỗ lực kết hợp giữa yếu tố bản địa Ấn Độ và ngôn ngữ hiện đại trong một không gian sống đậm dấu ấn cá nhân.
Điểm nhấn xuyên suốt công trình chính là trần gỗ – một yếu tố vừa mang giá trị thị giác vừa gợi nhắc trực tiếp đến kết cấu gỗ của các ngôi nhà nalukettu truyền thống. Trong sảnh vào, hệ trần gỗ được kết hợp cùng gạch trắng – đen cổ điển và đèn chùm phong cách cổ, tạo nên một bầu không khí giao thoa giữa sang trọng và hoài niệm.
Trần gỗ tiếp tục hiện diện ở các phòng ngủ, nơi giường bốn cọc và vải Pichwai truyền thống hoàn thiện vẻ đẹp ấm áp và thư thái. Lựa chọn chất liệu gỗ tối màu cùng độ hoàn thiện mộc mạc giúp cân bằng sắc độ của gạch Karaikudi, gỗ tếch và các chi tiết trang trí cổ điển, đồng thời thống nhất cảm xúc không gian trong toàn bộ căn hộ.
Từ hành lang đến phòng khách, từ không gian riêng tư đến khu vực chung, trần gỗ chính là điểm kết nối nhịp điệu không gian – gợi mở cảm xúc về một tổ ấm mang hồn Ấn Độ nhưng được diễn giải bằng tinh thần đương đại.
Đọc thêm: Căn hộ House of Gond: Điểm nhấn truyền thống hài hòa
Ảnh: Avesh Gaur
7. Nhà A place to rejoice do Hiren Patel Architects thiết kế
Nằm giữa vùng đất hữu cơ của Nasik, farmhouse “A Place to Rejoice” do Hiren Patel Architects thiết kế là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đương đại và truyền thống bản địa. Với triết lý bền vững cùng mối quan tâm đặc biệt đến bối cảnh tự nhiên, hình dáng công trình được lấy ý tưởng từ những đường nét hữu cơ có sẵn của khu đất, giúp tăng tính kết nối với khu vực xung quanh.
Về thiết kế của trần gỗ, đây là yếu tố tạo nên sự ấm áp và kết nối giữa không gian sống và thiên nhiên. Trong phòng khách và bếp, trần gỗ kết hợp với các mảng màu xám từ tường, thảm và vải, tạo nên một không gian hiện đại nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc.
Vật liệu sử dụng trong công trình được lựa chọn kỹ lưỡng, đề cao vẻ đẹp nguyên bản. Đá Kota – loại đá tự nhiên khai thác tại Ấn Độ, đã được ứng dụng vào không gian với độ bền cao và bề mặt mát, phù hợp với khí hậu địa phương.
Trần gỗ bên cạnh việc đóng góp vào yếu tố thẩm mỹ, còn góp phần điều tiết vi khí hậu, tạo sự thông thoáng và gần gũi với môi trường xung quanh. Sự kết hợp giữa trần gỗ và các vật liệu tự nhiên khác như đá và vải lanh mang đến một không gian sống cân bằng, tinh tế và đầy cảm hứng.
Ảnh: Hiren Patel Architects
8. Nhà Nogal do Estudio Ana Martí thiết kế
Dự án Nogal là sự tái sinh của một ngôi nhà truyền thống tại một ngôi làng Địa Trung Hải, được Estudio Ana Martí cải tạo với mong muốn gìn giữ ký ức nguyên bản, đồng thời đưa vào một diện mạo đương đại tinh tế.
Trung tâm của thiết kế là hệ trần gỗ mobilia được phục dựng và để lộ, như một lớp da mang tính biểu tượng cho toàn bộ công trình. Chất liệu gỗ walnut với sắc nâu trầm tự nhiên đã được sử dụng đồng nhất từ trần, cầu thang, lam tường đến nội thất, tạo nên một bản giao hưởng vật liệu ấm áp, liền mạch.
Tại tầng áp mái, trần gỗ được tôn vinh trọn vẹn nhờ lan can kính trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng toàn bộ mái ngói và cấu trúc dầm gỗ được giữ nguyên. Đây vừa là một giải pháp kiến trúc, vừa là một cách kể chuyện, cho phép người ở cảm nhận chiều sâu thời gian qua từng lớp vật liệu.
Sự kết hợp giữa gỗ và các chi tiết hiện đại như thép nhẹ, sơn taupe, đồng và sàn lát xương cá giúp cân bằng giữa truyền thống và đương đại, giữa thô mộc và tinh xảo. Trần gỗ vừa là yếu tố cấu trúc, vừa trở thành linh hồn của không gian – một biểu hiện vật chất của ký ức, sự tiếp nối và tính thủ công được gìn giữ.
Đọc thêm: Cải tạo nhà Nogal: Vẻ đẹp thanh lịch từ gỗ óc chó
Ảnh: Estudio Ana Martí
Thực hiện: Quốc Huy
Xem thêm: