Lê Vĩnh Quang – Không gian của sự hài hoà

Những vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức khi học và sống ở hai nền văn hóa Á-Âu hình thành nên phong cách riêng trong trang trí kiến trúc nơi không gian sống tại Paris của NTK nội thất, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Lê Vĩnh Quang.

Góc làm việc kết hợp kính trắng trơn và trong, cùng với kính màu hoa dâu mờ để đảm bảo đủ ánh sáng

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, khi sang Pháp lập nghiệp, NTK nội thất Lê Vĩnh Quang nhớ lại: “Ở Việt Nam thời học đại học gặp nhiều thiếu thốn về cả vật chất lẫn kiến thức, hoàn toàn mờ mịt với nền mỹ thuật thế giới bởi chỉ được nghe các thầy cô đi du học về giảng dạy và kể chuyện, sinh viên hình dung qua lời giảng chứ không được xem trực tiếp qua tranh, phim, ảnh và Intenet như bây giờ. Vấn đề tham khảo và học hỏi gần như không có, vì vậy kiến thức về cái đẹp rất mơ hồ, hạn hẹp và bị bó buộc nên học mỹ thuật ở Việt Nam mà làm mỹ thuật bên Pháp là điều không dễ dàng gì. Pháp họ có nền văn hóa văn minh và tư duy thẩm mỹ rất khác với trong nước, vì vậy tôi chỉ có thể dùng chính văn hóa bản địa của mình làm lợi thế để phát triển nghề nghiệp”.

Rương cổ châu Âu chất liệu gỗ mộc nguyên bản là nơi để rượu, được đặt giữa sảnh nghỉ kế phòng khách. Bàn phòng khách Bình đựng rượu pha lê cổ châu Âu và hộp sơn mài Miến Điện.

Trong các công trình kiến trúc, trang trí nội thất do anh thiết kế tại Pháp, có dễ để nhận ra yếu tố Á Đông trong mỗi công trình?

Ngành trang trí nội – ngoại thất ở Pháp rất đa dạng, và họ có gu thẩm mỹ rất tốt, đặc biệt là người dân Paris, chỉ cần bước qua cánh cổng nhà là đã phần nào cảm ra được tính thẩm mỹ của gia chủ qua cách sắp đặt, bài trí các vật dụng đậm nét Tây Âu. Để tạo sự khác biệt nhưng hòa hợp, trong các thiết kế của tôi không thể thiếu sự nhấn nhá điểm xuyết các đường nét mang văn hóa phương Đông vào tác phẩm của mình, chẳng hạn việc sử dụng chất liệu gốm, sơn mài thâm trầm đặc thù Á Đông để phối cùng sự hào nhoáng từ thủy tinh, pha lê của Tây Âu.

Câu nói “nhà sao – chủ vậy” có thể hiện đúng trong trường hợp của anh?

Đúng và rất đúng! Tôi sống ở Pháp, cũng yêu chuộng vẻ đẹp Tây Âu được chọn lọc theo sở thích cá nhân, chẳng hạn những đồ thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ, kim loại, đồ da thuộc… rất đẹp và tinh tế, dùng trang trí nhà của mình, đồng thời kết hợp với tính Á Đông trong con người tôi, tạo nên một phong cách mang hơi thở của thời đại mới, thuần khiết và không bị hổ lốn. Và mỗi góc trang trí ấy, tôi coi là một tác phẩm nghệ thuật có sự kết hợp hai nét thẩm mỹ Á – Âu.

Căn hộ có diện tích 100m2 nằm trên tầng 6 của một tòa nhà ở Quận 18, Paris, Pháp.
Salon phòng khách bằng da bò tót Tây Ban Nha kết hợp với bàn sơn mài thấp cùng với gối tựa tơ tằm châu Á. Trên tường là bức phù điêu tượng Phật Miến Điện được lồng trong khung tranh cổ châu Âu, tất cả đều dát vàng.

“Tôi có niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, đồ thủ công mỹ nghệ, ảnh chụp phim của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng từ các khu chợ đồ cổ ở Paris. Các mảng trang trí nội thất, từ phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ của ngôi nhà đều là sự sắp đặt nhiều hiện vật sưu tầm đậm nét Á Đông, cũng là một gợi nhớ về quê nhà Việt.”

