Nội thất tối giản: Định nghĩa sang trọng mới

Trong nội thất, các đặc điểm thẩm mỹ có thể biến đổi theo từng thời kỳ, nhưng sự sang trọng sẽ luôn là đích đến giá trị mà nhiều gia chủ hướng tới. Không còn gói gọn trong vàng son lộng lẫy hay cầu kỳ tầng lớp, hai chữ “sang trọng” giờ đây còn được định nghĩa bằng sự tinh tế chuẩn mực của dáng hình thanh tao và cách trình bày nội thất ít nhưng chất lượng. Phong cách tối giản có thể được xem là cách truyền tải hiệu quả nhất cho định hướng này, bằng cách tảng lờ những rườm rà vô lối, sự sang trọng ngày nay tập trung vào tôn vinh bản chất trọng tâm, đó chính là không gian phản ánh tri thức và thẩm mỹ của gia chủ.

Phong cách tối giản (Minimalism) xuất hiện vào những năm 1970 với nguyên lý chủ đạo là giản lược đến tận cùng, hướng đến đỉnh cao của sự thuần khiết. Minimalism được xem là một nhánh quan trọng của phong cách đương đại, một sự chối bỏ nếp sống tiêu dùng phô phang, lòe loẹt trong hình thức nhưng nghèo nàn về nội dung. Tinh thần Minimalism được thể hiện súc tích qua câu châm ngôn nổi tiếng “Less is more” của kiến trúc sư huyền thoại Mies van der Rohe – người được xem là cha đẻ của kiến trúc tối giản. Những gì ít cũng chính là nhiều, bởi mục tiêu cuối cùng đó là sự hoàn mỹ.

tối giản 1

Phong cách tối giản là nơi bỏ qua nhiều lề lối trang trí có phần cầu kỳ, hướng đến tinh hoa chắt lọc, bố cục chặt chẽ, tôn vinh giá trị trên bề mặt vật liệu.

tối giản 2

Nội thất tối giản hướng tới giá trị của không gian hơn là tập trung phô diễn địa vị tiền tài của gia chủ. Chất sang trọng sẽ được tạo lập bởi không gian khúc chiết, bố cục chặt chẽ, tràn ngập ánh sáng và đầy những khoảng mở thoáng. Song song đó là những điểm nhấn đắt giá đến từ chất liệu và cách khai triển màu sắc. Sự tiết chế là biểu hiện đặc trưng của nội thất tối giản sẽ trở thành tấm màng lọc, giúp tôn bật những gì tinh hoa nhất.

Nội thất tối giản hướng đến giá trị của không gian
hơn là tập trung phô diễn địa vị tiền tài
của gia chủ.

Trong không gian trống trải, mọi thứ đều được phơi bày, những gượng ép phô phang sẽ lộ diện hoặc những hoàn thiện khéo léo sẽ được trọn vẹn tôn vinh. Các chi tiết trang trí phức tạp được loại bỏ, ưu tiên khơi gợi xúc cảm qua hiệu ứng thị giác đến từ chất liệu, đường nét và độ thông thoáng. Do đó, để đạt được sự sang trọng, bạn sẽ phải lựa chọn nội thất cẩn thận ngay từ đầu. Đồ dùng ít nhưng ấn tượng, đáp ứng được cả tiêu chí thẩm mỹ lẫn công năng. Bản thân đồ đạc cũng mang ý nghĩa trang trí và sẽ được coi như một tác phẩm điêu khắc, với sự hiện diện nổi bật giữa không gian thoáng đãng. Tiếp đó là sự phối hợp của ánh sáng tự nhiên và nhân tạo để tôn bật các hình khối, hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu. Trong phong cách tối giản, ánh sáng cũng được xem như một thành phần chủ đạo làm nên giá trị thẩm mỹ. Một căn nhà “đắt giá” sẽ được bố trí những ô cửa lấy sáng để nắm bắt được vẻ vinh quang lộng lẫy khi ánh dương quét xuống, tạo hiệu ứng bóng đổ kịch tính; hoặc khai thác ánh sáng qua vách kính, hệ rèm, khe lấy sáng để thổi bừng sinh khí cho ngôi nhà.

tối giản 3

Không gian mượn chất liệu hướng tự nhiên để phô bày sự thư thái thông qua tiếng nói tối giản.

