Sense Cafe – Cuộc gặp gỡ của truyền thống và đương đại

Đặt yếu tố đương đại vào giữa lòng khối kiến trúc cổ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, kết nối chúng một cách mượt mà lại càng khó hơn. Sense Cafe chính là câu chuyện chồng chéo những khái niệm khác biệt như thế, theo cách lạ lẫm và đầy cảm hứng.

Sense Cafe là một dự án cafe với ý tưởng mới lạ dựa trên truyền thống nhà cổ Trung Quốc. Nhóm thiết kế sử dụng khu vực sân trong làm địa điểm kết nối chính cho toàn bộ khu nhà, kiến tạo nên không gian với những trải nghiệm len lỏi qua từng ngóc ngách.

Sense Cafe 1

Sense Cafe 2

Cách thức lồng ghép này cũng nhằm ẩn dụ hình ảnh của Bắc Kinh thời hiện đại. Khi vỏ bọc hiện đại đang phủ lên khắp mọi nơi thì đâu đó tính truyền thống vẫn len lỏi, tạo thành dòng chảy xuyên suốt. Hai trạng thái đối lập ấy vừa tạo thành ranh giới chia cắt lẫn nhau, lại hoà quyện tạo nên nhiều kết tinh mới mẻ cho nhiều ý tưởng sáng tạo ra đời.

Sense Cafe 3

Những tấm màn chắn mờ ảo tạo thành lối đi và đóng vai trò như vách ngăn không gian ở khu vực sân trong.

Sense Cafe 4

Sense Cafe 5

Tấm màn chắn mờ ảo gần như phá vỡ mọi hình ảnh truyền thống, dẫn lối mọi người qua khắp các không gian đương đại được bố trí rải rác quanh Sense Cafe. Tính hiện đại của sản phẩm trưng bày, cách thức bố trí mạng lưới giao thông đan xen với khối nhà mang nhiều yếu tố truyền thống hoài cổ, hai hình thái đối lập đó luôn hiện diện xuyên suốt trong mọi góc nhìn.

Sense Cafe 6

Các khu vực trưng bày bên trong như một bảo tàng đương đại.

Sense Cafe 7

Màu sắc của Sense Cafe được chia thành 2 nửa riêng biệt tương ứng với thời điểm sáng – tối trong ngày. Nếu như buổi sáng là sự trong trẻo, nổi bật của các mảng màu trắng – lục – đỏ – vàng thì khi đêm về lại là cuộc chơi của ánh sáng đỏ – lục đầy huyền ảo. Cùng trong một công trình nhưng lại bày ra được 2 hình thức đối lập hoàn toàn.

Quyết định kết nối cấu trúc của hai khái niệm khác biệt rõ rệt vào trong Sense Cafe là một hướng đi khó khăn đối với nhóm thiết kế. Một bên là hình thức đương đại với đường nét, vật liệu hoàn toàn trái ngược với thức kiến trúc dân gian Trung Quốc, một bên lại là nguyên mẫu chuẩn mực của quá khứ. Chính khu vực sân trong đã giải quyết tất cả. Đây là nơi gặp gỡ, chính sự gặp gỡ đã tạo ra cách tiếp cận mềm mại giúp giải quyết nhiều khúc mắc, là cầu nối để giao thoa những luổng tư tưởng khác nhau mà không hề đi phá bỏ bất kỳ ranh giới nào. Một mạch truyện của lịch sử, văn hoá đang chảy giữa lòng thành phố hiện đại.

Sense Cafe 8

Cách bố trí ánh sáng của công trình khi đêm về khá đặc biệt. Lấy hai tông màu đỏ – lục truyền thống làm điểm nhấn chính.

Sense Cafe 9

Sự giao thoa giữa hiện đại và hoài cổ.

Sense Cafe 10

 

Sense Cafe 11

Sense Cafe 12

Địa điểm: Bắc Kinh, Trung Quốc.
Diện tích: 530 mét vuông.
Năm hoàn thành: 2019.

Thực hiện: Đức Nguyên | Theo: Archdaily | Ảnh: Shengliang Su, Frontera Lighting Design (Beijing), Nestlé China.


Xem thêm:

Dolce & Gabbana ra mắt cửa hàng ấn tượng tại Rome

Cửa hàng Ajitama Ramen Bistro – Nhìn mì ramen dưới dạng thức kiến trúc