Hai ghế dựa cao, bọc vải dày, phong cách Louis XIV được đặt trang trọng trong phòng khách. Ở giữa là máy nghe nhạc quay tay, máy ảnh cổ. Trên bàn khách là bộ ly rượu pha lê cổ châu Âu.

Anh có thường thay đổi, làm mới không gian sống của mình như một thú vui hay niềm đam mê không?

Việc thay đổi đồ phụ kiện trong trang trí nội thất nếu diễn ra thường phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn mới sưu tầm được món đồ thủ công mỹ nghệ thích hợp cho một góc nhà, tôi sẽ thay đổi ngay. Còn làm mới không gian sống bằng việc hoán đổi vị trí, sắp đặt lại các đồ dùng trong trang trí nội thất là việc tôi thường làm vì nó là chất xúc tác làm tăng hương vị cho cuộc sống hàng ngày.

Không gian nào trong ngôi nhà gợi cho anh nguồn cảm hứng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật?

Chính là góc làm việc, bởi được bố cục nơi yên tĩnh và có nhiều ánh sáng tự nhiên nhất của ngôi nhà, mặc dù nó không rộng, nhưng đáp ứng đủ các yếu tố thúc đẩy và tăng năng lượng để tôi có thể làm việc ở đó một cách hiệu quả nhất.

Toàn bộ không gian phòng khách và góc làm việc mở cùng một góc bàn ăn.

Bát gốm sứ cổ họa tiết vẽ tay kết hợp bộ đĩa ăn châu Âu và các phụ kiện trang trí sưu tầm.

“Mỗi khi bắt tay thực hiện một thay đổi gì đó cho không gian sống của mình, tôi tự xác định phải có các yếu tố: Ngẫu hứng và chủ ý rồi đến cảm hứng sáng tác, sau đó bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu để tạo nên một tác phẩm bằng tình yêu và đam mê, chứ không phải sự hời hợt, làm cho xong, cho có.”

Sảnh nghỉ Góc Hà Nội xưa với xích lô, ảnh chụp Hà Nội được bày trên kệ bằng kính và gỗ dày sẫm màu. Đèn dầu cổ đem lại sự tĩnh lặng cho không gian.

Để làm đẹp cho một không gian sống, lấy ví dụ chính ngôi nhà anh đang ở, theo anh cần phải có những yếu tố nào?

Điều quan trọng nhất là phải yêu thích nơi mình ở thì mới bắt tay vào làm đẹp được nó. Một không gian kiến trúc đẹp, trước tiên là công năng sử dụng hợp lý và tiện ích, kế đến mỗi không gian trang trí phải có chủ đề, chủ thể, phong cách để người khác khi nhìn vào có thể cảm nhận được ý đồ gia chủ muốn thể hiện. Từ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm…, các không gian khác biệt ấy khi kết lại, gicống như một bản nhạc, tạo nên đầy đủ cung bậc, tiết tấu, màu sắc khác nhau… tạo nên tính thẩm mỹ và sức hấp dẫn cho ngôi nhà.

Anh thích lối trang trí nhà đơn giản, tiện dụng hay một phong cách nào khác?

Tôi thích lối trang trí tối giản chứ không thích đơn giản, và rất sợ sự trang trí rườm rà, cẩu thả, có nghĩa là cái gì cũng đem bày ra, tham lam, lạm dụng về họa tiết và màu sắc dễ gây phản cảm. Sự tối giản mà đạt được đẹp là rất khó, tuy nhiên trong nghệ thuật trang trí dù phong cách nào đi chăng nữa thì người họa sĩ thiết kế cũng phải bỏ ra rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự làm việc nghiêm túc, khoa học, thẩm mỹ để thể hiện cái Đẹp và khi được người khác đồng cảm, đó là sự thành công.

Phòng ngủ Tấm phủ giường vải bông và lụa tơ tằm với màu sắc và họa tiết á Đông. Cánh tủ quần áo là bức họa Bốn Mùa. Cửa sổ mở ra ban công cùng với cây xanh và hoa lá.

Từ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm… các không gian khác biệt ấy khi kết lại, giống như một bản nhạc, tạo nên đầy đủ cung bậc, tiết tấu, màu sắc khác nhau… sẽ tạo nên tính thẩm mỹ và sức hấp dẫn cho ngôi nhà.

Thực hiện: LAM PHONG – Hình ảnh: LEVIN