The Grand Budapest Hotel: Cuộc chơi của sắc màu trong nội thất

The Grand Budapest Hotel là bộ phim của đạo diễn tài năng Wes Anderson , một cái tên quen thuộc với những ai đam mê điện ảnh, những tác phẩm của ông được giới chuyên môn đánh giá cao, đặc biệt là về tư duy thẩm mỹ được ông lồng ghép vào mỗi đứa con tinh thần của mình.

Dù đã ra đời vào năm 2014, nhưng những giá trị về nghệ thuật mà bộ phim đem lại là điều không bao giờ cũ kỹ. Bộ phim lấy bối cảnh về một quốc gia hư cấu mang tên Zubrowka thuộc đế chế Đông Âu xa xôi, kể về những biến động tại khách sạn trứ danh Grand Bundapest, một khách sạn nằm trên đỉnh núi đầy hiên ngang với mái ngói xanh và những bức tường hồng nhạt đặc trưng.

The Grand Budapest Hotel 1

Khách sạn Grand Budapest với kiến trúc cổ điển và màu sắc đặc trưng đã để lại dấu ấn khó quên trong thế giới điện ảnh. Ảnh: sưu tầm.

“Khách sạn một thời lừng danh và đẹp như tranh vẽ” – và cũng không hề quá khi nói rằng mỗi một phân cảnh trong tác phẩm điện ảnh này đều là một bức tranh nghệ thuật.

The Grand Budapest Hotel 2

“Khách sạn một thời lừng danh và đẹp như tranh vẽ”. Ảnh: sưu tầm.

Về màu sắc trong The Grand Budapest Hotel, ta có thể dễ dàng nhận ra những tông màu rực rỡ, ấm nóng như màu đỏ, hồng, nâu đỏ phủ kín các phân cảnh như một lời trần tình đầy tự hào về một giai đoạn rực rỡ. Tuy nhiên, cũng bối cảnh ấy lại là các màu vàng – xanh lục – nâu – cam đất nhưng lại có chút gì đấy héo úa như chính hoàn cảnh suy sụp của nhịp phim hiện tại, một chút gì đó tiếc nuối cho thời hoàng kim đã qua.

Ngoài ra, bộ phim còn đứng hạng 3 trong top 10 bộ phim điện ảnh sử dụng màu sắc đẹp nhất mọi thời đại do CineFix bình chọn.

Nói như thế để thấy rằng Wes Anderson đã khéo léo đến nhường nào khi dùng chính màu sắc để lồng ghép cảm xúc, hay nói cách khác ông đã điều hướng cảm xúc của chính người xem, tạo một sự đồng cảm từ thị giác khiến chúng dễ dàng len lỏi vào cảm giác hơn.

The Grand Budapest Hotel 3

Những màu sắc nghiêng về tông đỏ được sử dụng gần như xuyên suốt trong các phân cảnh về giai đoạn hoàng kim của khách sạn. Ảnh: sưu tầm.

The Grand Budapest Hotel 4

Nhưng một tông màu khác có phần héo úa và lạnh lẽo hơn lại được tận dụng khi mọi thứ đã không còn rực rỡ như nó đã từng. Ảnh: sưu tầm.

Nội thất trong phim được lấy cảm hứng từ phong cách Art Nouveau, với hình mẫu là cửa hàng bách hóa nổi tiếng Gorlitz-Karlstadt của một chung cư tại Đức và một số công trình khác như tòa nhà Obecni Dum, một nhà hát và khách sạn Grandhotel Pupp tại Cộng Hòa Séc.

Stockhausen – nhà thiết kế sản xuất của phim chia sẻ: “Những cây cột, cầu thang, hệ cửa sổ tuyệt vời và dãy đèn chùm tráng lệ, mọi thứ đều đã hiện hữu sẵn ở đó, tất cả đều là nguyên bản và chúng tôi chỉ cần phải lo liệu cho những việc còn lại”- điều này đủ để chúng ta thấy được phong cách Art Nouveau đã bao trùm lên toàn bộ không gian trong bộ phim đến như thế nào.

Tuy nhiên, đâu đó trong những bối cảnh phim lại là sự lồng ghép nhẹ nhàng và tinh tế của Art Deco, một phong cách mang tư tưởng hình học mạnh mẽ và tưởng như đối nghịch hoàn toàn với nét phóng khoáng có phần cầu kỳ của Art Noveau.

The Grand Budapest Hotel 5

Hệ mái che Art Deco được đặt trên nền kiến trúc Art Noveau, một sự lồng ghép tinh tế. Ảnh: sưu tầm.

The Grand Budapest Hotel 6

Hệ đèn trần là sản phẩm của Art Deco, đèn treo tường lại mang vóc dáng Art Noveau. Nhưng cả hai đều hòa chung tiếng nói để tôn vinh không gian nội thất. Ảnh: sưu tầm.

Nếu bạn cần một bộ phim hài hước để lấy lại tinh thần nhưng lại đáp ứng được những nhu cầu về thẩm mỹ để kích thích thị giác thì The Grand Budapest là một lựa chọn hợp lý cho phút giây rảnh rỗi cần thư giãn. Và như Wes Anderson, thay vì diễn tả bằng lời, hãy thử chọn một tông màu cho xúc cảm của mình bạn nhé.

The Grand Budapest Hotel 7

Màu sắc bạn chọn cho mình hôm nay là gì ? Ảnh: sưu tầm.

Tổng hợp: Đức Nguyên – Ảnh: sưu tầm


Xem thêm:

Những đặc trưng trong thế giới kỳ lạ của nhà làm phim Wes Anderson

Marchesi – thế giới ảo mộng