Chất sang trọng hiện đại được thể hiện
qua cảm giác tĩnh tại trong căn nhà,
nơi những giá trị thẩm mỹ được cài cắm một cách ý nhị,
vì điều xa xỉ nhất với con người hiện nay
chính là thời gian và sự thư thái…

tối giản 4

Thay vì sử dụng nội thất như một lời khẳng định địa vị, ta điểm trang không gian sống như một sự phản ánh cho những giá trị của bản thân. Một số nhà thiết kế cho rằng, điều xa xỉ nhất với con người hiện nay chính là thời gian và sự thư thái – những điều ta khó có thể kiếm tìm được trong guồng quay tất bật của cuộc sống. Do đó, chất sang trọng hiện đại cũng được thể hiện qua cảm giác tĩnh tại trong căn nhà, nơi những giá trị thẩm mỹ được cài cắm một cách ý nhị, mang đậm dấu ấn cá nhân. Cái “tĩnh” đó sẽ được tạo nên bởi những mảng tường phẳng, những đường thẳng, góc vuông và hình khối giản đơn. Không gian lịch lãm là sự hòa trộn của cái chắt chiu chọn lọc và bình thản nhẹ tênh. Tính cá nhân sẽ được nêu bật qua những chi tiết trang trí như tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm, những vật dụng cá nhân gần gũi. Quan trọng hơn cả là câu chuyện được truyền tải ở môi trường đó, nơi vật dụng thực sự quan trọng bởi chúng gắn liền với định nghĩa cá nhân của ta.

tối giản 5

Màu sắc được sử dụng nên là màu trung tính hoặc gam màu trầm lặng như xám, beige, trắng xanh đá, đỏ đất hoặc đen để tương tác hiệu quả với ánh sáng, khơi dậy xúc cảm bình yên và tạo cảm giác sang trọng hơn. Việc hạn chế màu sắc làm nên tổng thể nhất quán, hướng sự tập trung vào không gian kiến trúc. Dải màu trung tính lan tỏa rộng khắp và nhịp nhàng, không chỉ mở rộng không gian mà còn cho phép chiều sâu, bề mặt và hơi ấm có cơ hội được nổi bật.

Đẹp và cao cấp thôi là chưa đủ,
nét sang còn phải chứa đựng cả khí chất
để trở thành nguyên bản,
biểu hiện được cho là phong cách sống của chủ nhân.

Sự hạn chế trong đường nét, số lượng nội thất sẽ song hành cùng cuộc chơi chất liệu cao cấp để thể hiện tính chọn lọc. Bề mặt chất liệu trông càng mướt mịn càng kiêu sa tuyệt hảo. Ví dụ như da thuộc, lụa là, nhung gấm, đồ sơn mài, đá marble và gỗ nguyên khối hoàn thiện thật tinh, không đánh véc-ni lộ liễu; Kim loại có điểm tô cũng thường nghiêng về chất lì- matte chứ không còn sáng bóng như cổ điển. Cái đẹp được thể hiện một cách kín đáo nhằm tôn vinh nét sang trọng của nhịp sống thư thái.

tối giản 6

Tông trầm, tĩnh và hạn chế sự đa dạng màu sắc tạo nên tổng thể nhất quán về thẩm mỹ.

Cách triển khai nội thất tối giản không chỉ chứa đựng nét tinh tế nhẹ nhàng mà còn thể hiện chất sang trọng “không chút gắng gượng’”vô cùng thuyết phục. Sang trọng giờ đây là một lời tự sự sâu lắng chứ không còn là kiểu thậm xưng hào nhoáng, bởi đẹp và cao cấp thôi là chưa đủ. Nét sang còn phải chứa đựng cả khí chất để trở thành nguyên bản, biểu hiện được cho là phong cách sống của chủ nhân. Có lẽ giữa nhịp độ cuộc sống hối hả như hiện nay, cái đẹp duyên dáng hài hòa của sự đơn giản mới chính là đại diện cho nếp sống xa xỉ mới của một tinh thần tràn ngập phóng khoáng và tự do trong tâm trí.

Tổng hợp: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Sống vừa đủ như người Thuỵ Điển với phong cách Lagom

Phong cách nội thất Japandi- sự kết hợp tinh tế giữa nội thất Bắc Âu và Nhật Bản | Từ điển ELLE Decoration