Cầu kỳ ý niệm, giản dị hình dung

Thoạt nhìn, tư dinh mang tên Masseria Diso rất khiêm tốn với vẻ bề ngoài của một căn nhà chữ nhật nằm cuối một con đường hẹp và dài được che bóng bởi những hàng cây sồi địa Trung hải. Lớp sơn vữa màu đỏ gạch giản dị có vẻ không hứa hẹn một quá khứ hay thực tại lẫy lừng nào. dẫu vậy, cũng như mỗi công trình đều có một câu chuyện thú vị cần được khám phá, căn nhà này hoàn toàn không tà ngoại lệ.

Được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước dưới thời Mussolini, căn nhà thật ra là một xưởng sản xuất thuốc lá với số công nhân đã từng lên đến hàng trăm người. Vào Thế chiến thứ hai, nơi đây trở thành chốn ẩn náu của binh lính Ba Lan và quân khởi nghĩa Ý. Chiến tranh kết thúc, căn nhà biến thành kho chứa lương thực cho một công ty nông nghiệp cho đến tận năm 60 khi được mua lại bởi một chủ sở hữu cá nhân. Chủ nhân hiện tại của căn nhà là Giovanni Favilli, một nhà ngoại giao Ý đến từ Tuscany và người vợ Việt Nam của ông, cô Giang cùng ba đứa con của họ – Alessandro, Lila và Anna.

căn nhà 12

căn nhà 11

Khi ấp ủ dự định tìm một căn nhà để làm nơi nghỉ cuối tuần, họ chú ý đến khu vực Salento với phong cảnh đẹp mắt và giá bất động sản dễ chịu hơn vùng Tuscany nổi danh. Duyên cớ tình cờ đã đưa họ đến với căn nhà này, khi đó vẫn là cái vỏ của nhà máy thuốc lá cũ đang được rao bán. Cặp vợ chồng ngay lập tức phải lòng với diện tích quá choáng ngợp của khối nhà và quyết định chọn nơi đây để xây dựng chốn đi về, dẫu cho nhiệm kỳ 4-8 năm làm việc của Giovanni đưa ông đến nhiều nơi trên thế giới.

căn nhà 10

Kệ để báo Buk do Rodolfo Bonetto thiết kế cho B-line, điêu khắc trắng đen do nghệ sĩ Renzo Buttazzo thực hiện.

căn nhà 9

Phòng khách với trần cao và cách sử dụng đá trong không gian nội thất đem đến cảm giác yên bình và tĩnh tại; làm nền cho sự nổi bật của những món nội thất chiết trung giữa thế kỷ 20, cộng hưởng với dàn đèn phong cách công nghiệp và chút mộc mạc của quá khứ.

căn nhà 8

 

Để cải tạo hiện trạng thành một căn nhà ở là dự án không hề đơn giản, nhưng Raffaele Centonze, KTS đảm nhiệm công trình này, đã rất kiên định với quan điểm giữ lại sự giản dị, tinh thần công nghiệp của tòa nhà và đưa vào đó những góc nghỉ thư giãn, với các điểm nhấn đồ trang trí nội thất ấn tượng. Và chính vì lẽ đó mà khung cấu trúc của căn nhà được giữ nguyên vẹn, thậm chí còn tinh tế nhấn mạnh thêm vẻ đẹp của kiến trúc công nghiệp bằng cách thay những hệ cửa sổ gỗ sồi bằng khung kim loại và kính sắc sảo, hiện đại.

căn nhà 7

căn nhà 6

Một gian bếp hiện đại được phối ngẫu với chiếc bàn gỗ lớn và ghế dài, tăng thêm vẻ đa dạng cho phong cách bày biện.

 

Một trong những thay đổi lớn nhất chính là việc phá bỏ bức tường ở đằng sau để có thể phóng tầm mắt nhìn ra hồ bơi mới được xây dựng cân đối với tỉ lệ căn nhà, tạo nên một trục nối thẳng miên man từ lối đi bên ngoài xuyên qua căn nhà, nối liền nội thất và ngoại thất trong một ý tứ mạch lạc. Cảm hứng của trục nối này đến từ KTS tài danh Renzo Piano với nguyên lý thiết kế chú trọng những mạch nối ánh sáng trong không gian để các khu vực được gắn kết với nhau một cách hài hòa, tự nhiên trong một trật tự kín đáo và ý nhị.

căn nhà 5

căn nhà 4

 

 

Những món nội thất được lựa chọn cho ngôi nhà phảng phất phong cách chiết trung của giai đoạn giữa thế kỷ 20, bao gồm những món đồ gia bảo pha trộn với sự trẻ trung, hiện đại làm điểm nhấn cho khu vực bếp, phòng tắm và đèn trang trí. Tất cả tạo nên cá tính đặc sắc cho căn nhà – nghệ thuật cân bằng tinh tế giữa cũ và mới, giữa sự giản dị của ngoại thất dáng vẻ đồng quê và sự cầu kỳ về ý niệm của nội thất được lựa chọn và sắp đặt thông thái. “Chúng tôi muốn giữ phần hồn của khối kiến trúc hiện hữu, đem nét đương đại vào trong nó nhưng không lãng quên quá khứ đặc sắc của căn nhà”- KTS chia sẻ.

căn nhà 3

Phần vòm trở thành yếu tố trang trí đặc sắc nhất của khối kiến trúc, khiến cho các món nội thất đôi lúc không cần phải quá kêu gọi sự chú ý, như ở phòng ngủ này.

căn nhà 2

Những món trang trí được thu thập qua nhiều năm tạo nên chiều sâu tâm hồn của không gian.

Không gian mở cũng chính là hơi thở chung của toàn bộ công trình với việc phân định ranh giới bằng những đường cong nhẹ nơi mái vòm. Tổng thể của phòng khách gợi liên tưởng đến một quảng trường nhỏ đặc sệt chất Ý.

Nằm bao bọc xung quanh không gian phòng khách trung tâm là các “ngôi nhà nhỏ” – chính là phòng ngủ với diện tích, tiện nghi và sự riêng tư đủ đầy.

căn nhà 1

Chiếc ghế đong đưa do Ray and Charles Eames thiết kế nằm trong căn phòng ngủ rộng rãi dành cho hai cô công chúa nhỏ.

Chuyển ngữ: Thùy Dương – Thực hiện: Martina Hunglinger – Ảnh: Mads Mogensen.


Xem thêm:

Di sản nhà truyền thống – tưởng nhớ Charles Rennie Mackintosh

Ngôi nhà Nhật thanh bình với những nhánh rẽ duyên dáng